Trẻ sơ sinh hay vặn mình và ọc sữa thường do nguyên nhân sinh lý như bé nuốt phải khí trong khi bú, phản xạ đầu đời của bé. Mẹ chỉ cần áp dụng các cách sau đây. Vì các cách dưới đây có thể giúp mẹ cải thiện tình trạng này của con.
Trẻ sơ sinh hay vặn mình và ọc sữa có phải là hiện tượng bất thường?
Với các mẹ lần đầu chăm bé sơ sinh, hẳn mẹ sẽ khá hoảng hốt khi thấy con gặp phải tình trạng này như một mẹ tâm sự:
“Bé nhà mình mới hơn tuần tuổi. Bé hay bị vặn mình lắm, mà lại còn gồng người lên đỏ cả mặt,cả người mỗi khi khóc. Mình nhìn con mà sốt ruột quá, không biết làm sao? Đã vậy bé còn hay bị ọc sữa nữa. Bà Nội mình nói tại bé vặn mình nên mới bị ọc sữa. Vậy bây giờ mình phải làm sao đây?”
Theo các bác sĩ nhi khoa, có tới 70% các bé sơ sinh 3 tháng đầu đời sẽ có hiện tượng vặn mình và ọc sữa. Tình trạng này có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý.
Bé vặn mình do phản xạ đầu đời
Vặn hay rướn người ở trẻ sơ sinh đơn giản chỉ là một phản xạ của cơ thể đầu đời. Bé đang tìm cách thích nghi, học hỏi với môi trường sống bên ngoài. Vặn vẹo chân tay giúp con cảm nhận và học để điều khiến chúng.
Hơn nữa, lúc này con chưa thể di chuyển theo ý mình nên vặn, rướn người là cách tốt nhất để con kéo giãn mình, khám phá không gian xung quanh theo nhiều chiều.
Trẻ vặn mình nhiều do thiếu chất?
Nếu con vặn mình nhiều, mạnh và kết hợp với các biểu hiện khác như bú ít, lượng ăn thất thường, tăng cân chậm, khóc đêm nhiều, tóc rụng nhiều hơn mức bình thường, thường xuyên trớ sữa thì lúc đó mới có thể đặt ra nghi vấn rằng con có khả năng bị thiếu canxi. Lúc này mẹ nên đưa bé đi khám để được tư vấn cách bổ sung vitamin phù hợp với lứa tuổi của bé.
Trẻ sơ sinh hay vặn minh và ọc sữa do nuốt phải khí khi bú
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hoạt động co bóp của các cơ đường tiêu hóa đôi lúc không đồng bộ gây nên sự rối loạn nhu động ruột và trẻ bị ọc sữa. Ngoài ra, tâm vị trẻ không đóng kín, cơ vòng thực quản dưới không siết chặt làm cho sữa từ dạ dày trào lên thực quản.
Nếu trẻ quấy khóc, vặn vẹo thân mình, rặn đi tiêu… sẽ làm tăng áp lực trong bụng và trẻ ọc sữa.
Trẻ bú chưa đúng cách
Ngoài ra khi trẻ bú (mẹ hoặc bình), sẽ nuốt một lượng hơi vào trong dạ dày. Nếu cho bú không đúng cách, lượng hơi nuốt vào dạ dày nhiều, dạ dày chứa một lượng lớn vừa sữa vừa hơi, do đó trẻ dễ bị ọc sữa. Nếu khoảng cách các cữ bú quá ngắn, trẻ bú quá nhanh hoặc quá lâu, lượng sữa quá nhiều cũng gây nên ọc sữa.
Mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh hay vặn mình và ọc sữa?
Bổ sung thêm vitamin D3 cho bé khi cần
Theo BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh, bệnh viện Từ Dũ, động tác vặn mình rất thường gặp ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nếu con bạn bú mỗi ngày trên 500 mL sữa bột thì không cần uống thêm canxi. Uống thừa canxi sẽ làm bé táo bón. Em bé của bạn có thể chỉ cần phơi nắng sáng và uống mỗi ngày 400 UI vitamin D3.
Quấn cho bé khi ngủ
Để con được ngon giấc, nhất là trong giai đoạn 2 tháng đầu, khi cơ thể chưa quen với môi trường rộng lớn, chếnh choáng bên ngoài, mẹ có thể quấn cho bé.
Đây là cách các mẹ phương Tây đã áp dụng qua nhiều thập kỷ và nó đã được minh chứng rằng giúp con ngủ sâu giấc, không giật mình vì vặn mình. Khi giấc ngủ không bị đứt quãng, bé tỉnh dậy cũng sẽ ăn được nhiều hơn, tăng cân và phát triển tốt hơn.
Vỗ ợ hơi cho bé
Mẹ nên bế bé ở tư thế thẳng đứng 30 phút sau khi bú và vỗ ợ hơi nhè nhẹ cho bé. Khi bé nằm, mẹ nên làm một cái kén hình chữ O bằng khăn lông để bé nằm bên trong, đầu và vai gối lên kén.
Trường hợp sau khi làm các biện pháp trên mà tình trạng ọc sữa, vặn mình vẫn còn xảy ra nhiều lần trong ngày thì mẹ cần đưa bé đi khám bệnh để phòng trường hợp con bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc các bệnh lý khác.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!