Viêm phổi là bệnh thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Theo quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF ước tính mỗi năm có hơn 3 triệu em nhỏ bị chết bởi bệnh viêm phổi. Tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ em dưới 2 tuổi chiếm 13% trong tất cả các bệnh truyền nhiễm. Bệnh viêm phổi ở trẻ em là một trong những bệnh nguy hiểm có khả năng gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất cao.
Do đó, việc nhận ra các triệu chứng bệnh viêm phổi ở trẻ em trong giai đoạn sớm để có thể kịp thời điều trị là rất quan trọng.
Bệnh viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi vi khuẩn hay virus mắc kẹt trong cơ quan này, chúng sinh sôi nảy nở và tạo ra những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, và một số loại virus khác cũng gây nên bệnh này.
Bệnh có thể xuất hiện khi trẻ đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Lúc này dịch nhầy tiết ra trong phổi trở thành nguồn dinh dưỡng béo bở cho vi trùng. Sau khoảng vài ngày, vi khuẩn và virus có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở, tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn. Ho chính là phản xạ tự vệ rất quan trọng của cơ thể, giúp đẩy chất nhầy ra khỏi túi phế nang trước khi nhiễm trùng đặt chân được vào đây.
Các loại viêm phổi
- Viêm phổi thùy: Bệnh do vi khuẩn gây nên, bệnh có thể gây áp xe phổi, tràn dịch màng phổi và có thể gây viêm màng não.
- Viêm phổi phế quản: là bệnh nhiễm khuẩn ở phế quản, có thể làm rối loạn trao đổi khí, dễ gây suy hô hấp và tử vong. Trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 2 tháng rất dễ mắc bệnh này.
Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời viêm phổi ở trẻ em có thể nguy hiểm đến tính mạng. Cha mẹ nên chú ý theo dõi tình hình của con để có thể phát hiện ra bệnh sớm nhất có thể.
- Ho vừa đến nặng, thường là ho nặng tiếng.
- Thở nhanh liên tục (khác với biểu hiện thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao).
- Trẻ được coi là thở nhanh nếu thở trên 60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút (đối với trẻ từ 2 tháng- 1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (với trẻ trên 1 tuổi).
- Đếm nhịp thở khi trẻ đang nằm yên và không hoạt động gắng sức. Dùng đồng hồ có kim giây để đếm trong vòng 1 phút.
- Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (vị trí phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.
- Thở nhanh và thở gắng sức là phản ứng bù trừ nhưng cơ thể trẻ không thể cố gắng mãi. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở.
- Sốt vừa đến sốt cao nhưng đôi khi không có ở trẻ có hệ miễn dịch yếu.
Các triệu chứng khác
- Đau ngực trong lúc ho và cả giữa các cơn ho.
- Nôn không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.
- Tím tái quanh môi và ở mặt do trẻ bị thiếu oxy.
- Thở rít, mặc dù thở rít thường là biểu hiện của nhiễm virus nhiều hơn nhưng đôi khi đây cũng là biểu hiện của viêm phổi.
Nếu trẻ có một vài trong các triệu chứng trên thì nhiều khả năng trẻ đã bị viêm phổi. Quan trọng nhất là ba triệu chứng ho, sốt và thở nhanh hay thở gắng sức.
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em trở nặng, cần đưa con tới bệnh viện
Đó là khi trẻ có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực. Nghĩa là khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực của trẻ sẽ bị cơ này kéo lõm vào thay vì nở ra như bình thường.
Khi trẻ có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực thì bệnh viêm phổi đã nặng, cần nhập viện ngay để điều trị.
Để nhận ra chính xác dấu hiệu này, chúng ta cần vén áo trẻ cao lên để thấy rõ vùng ngực và bụng trẻ, quan sát khi trẻ nằm yên, không bú, không khóc.
Phòng ngừa viêm phổi ở trẻ em
- Một số bệnh viêm phổi có thể ngăn chặn bằng vắc xin. Trẻ được tiêm chủng thông thường có thể chống lại phế cầu khuẩn Haemophilusenzae và ho gà bắt đầu từ 2 tháng tuổi.
- Các loại vắc xin được khuyến khích cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cho tới khi 19 tuổi.
- Đối với trẻ sơ sinh sinh non nên điều trị tạm thời chống lại RSV vì nó có thể dẫn đến viêm phổi ở trẻ nhỏ.
- Đảm bảo môi trường sống của trẻ luôn thông thoáng, không ẩm thấp. Chế độ dinh dưỡng khoa học…
- Cách ly trẻ khỏi những nơi có nguồn bệnh hoặc nghi ngờ có nguồn bệnh tránh tái phát.
Đối với bệnh viêm phổi ở trẻ em cần phát hiện sớm và có những cách điều trị kịp thời tránh những biến chứng đáng tiếc. Khi phát hiện con có bất kì dấu hiệu bất thường nào cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!