Cách chọc thai nhi đạp khi con đạp ít là thay đổi tư thế, ăn 1 chút đồ ngọt hay ấn nhẹ vào bụng… Khi con đạp ít, nhiều mẹ không khỏi lo lắng và băn khoăn không biết có chuyện gì đang xảy ra với bé yêu không. Hãy để bài viết giúp các mẹ giải tỏa sự lo lắng này nhé!
- Những cú đạp của bé nói lên điều gì?
- Đếm thai máy nên được thực hiện từ tuần thứ bao nhiêu trở đi?
- 10 cách kích thích thai máy
Những cái đạp của thai nhi cho mẹ biết nhiều điều
Bước sang tuần thai 22 trở đi, hầu hết các mẹ sẽ cảm nhận được sự chuyển động của em bé trong bụng mình. Thai máy cho thấy con đang phản ứng lại với môi trường sống bên trong cũng như bên ngoài bụng mẹ.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park: Việc kiểm tra số lần thai máy của con trong những tháng cuối của thai kỳ rất quan trọng. Giúp ích rất nhiều cho việc theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
Những cú đạp của bé nói lên nhiều điều (Nguồn ảnh: istockphoto)
Khi mẹ kiểm tra cử động của thai nhi ít hơn bình thường thì nguyên nhân thai ít đạp có thể là do bé đang ngủ hoặc có thể do bé đang trong tình trạng sức khỏe yếu. Mỗi em bé sẽ có thể trạng và thời gian hoạt động khác nhau, mẹ không nên so sánh với các bé khác. Chỉ cần đảm bảo bé hoạt động 1 giờ/ngày là đủ.
Tuy nhiên, càng về cuối thai kỳ khi thai nhi đã lớn thì bụng mẹ dần trở nên chật chội, cường độ hoạt động của bé có thể giảm đi. Đồng thời, những mẹ có thành bụng dày hay lượng nước ối nhiều hay ít sẽ khiến mẹ khó cảm nhận thai máy hơn.
Thai nhi ít đạp có ảnh hưởng gì không? Ý nghĩa quan trọng nhất khi thai nhi đạp chính là con đang thông báo cho mẹ biết về tình hình sức khỏe của mình. Nếu bé đạp thường xuyên, đạt được số lần máy trung bình như yêu cầu nghĩa là con vẫn đang lớn lên và phát triển. Trường hợp con ít đạp cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số nguy hiểm. Mẹ cần biết cách làm cho thai máy để kịp thời nhận biết những bất thường của con.
Bạn có thể chưa biết:
Em bé đạp ít có phải dấu hiệu suy thai? Mẹ bầu nên làm gì lúc này?
Tần suất đạp của thai nhi
Từ tuần thứ 8 thai nhi đã bắt đầu có cử động trong bụng mẹ, nhưng vì lúc này em bé vẫn còn quá nhỏ nên mẹ chưa cảm nhận được những cú đạp của con. Khi đến tuần thai thứ 18-20, mẹ đã bắt đầu nhận biết được cử động thai rồi đấy.
Tần suất đạp của em bé rơi vào khoảng 4 lần/giờ được xem là bình thường và số lần bé đạp còn phụ thuộc vào thói quen, giờ giấc sinh hoạt của từng bé, chỉ cần đảm bảo tổng số lần thai máy trong 1 ngày là 10-15 lần thì mẹ có thể hoàn toàn yên tâm nhé.
Từ tuần thứ 27 đến tuần thứ 32, bé sẽ chuyển động mạnh mẽ nhất. Càng về cuối thai kỳ, mẹ sẽ thấy thai nhi đạp ít hơn bình thường.
Vì sao bé ít đạp vào tháng cuối?
Khi nào thai nhi ít đạp? Có 1 điều mẹ cần chú ý là càng về những tháng cuối em bé càng ít đạp, nhất là trong tháng cuối. Lúc này tử cung của mẹ đã chật chội hơn rất nhiều và em bé không còn nhiều không gian để vận động như trước nữa nên việc thai nhi càng lớn càng ít đạp không có gì là khó hiểu cả.
Mẹ cần theo dõi cử động thai, nếu số lần hoạt động của con dưới 50 lần/ngày thì nên đến bệnh viện kiểm tra. Ngoài ra mẹ nên chú ý 1 số dấu hiệu bất thường sau đây:
- Dịch âm đạo ra nhiều, có thể có máu
- Đau bụng dưới dữ dội
- Mẹ bị chuột rút và có cơn co thắt tử cung thường xuyên
- Mắt giảm thị lực, tay chân và mặt bị phù
- Hô hấp khó khăn, tim đập nhanh hơn bình thường…
Đếm thai máy cần được thực hiện từ tuần thứ bao nhiêu trở đi?
Thông thường, khi tròn 28 tuần thai cũng là lúc các chuyển động máy của em bé sẽ xuất hiện đều đặn hơn. Lý do là vì hệ thống não bộ cũng như các dây thần kinh đã dần dần hoàn thiện.
Khi khám thai, bác sĩ sẽ khuyên mẹ nên thực hiện việc đếm các chuyển động của con từ khoảng thời gian 28 tuần này cho đến ngày sinh bé.
Mỗi một chuyển động hay rung động của thai nhi như đá, đạp, co, cuộn hay vặn người đều được tính là một lần bé máy.
Tuy nhiên mẹ cũng cần chú ý bé nấc thì không được tính là thai đang máy (nếu thai nhi nấc, mẹ sẽ có cảm giác như tiếng tim đập, tần suất diễn ra đều đặn và tại 1 vị trí nhất định).
- Đếm bé máy sau mỗi bữa ăn (bữa sáng, trưa, tối), trong vòng 1 tiếng đồng hồ
- Nếu bé máy 4 lần trở lên trong 30 phút nghĩa là thai nhi bình thường
- Khi thấy con đạp ít hơn 4 lần trong thời gian như trên, mẹ hãy đếm tiếp cho đến khi đủ 4 tiếng đồng hồ.
Thai máy như thế nào là bất thường?
Nếu không quan sát kỹ, mẹ sẽ rất khó phát hiện thai nhi có đang phát triển khỏe mạnh hay không. Khi thấy những dấu hiệu dưới đây, mẹ nên đi khám ngay vì rất có thể bé đang gặp phải vấn đề nào đó:
- Thai không máy: Trong trường hợp mẹ đã từng cảm nhận thai máy nhưng đột ngột 1 ngày bé không máy hoặc máy rất ít
- Thai máy quá nhiều: Đôi khi thai máy quá nhiều không phải là dấu hiệu tốt, cho thấy bé đang khỏe mà lại là cảnh báo hiện tượng bất thường. Bé đột nhiên máy nhiều thì có thể bé đang bị stress hoặc nguyên nhân đến từ phía mẹ. Nếu em bé cử động bình thường trở lại thì mẹ không cần lo lắng nhưng trong trường hợp số lần thai máy tăng nhanh thì mẹ cần đến bệnh viện kiểm tra
- Triệu chứng bất thường: Các triệu chứng như nôn mửa, xuất huyết âm đạo, ngực không còn căng cứng, co thắt tử cung kèm theo thai không máy nếu xuất hiện thì mẹ cần đi khám ngay vì sức khỏe thai nhi có thể đang bị đe dọa do thiếu ối, thiếu oxy hoặc bất thường nguy hiểm ở nhau thai.
Lúc này đây mẹ có thể áp dụng các cách làm cho thai máy, giúp em bé ít đạp trong bụng mẹ hoạt động năng nổ và hoạt bát hơn bằng 10 cách dưới đây.
Bạn có thể chưa biết:
Thai nhi 36 tuần ít đạp – Mẹ bầu nên làm gì?
10 cách chọc thai nhi đạp giúp bé yêu quậy tưng bừng trong bụng mẹ
Thai nhi ít đạp cần được kích thích để mẹ bầu có thể xác nhận về tình trạng sức khỏe của bé. Việc này cũng thường được thực hiện với các mẹ có nhiều nguy cơ biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, huyết áp cao, mang thai đã lớn tuổi…
Số lần thai máy là yếu tố cho thấy con vẫn đang nhận đủ oxy cũng như chất dinh dưỡng cần thiết, phòng tránh tình trạng thai chết lưu nguy hiểm.
Về nguyên tắc, thai nhi sẽ chỉ phản ứng lại với 2 yếu tố chính là ánh sáng và âm thanh. Vì thế các cách kích thích cho em bé ít đạp hoạt động nhiều hơn là dựa trên những điều này.
1. Cách chọc thai nhi đạp bằng một cốc nước mát lạnh
Mẹ bầu có thể uống một cốc nước thật mát lạnh như nước lọc hoặc nước hoa quả. Khi nước vào đường thực quản sẽ kích thích con hoạt động nhiều hơn.
Uống 1 cốc nước mát để chọc bé đạp (Nguồn ảnh: istockphoto)
2. Ăn đồ ngọt khi bé đạp ít hơn bình thường
Mẹ bầu có thể uống sinh tố hoa quả có vị ngọt hoặc bánh quy hoặc bất kỳ đồ ngọt nào với lượng vừa phải. Đường được cung cấp cho cơ thể mẹ sẽ giúp em bé được nhận thêm năng lượng và hoạt động hăng hái hơn.
Một cốc nước ép hoa quả cũng là lựa chọn tuyệt vời cho mẹ khi muốn kích thích bé đạp. Chỉ cần 1 cốc nước ép hoa quả, mẹ sẽ thấy nhịp tim của bé đập nhanh hơn do lượng đường trong máu tăng lên bất ngờ.
Ngoài nước ép, mẹ cũng có thể uống sữa hạt, ăn 1 vài lát hoa quả hoặc 1 hộp sữa chua trộn hoa quả, tuy nhiên cần tránh nước ép hoa quả đóng hộp bán sẵn vì trong thành phần có thể có chất làm ngọt nhân tạo không tốt cho sức khỏe cả mẹ và bé.
3. Cách chọc thai nhi đạp: Đổi tư thế
Hầu hết các mẹ sẽ cảm thấy bé đạp nhiều khi mẹ đổi sang nằm nghiêng bên trái nhờ máu đưa đi nuôi bé tuần hoàn tốt hơn.
Tuy vậy, với một số mẹ thì nằm ngửa lại giúp con phản ứng mạnh hơn. Vì vậy mẹ hãy nằm và đổi các tư thế để xem con có đạp nhiều lên hay không.
4. Ấn nhẹ vào thành bụng theo một nhịp nhất định
Mẹ hãy thử tưởng tượng trong đầu một giai điệu yêu thích và dễ chịu rồi dùng ngón tay ấn lên thành bụng theo giai điệu của bài hát.
Ngoài tác dụng kích thích khi thai nhi ít đạp, đây cũng là một trong những cách giao tiếp tuyệt vời giữa mẹ và thai nhi để con biết rằng mẹ đang vuốt ve và trò chuyện với bé.
5. Đi dạo cũng là cách đánh thức thai nhi đơn giản
Một vòng dạo bước giữa thiên nhiên, tay vuốt ve bụng và trò chuyện cùng bé sẽ là cách kích thích hiệu quả để con trở nên hoạt bát hơn trong trường hợp em bé ít đạp vào tháng cuối. Đây cũng là hoạt động giúp cơn vượt cạn của mẹ diễn ra dễ dàng hơn.
6. Mẹ nên bật nhạc cho bé nghe
Mẹ hãy thử bật cho bé nghe những giai điệu êm dịu mà mẹ yêu thích. Chuyển động cơ thể theo nhịp điệu của tiếng nhạc, đảm bảo rằng chẳng mấy chốc mà con sẽ phản ứng lại với mẹ ngay thôi.
Bật nhạc cho bé nghe (Nguồn ảnh: istockphoto)
7. Xoa bụng và trò chuyện với bé
Dùng các đầu ngón tay, vuốt ve bụng theo vòng tròn hoặc 2 thành bụng và trò chuyện cùng con. Cách này giúp mẹ bầu vừa thư giãn mà bé yêu cũng cảm nhận được môi trường bên ngoài mẹ dễ dàng hơn.
8. Bật đèn pin là cách chọc thai nhi đạp
Dùng đèn pin có ánh sáng dịu, chiếu vào thành bụng, bật tắt luôn phiên kết hợp với trò chuyện cùng bé. Đây là cách rất tốt giúp con phát triển thị giác ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
9. Tập thể dục nhẹ nhàng
Nếu thấy em bé đạp ít hơn mọi ngày, mẹ có thể thử các động tác thể dục nhẹ nhàng hoặc yoga sao cho phù hợp với sức khỏe của mẹ.
10. Cách đánh thức thai nhi là mẹ hãy hát cho con nghe
Nghiên cứu khoa học cho thấy thai nhi có thể ghi nhớ giọng nói của mẹ ngay từ khi còn trong bào thai. Hát là cách vừa gần gũi lại tự nhiên để mẹ giao tiếp với bé. Vậy nên những lúc thai nhi đạp ít, mẹ hãy thử hát kết hợp với vuốt ve bụng bầu xem sao.
Mẹ bầu cần lưu ý là sau khi đã thực hiện các cách đánh thức thai nhi nói trên nhưng em bé ít đạp, cụ thể là ít hơn 10 lần trong vòng 4 tiếng đồng hồ thì mẹ cần đi khám để tránh rủi ro.
Nguồn tham khảo: Thế nào là thai máy yếu? – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!