Lông đẹn ở trẻ sơ sinh là gì? Vì sao bé lại mọc lông đẹn và làm sao để trị lông đẹn ở trẻ sơ sinh một cách an toàn cho bé yêu của bạn? Cùng tìm hiểu tất tần tật những thông tin về lông đẹn của bé để có giải pháp phù hợp nhất mẹ nhé!
- Lông đẹn ở trẻ sơ sinh là gì?
- Nguyên nhân bé sơ sinh có lông đẹn
- Lông đẹn có gây khó chịu cho trẻ sơ sinh hay không?
- Thực hư những phương pháp dân gian giúp tẩy lông đẹn cho bé
- Phải làm sao khi bé mọc lông đẹn?
Lông đẹn ở trẻ sơ sinh là gì?
Lông đẹn (hay còn gọi là lanugo, lông măng, lông gáy) là lớp lông mềm mịn, sẫm màu phát triển từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Ngay từ tuần thứ 16-20 của thai kỳ, bé bắt đầu mọc lông đẹn khắp người, đặc biệt là những vùng lưng, vai, trán, tai và mặt. Mức độ nhiều hay ít là khác nhau ở mỗi trẻ.
Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ tự rụng lông đẹn trong những tháng cuối thai kỳ và phần lông này sẽ rơi vào nước ối. Tuy nhiên, cũng có một số bé vẫn giữ nguyên lông đẹn khi chào đời.
Nguyên nhân bé sơ sinh có lông đẹn
Di truyền từ cha mẹ
Trẻ sơ sinh mọc lông đẹn nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố di truyền từ cha mẹ. Nếu cha mẹ có cơ địa mọc nhiều lông thì bé sinh ra cũng sẽ thừa hưởng điều này.
Chế độ ăn uống của bà bầu khi mang thai
Nếu trong quá trình mang thai, mẹ ăn quá nhiều các thực phẩm gây kích thích mọc lông như măng, sữa, trứng, bơ, đu đủ, cá hồi,… dễ khiến bé sinh ra vẫn mọc lông đẹn.
Cơ chế tự nhiên giúp bảo vệ làn da bé
Dù ít hay nhiều thì tất cả bé sơ sinh đều mọc lông đẹn vì những lớp lông này kết hợp với lớp vernix giúp bảo vệ làn da mỏng manh của bé khi tiếp xúc với nước ối trong bụng mẹ.
Lông đẹn có gây khó chịu cho trẻ sơ sinh hay không?
Nhiều mẹ thấy bé hay vặn mình thì lo lắng và cho rằng bé bị ngứa ngáy, khó chịu do mọc lông đẹn. Tuy nhiên, thực chất lớp lông đẹn rất mịn và không gây cảm giác đau, châm chít hay ngứa gì cho bé cả.
Hiện tượng bé vặn mình là rất bình thường ở trẻ từ 1-2 tháng tuổi và không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé. Chỉ khi bé vặn mình nhiều xuất hiện kèm với nôn trớ, khó ăn, khó ngủ, vã mồ hôi và quấy khóc khiến bé chậm tăng cân, mẹ mới cần phải đứa bé đi khám vì nguyên nhân bé vặn mình là do đang có vấn đề trong cơ thể chứ không phải do mọc lông đẹn.
Thực hư những phương pháp dân gian giúp tẩy lông đẹn cho bé
Dân gian ta truyền tai nhau rất nhiều cách trị lông đẹn cho bé sơ sinh bằng nguyên liệu thiên nhiên hay thậm chí dùng dao lam để cắt, lễ đẹn. Tuy nhiên, sự thật về độ hiệu quả và an toàn của các phương pháp này như thế nào?
Cắt, lễ đẹn
Việc tự ý cắt, lễ đẹn khiến làn da bé dễ bị nhiễm trùng và sưng tấy, mưng mủ lên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Dùng nhíp nhổ lông đẹn
Dùng nhíp nhổ lông đẹn khiến bé đau đớn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh của bé. Ngoài ra còn có thể khiến lỗ chân lông bé bị to ra, rỉ máu và trầy xước vùng da non, gây tình trạng viêm nang lông cho bé.
Cạo lông đẹn cho trẻ sơ sinh
Đây cũng không phải là một phương pháp hay vì làn da nhạy cảm của bé sẽ không chịu được tác động mạnh từ dao cạo. Nếu trẻ cựa quậy và bạn lỡ tay quẹt dao vào lưng trẻ sẽ rất nguy hiểm và có thể để lại thẹo suốt đời cho bé.
Chà lưng trẻ bằng các nguyên liệu tự nhiên
Có rất nhiều phương pháp tẩy lông đẹn cho bé từ nguyên liệu thiên nhiên được nhiều bà mẹ chia sẻ trên khắp các diễn đàn, trong đó phải kể đến việc dùng lá trầu không chà lưng bé, thoa hỗn hợp bột mì và lòng trắng trứng gà lên lưng bé, thoa chanh hay đu đủ giúp bé rụng lông đẹn tự nhiên,…
Tuy nhiên, các phương pháp này hoàn toàn không có tác dụng trên thực tế mà còn gây bít tắc lỗ chân lông hoặc dị ứng ở một số trẻ. Nếu như lá trầu có thể làm nóng, rát vùng da non của bé thì chanh lại có tính axit cao, làm bào mòn da bé. Các hỗn hợp bột mì hay lòng trắng trứng có thể gây dị ứng hoặc viêm lỗ chân lông rất nguy hiểm cho bé.
Phải làm sao khi bé mọc lông đẹn?
Tin vui cho mẹ là lớp lông đẹn này sẽ tự rụng trong vòng 5 tuần đầu, tùy cơ địa thì có bé sẽ kéo dài thời gian rụng thêm khoảng 1-4 tháng sau sinh. Các bác sĩ cũng đã chia sẻ rằng lớp lông này hoàn toàn vô hại, không gây trở ngại hay khó chịu gì cho bé cả. Vì vậy, bố mẹ không cần phải làm gì hết, đó là quy luật tự nhiên.
Vừa rồi là những thông tin về lông đen ở trẻ sơ sinh. Hy vọng mẹ đã có những kiến thức bổ ích sau bài viết này để chăm sóc bé yêu thật tốt nhé.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!