Bà bầu có nên ăn hạt dẻ không? Đây là một trong những loại hạt tốt mà chị em không những ăn khi mang thai, mà còn phát huy lợi ích sức khoẻ trong đời sống thường nhật.
Những điều cần biết về hạt dẻ
Hạt dẻ, có tên khoa học là Aesculus hippocastanum, có vỏ gai và màu nâu sẫm, cả hai đều cần phải loại bỏ trước khi ăn.
Thành phần chủ yếu của hạt dẻ gồm có:
- Tinh bột
- Protein
- Lipit
- Vitamin B1, B2, C
- Các khoáng chất.
Chị em có biết rằng theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì hạt dẻ là hạt duy nhất có chứa Vitamin C trong tất cả các loại hạt. Ngoài ra, các loại hạt dẻ khô chứa lượng vitamin khá cao.
Nhờ thành phần dinh dưỡng cao mà hạt dẻ đem lại rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Vậy bà bầu có nên ăn hạt dẻ không?
Bà bầu có nên ăn hạt dẻ hay không?
Không có gì phải đắn đo cho câu hỏi liệu bà bầu có nên ăn hạt dẻ hay không vì chắc chắn thai phụ sẽ nhận được rất nhiều lợi ích khi đưa loại hạt này vào chế độ dinh dưỡng. Bà bầu sẽ nhận được những tác dụng sau cho bản thân:
- Cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể với thành phần giàu tinh bột của hạt dẻ.
- Bảo vệ sức khoẻ tim mạch.
- Axit béo thuộc họ Omega-3 trong hạt dẻ có tác dụng giúp kháng viêm và bảo vệ tim.
- Chất phytosterol được coi là chất giúp giảm sự hấp thu cholesterol vào trong máu.
- Ngăn ngừa bệnh tiểu đường và huyết áp cao – 2 bệnh lý thường gặp trong thai kỳ.
- Chống oxy hóa và làm giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim nhờ thành phần mangan cao.
Còn theo Đông y, hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Có công năng bổ thận ích tinh, làm mạnh gân cốt, tăng cường chức năng tiêu hóa, nuôi dưỡng dạ dày, cầm máu, chữa trị tiêu chảy do tỳ, vị hư hàn hay lưng gối do thận hư…
Những lưu ý cho bà bầu khi ăn hạt dẻ
- Hiện tượng nhiệt, nóng trong người khi ăn quá nhiều hạt dẻ trong một thời gian ngắn
- Hạt dẻ chứa thành phần với tinh bột là chủ yếu, dường như không có chất xơ nên ăn nhiều dễ bị táo bón. Đối với người mắc chứng tiêu hóa kém cần hết sức lưu ý, phải ăn hạn chế.
- Là thực phẩm dễ có nguy cơ bị mốc hỏng vì ở dạng hạt, khi bị mốc có thể gây nhiễm độc tố Afflatoxin, gây ung thư gan.
- Khi bóc hạt dẻ nếu thấy màu sắc bên trong thay đổi thì cần phải bỏ ngay. Khi ăn hạt dẻ nếu không thấy vị béo bùi cũng cần bỏ ngay. Nếu mua hạt dẻ về mà chưa sử dụng hết thì bỏ vào hộp hoặc khay, cho vào ngăn đá nếu muốn để trên 10 ngày.
Một vài món ăn từ hạt dẻ cho bà bầu
1. Kuri gohan – Cơm hạt dẻ từ Nhật Bản
Nguyên liệu
- 350g gạo tẻ
- 300g hạt dẻ
- 450ml nước
- 7 thìa rượu (35ml)
- 1 thìa xì dầu, đường
- ½ thìa muối.
Cách làm
- Vo gạo trước khi nấu cơm khoảng 30 phút. Để nguyên trên rá cho gạo ráo nước.
- Hạt dẻ cho vào bát tô hoặc nồi, đổ ngập nước sôi vào ngâm cho đến khi nước nguội để vỏ hạt dẻ mềm và dễ bóc.
- Khi vỏ hạt dẻ đã mềm, bạn dùng dao tách bỏ vỏ cứng bên ngoài và lớp màng chát bên trong rồi rửa sạch dưới vòi nước.
- Cho gạo vào nồi cùng 450ml nước.
- Sau đó cho xì dầu, rượu, đường, muối vào nồi cơm.
- Dùng muôi trộn đều. Xếp hạt dẻ đều lên trên cùng rồi nấu như nấu cơm bình thường là xong!
- Khi ăn có thể rắc thêm hạt vừng đen lên bát cơm cho thơm, nhìn lại đẹp mắt nữa.
2. Thịt gà hầm hạt dẻ
Nguyên liệu
- 500g thịt gà
- 200g hạt dẻ đã bóc vỏ
- 15 cái nấm hương khô
- 1 củ tỏi, 1 củ hành, 1 củ gừng
- 2 muỗng canh rượu
- 1 muỗng dầu hào & nước tương
- Vài nhánh hành lá
- Đường, muối
Cách làm
- Ngâm nấm trong nước một lát cho mềm.
- Trong lúc chờ thì thái tỏi, gừng thành các lát thật mỏng, thái nhỏ hành củ.
- Đun nóng chảo, phi thơm tỏi, hành và gừng.
- Sau đó, cho thịt gà vào xào cùng.
- Thêm rượu, dầu hào, nước tương, muối rồi đảo đều.
- Cho nấm và hạt dẻ vào xào, sau đó đổ nước vừa ngập các nguyên liệu và vặn to lửa.
- Khi nước sôi, bắt đầu vặn nhỏ lửa, đun trong khoảng 20 phút.
- Cho đường vừa ăn, sau đó đun thêm vài phút cho nước cạn bớt thì tắt bếp. Rắc thêm hành lá lên trên.
3. Soup hạt dẻ
Nguyên liệu
- Hạt dẻ
- Hành tây
- Dầu oliu
- Muối, tiêu
Cách làm
- Hạt dẻ luộc/nướng chín rồi bóc sạch vỏ. Hành tây làm sạch bổ múi cau.
- Làm nóng nồi, cho hành tây vào xào thơm với dầu olive.
- Thêm nước và hạt dẻ rồi nấu lửa vừa cho đến khi hạt dẻ chín mềm. Nêm muối vừa ăn. Tắt bếp.
- Dùng máy xay nhuyễn hỗn hợp.
- Thêm sữa tươi/kem tươi loại dùng cho nấu ăn nếu thích vị béo hơn
Trong trường hợp bị dị ứng, mẹ bầu còn rất nhiều loại hạt khác thay thế như hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt điều, macca,…Và dù có “cuồng” loại hạt này như thế nào, thì hãy thay đổi thường xuyên để đa dạng nguồn thức ăn đưa vào cơ thể nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!