Bật quạt xối thẳng vào người trẻ, thói quen tưởng chừng như nhỏ nhặt của rất nhiều bậc cha mẹ nhưng lại tiềm ẩn những nguy hiểm không ngờ về đường hô hấp.
Câu chuyện chia sẻ từ kinh nghiệm đau đớn của một bà mẹ. Bé sơ sinh bị suy hô hấp, viêm phổi cấp tính chỉ vì thấy con nóng, mồ hôi ra đầy mình, đầu ướt mà mẹ bật quạt xối thẳng vào người con với hi vọng con đỡ nóng, dễ chịu hơn.
Con bị viêm phổi vì mẹ bật quạt xối thẳng vào người
Mẹ của bé kể rằng. Con khỏe mạnh ngay từ khi chào đời, chưa một lần ốm đau khiến mẹ phải lo lắng. Nhưng lần này, con đã phải nhập viện chỉ vì một điều mà mẹ không ngờ tới.
Đầu tiên con có biểu hiện cảm lạnh, rồi rất nhanh sau đó con bị viêm phế quản và cuối cùng là viêm phổi. Nguyên nhân là do mẹ đã bật quạt xối thẳng vào người bé quá nhiều và quá lâu.
“Lỗi tại mình, chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Thấy con ngủ ra mồ hôi đầy lưng. Thay vì lau người cho con, mình lại bật quạt xối vào bé với hi vọng con cảm thấy mát mẻ, dễ chịu hơn. Ban đầu con có biểu hiện của cúm rồi sốt cao dần.
Mình chủ quan nên chỉ cho con uống paracetamol để hạ sốt. Cứ nghĩ một hai ngày rồi con sẽ đỡ. Nhưng không, tình trạng của con nặng hơn nên mình vội cho đi khám. Bác sĩ báo con đã bị viêm phổi.
Giờ con đã phải nằm viện 3 ngày nay. Vừa hút đờm rồi lại dùng khí dung liên tục. Tình trạng con đã đỡ nhiều, phổi không còn sưng nữa nhưng hơi thở vẫn bất thường”.
Chị cũng chia sẻ thêm rằng. “Bình thường mình chỉ bật quạt để dưới chân giường con. Nhưng hôm đấy vì thấy bé ra quá nhiều mồ hôi nên mình cứ nghĩ làm thế con sẽ thoải mái hơn. Ai ngờ đâu!”.
Vì thế các mẹ cần lưu ý thận trọng. Bé có biểu hiện sốt không thuyên giảm, nhiều đờm và hơi thở khò khè thì nên đưa con đi khám ngay. Những dấu hiệu này có thể bị nhầm lẫn với một bệnh cúm thông thường mà mẹ không thể ngờ tới.
Viêm phổi ở trẻ – Những dấu hiệu cha mẹ cần hết sức lưu ý
Khi phổi bị nhiễm trùng do vi rút tấn công, bé sẽ có những biểu hiện thường gặp như sau:
- Con thở nhanh, gấp, tiếng thở khò khè hoặc như rít lên
- Trẻ thường sốt cao, không giảm
- Xuất hiện ho, đờm nhiều
- Trẻ có thể bị đau bụng, nôn mửa
- Con bỏ ăn, quấy khóc nhiều
- Môi và đầu móng tay con có màu xanh hoặc xám do đường hô hấp làm việc không hiệu quả nên trẻ có thể bị thiếu oxy, khó thở
Từ khi con bị cảm lạnh, đau họng, ho, sốt và có đờm cho đến khi vi rút tấn công phổi, giai đoạn diễn biến của bệnh diễn ra rất nhanh, có khi chỉ trong vòng 2,3 ngày. Do đó, nếu thấy con sốt cao không giảm cùng những tiếng thở bất thường thì cha mẹ nên đưa bé đi khám ngay lập tức.
Trẻ ra nhiều mồ hôi, nóng trong, mẹ cần chú ý cách chăm sóc con
Dù là mùa đông hay mùa hè thì các bé hay đổ mồ hôi, nóng trong vẫn dễ bị bệnh hơn trẻ thông thường. Khi cho con ngủ về đêm hoặc hoạt động ban ngày, mẹ cần chú ý đến những điều sau:
- Về mùa hè, trời nóng đến mấy thì vẫn cần mặc áo cho con, tuyệt đối đừng để con cởi trần. Vào mùa đông, lớp áo trong cùng của con cần thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt. Trời lạnh nhưng mặc không đúng cách bé vẫn có thể bị đổ mồ hôi nhiều.
- Cách kiểm tra xem con có nóng hay không là hãy sờ vào gáy bé. Nếu thấy gáy quá nóng và ra mồ hôi, đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể con đang bị nóng. Mẹ nên lấy khăn xô lau người khô ráo cho bé và thay một chiếc áo thoáng mát hơn.
- Khi trời nóng, mẹ có thể bật quạt nhưng nên để chếch đầu và người bé. Cho quạt quay hoặc phả vào tường là tốt nhất.
- Với phòng điều hòa, mẹ nên để nhiệt độ từ 26-27 độ C. Vào ban ngày, cần mở cửa phòng ngủ cho thông thoáng, cho bé ra ngoài vận động thường xuyên, tránh nằm phòng điều hòa hoặc phòng bật máy sưởi quá nhiều và quá lâu. Những điều này có thể khiến trẻ càng dễ bị ốm và không có sức đề kháng với môi trường bên ngoài.
Theo theAsianparent Thái Lan
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!