Bé khóc nhè còn cha mẹ chẳng biết làm gì ngoài dỗ dành trong bất lực – đó là điều hoàn toàn bình thường trong các gia đình có con nhỏ.
Nhiều khi người làm cha mẹ như bạn không thể hiểu nổi lý do tại sao trẻ lại khóc. Ngay cả khi bé cho bạn câu trả lời thì lý do đưa ra cũng rất mơ hồ và chưa chắc đã hợp lý chút nào.
Nhiều trường hợp dở khóc dở cười mà mọi gia đình hay gặp là con bạn từng khóc nhè chỉ vì bé tưởng lò vi sóng ăn thức ăn của mình hay khi bạn ngăn bé ăn đồ ăn của cún.
Có vô vàn lý do làm trẻ khóc nhè nhưng hãy nhớ rằng việc khóc cũng có ích đối với mọi lứa tuổi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khóc làm người ta cảm thấy dễ chịu hơn.
Vì vậy, thay vì sốt sắng ngăn bé khóc nhè, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý khi bé khóc nhè ở bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân thực sự làm bé khóc nhè
Bé khóc nhè do quá mệt
Khi con bạn đột nhiên òa lên khóc chỉ vì bạn đưa cho bé cây bút khác màu con chỉ hay khi bạn bảo con đi giầy vào chân thì nguyên nhân thực sự có thể do đã quá giờ đi ngủ của bé và bé đã quá mệt.
Bạn có thể không ngăn được con mình cáu gắt hay khóc nhè do mệt mỏi, nhưng tần suất con ăn vạ có thể được giảm thiểu nhờ duy trì một lịch sinh hoạt điều độ hàng ngày cho trẻ dựa theo độ tuổi của con.
Theo đó trẻ từ 15 đến 18 tháng tuổi nên ngủ ngắn 2 lần một ngày, trẻ từ 3 đến 4 tuổi nên ngủ 1 lần một ngày, cùng với đó là thời gian đi ngủ buổi tối rõ ràng.
Thời gian đi ngủ của trẻ tùy thuộc vào lứa tuổi và thời gian ngủ dậy của từng bé, nhưng chuyên gia khuyến cáo bạn nên cho bé đi ngủ vào khoảng từ 7 đến 9 giờ tối.
Hãy quan sát những dấu hiệu mệt mỏi của bé như dụi mắt, ngáp hay mắt thẫn thờ. Nếu bạn cho rằng bé đang cảm thấy mệt mỏi thì nên cho trẻ ngủ một giấc ngắn để nghỉ ngơi tái tạo năng lượng
Trẻ cảm thấy đói
Cơn đói có thể là thủ phạm khiến bé khóc nhè nếu bé vừa tỉnh giấc hoặc chưa ăn gì sau 3-4 tiếng.
Nếu bé bắt đầu trở nên khó chịu do đã nhịn ăn một khoảng thời gian thì bạn hãy cho bé ăn một chút đồ ăn nhẹ và lành mạnh cho sức khỏe của bé. Trong trường hợp bạn và bé ra ngoài, hãy luôn nhớ mang kèm một ít đồ ăn trong túi đề phòng những khi con đói nhé.
Bé khóc nhè do bị kích động quá mức
Nhà bóng, tiệc sinh nhật, khu vui chơi hoang dã dường như là thiên đường dành riêng cho bọn trẻ. Tuy nhiên trong một số thời điểm, sự ồn ào và náo nhiệt quá mức có thể kích thích thái quá đến con bạn mà bé không biết cách bày tỏ. Biện pháp duy nhất bé biết chính là khóc nhè.
Nếu con bạn đột nhiên òa lên khóc khi đang ở một nơi nào đó ồn ào, hãy để bé thư giãn một chút bằng cách đưa trẻ đến chỗ yên tĩnh hơn, cho trẻ ngồi xuống và thử nhặt mấy mẩu đồ chơi bạn rải ra xung quanh để bé trấn tĩnh lại. Trong trường hợp cách này không hiệu quả, bạn hãy cho bé về nhà và lùi cuộc vui vào một thời điểm nào khác.
Bé bị căng thẳng
Stress cũng là nguyên nhân làm bé khóc nhè và dù cho bận rộn lo toan công việc gia đình, bố mẹ cũng cần phải xác định điều gì gây stress cho trẻ. Câu trả lời ở đây là hầu như tất cả mọi thứ xung quanh đều có thể khiến bé bị căng thẳng, nhất là những em bé lớn một chút.
Đơn cử như việc thời gian biểu quá dày đặc chẳng hạn, trẻ cần có một khoảng thời gian rảnh trong ngày để chơi tự do và thư giãn.
Yếu tố ngoại cảnh cũng có thể khiến bé thấy áp lực, như hôn nhân của cha mẹ có vấn đề hay trẻ phải chuyển trường, thậm chí là những tin tức thời sự trẻ nghe được.
Khi một đứa trẻ cảm thấy gánh nặng của những vấn đề trong cuộc sống, bé có thể đột nhiên trở nên mít ướt. Với những em bé nhỏ, cha mẹ nên có cách tác động để thay đổi môi trường sống xung quanh, giảm tình trạng căng thẳng và giúp trẻ lấy lại cân bằng.
Trẻ lớn hơn nên được dạy các kỹ năng kiểm soát căng thẳng. Những bài thở sâu và thiền, hoạt động thể dục ngoài trời, vui chơi giải trí sẽ giúp con bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Bé muốn được bạn chú ý
Khi đang vui chơi vui vẻ, bỗng dưng con bạn bật khóc nức nở khi bạn quay đi. Đó là cách để bé thu hút sự chú ý của bạn. Lúc này, những từ ngữ ra lệnh như “Nín đi!” hoặc “Tại sao con khóc?” chỉ khiến đứa trẻ khóc to hơn.
Lời khuyên cho bạn lúc này là hãy lờ đi những hành động gây sự chú ý của bé bất cứ khi nào có thể; tránh nhìn vào mắt bé và không nói chuyện khi con đang muốn bạn để mắt đến.
Con bạn sẽ chẳng vui vẻ gì nếu cứ tiếp tục la hét hay khóc lóc mà chẳng ai để tâm. Sau đó hãy cho bé thấy rằng, nếu bé chơi ngoan ngoãn thì bạn vẫn luôn quan tâm đến con.
Hãy dành cho bé những lời khen cho hành động cư xử đúng mực, rồi bạn sẽ thấy dần dần bé sẽ thôi dùng nước mắt để thu hút người lớn.
Hãy quan tâm đến bé một cách tích cực, dành vài phút mỗi ngày để chơi cùng con để con luôn cảm thấy được yêu thương, quan tâm, từ đó bỏ hẳn thói quen khóc nhè.
Bé muốn một thứ gì đó
Trẻ nhỏ chưa phân biệt được sự khác nhau giữa mong muốn và nhu cầu nên khi muốn gì đó, bé thường đòi hỏi phải có được ngay lập tức. Khi nhu cầu không được đáp ứng thì nước mắt là điều có thể lường trước được.
Nếu bạn nhượng bộ sau khi đã từ chối con vì cảm giác tội lỗi hay vì bạn không chịu được tiếng khóc của con, bạn đã dạy trẻ rằng nước mắt có thể là công cụ để đạt được mong muốn của mình.
Bên cạnh thể hiện rằng mình đồng cảm với con, đại loại như: “mẹ hiểu rằng con đang thấy buồn”, hay “mẹ cũng buồn vì mình không đi công viên chơi được”, đừng để nước mắt của con thay đổi quyết định của bạn.
Hãy dạy con điều chỉnh cảm xúc khi bé không có được thứ mình muốn. Cùng bé tô màu một bức tranh, nói ra câu “Con thực sự buồn” hay hít một hơi thật sâu có thể là những cách giúp bé quên đi cảm giác này.
Bé không muốn tuân theo yêu cầu của bạn
Nếu trẻ đang chơi, bạn yêu cầu trẻ cất đồ chơi đi và đi ngủ, ngay lập tức bạn có thể thấy bé khóc nức nở. Bé khóc có thể xuất phát từ nỗi buồn thực sự nhưng cũng có thể là một cách tác động đến người lớn.
Nếu bạn đồng ý để con chơi tiếp khi bé khóc, đây có thể là mở đường cho những lần không nghe lời tiếp theo. Thay vì làm như vậy, mẹ nên thể hiện sự tôn trọng cảm giác của con bằng cách nói:
“Mẹ biết bây giờ con không muốn cất đồ chơi vì đang chơi dở”, đừng nói quá dài dòng hoặc dùng từ ngữ ra lệnh.
Tiếp đó, hãy đưa ra hậu quả nếu con không nghe lời, ví dụ như: “nếu con không cất đồ chơi bây giờ, thì sau bữa trưa con sẽ không được chơi đồ chơi nữa” và thực hiện đúng như thế.
Điều quan trọng ở đây là dạy con biết rằng, dù con có thấy buồn hay giận dữ thì con cũng phải nghe theo các quy tắc. Mỗi khi con không vui vì phải thực hiện theo quy tắc của bạn, hãy lấy đó làm cơ hội dạy con ứng xử tích cực trong mọi tình huống.
Khi nào cha mẹ cần đến giúp đỡ từ bên ngoài
Nếu em bé của bạn khóc nhiều hơn bình thường, hãy cho trẻ đi khám nhi khoa. Có thể trẻ gặp một số vấn đề về sức khỏe như nhiễm trùng tai làm bé đau nên quấy khóc.
Sau khi đã xác định sức khỏe của bé vẫn ổn, bạn lại tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân bé khóc và cách xử lý trong từng trường hợp. Mỗi khi con bắt đầu khóc, có thể bé chỉ cần một chút thời gian để bình tĩnh lại mà thôi.
Khi con đã lớn hơn và có thể kể cho bạn điều gì làm con khó chịu, hãy cố gắng nói chuyện với con. Cùng con tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Và dù cho có thể bạn không làm con ngưng khóc ngay được, con cũng sẽ cảm thấy dễ chịu và biết ơn bạn vì đã lắng nghe.
Nghe tiếng bé khóc nhè là trải nghiệm chẳng mấy dễ dàng cho cha mẹ. Nhưng đừng vì muốn con nhanh nín khóc mà thỏa hiệp và đồng ý với những yêu cầu chưa hợp lý của con.
Cha mẹ cần kiên nhẫn tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý thích hợp để tiếng khóc của con không còn là nỗi ám ảnh mà thay vào đó là cơ hội dạy con kiểm soát cảm xúc và hành vi nhé.
Theo Verywellfamily
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!