Bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em thường là do thời tiết lạnh, môi trường, không khí ô nhiễm và sức đề kháng trẻ còn kém. Một số biểu hiện thường gặp nhất của bệnh đó là trẻ ngứa mũi, sổ mũi, hắt hơi, quấy khóc vào ban đêm. Tuy viêm mũi dị ứng không gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Đặc biệt, nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể gây ra biến chứng viêm tai, viêm họng, viêm phế quản… Mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này để bảo vệ bé yêu tránh khỏi căn bệnh viêm mũi dị ứng nhé!
Những nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Trẻ bị viêm mũi dị ứng có thể do các tác nhân bên ngoài môi trường sống, hoặc do những tác động bên trong cơ thể. Điển hình đó là:
- Trẻ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Bụi bẩn, lông động vật, nấm mốc, phấn hoa…
- Trẻ sống gần các khu công nghiệp, tiếp xúc với khói bụi và hóa chất độc hại.
- Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể trẻ không kịp thích ứng, gây ra tình trạng dị ứng và bệnh về đường hô hấp.
- Trẻ bị viêm mũi dị ứng do di truyền.
- Viêm mũi dị ứng ở trẻ em còn có thể là do trẻ thường xuyên tiếp xúc với nước hoa, khói thuốc lá.
Môi trường sống ô nhiễm dễ khiến trẻ bị viêm mũi dị ứng
Triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Thông thường, trẻ bị viêm mũi dị ứng sẽ có các triệu chứng đó là: sổ mũi, nghẹt mũi, hắt xì, ngứa mũi, họng, tai, chảy nước mũi trong, trẻ thở bằng miệng. Ngoài ra, trẻ có thể bị viêm mũi dị ứng quanh năm với các triệu chứng như: ù tai, nhiễm trùng tai, trẻ ngáy, nhức đầu, thở bằng miệng.
Trẻ bị nghẹt mũi, khó thở
Triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể giống với nhiều bệnh thông thường. Nên ba mẹ không nên chủ quan, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để chẩn đoán và điều trị sớm.
Bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng đối với những trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, bệnh viêm mũi dị ứng sẽ nguy hiểm và khó điều trị dứt điểm hơn.
Nếu phụ huynh không điều trị bệnh dứt điểm cho trẻ, có thể gặp một số biến chứng như:
- Trẻ bị viêm nhiễm nặng khiến vùng niêm mạc mũi bị tổn thương. Lúc này, vi khuẩn, virus rất dễ tấn công và gây viêm nhiễm đường hô hấp. Đồng thời có thể gây ra bệnh viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm thanh quản… rất khó điều trị.
- Nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
- Viêm mũi dị ứng nặng có thể lan rộng lên vùng mắt. Khiến trẻ bị đỏ mắt, ngứa, thậm chí là tổn thương vùng viêm kết mạc.
- Viêm mũi dị ứng ở trẻ em còn ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ, khiến trẻ mất ngủ, quấy khóc, bỏ ăn, mệt mỏi và lớn chậm.
Bệnh có thể gây biến chứng vùng mũi, tai, họng nếu không trị dứt điểm
Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em như thế nào hiệu quả?
1. Kinh nghiệm chữa viêm mũi dị ứng tại nhà
Đối với trường hợp bệnh nhẹ, mẹ có thể dùng các nguyên liệu thiên nhiên để kiểm soát và làm giảm triệu chứng của bệnh.
- Nước muối: Đây là cách chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em rất an toàn và hiệu quả. Mẹ hãy dùng nước muối y tế để vệ sinh và làm sạch dịch nhầy để giảm triệu chứng viêm, tắc mũi.
- Dùng tỏi tươi ép lấy nước rồi trộn với mật ong nhỏ mũi. Đây là cách chữa viêm mũi dị ứng phù hợp với trẻ nhỏ từ 3 – 6 tuổi.
- Đun nước lá ngải cứu cho bé uống hoặc dùng xông mũi cho trẻ. Ngoài ra, mẹ có thể nấu với các món ăn hàng ngày để giảm triệu chứng bệnh.
- Ngoài lá ngải cứu, mẹ có thể dùng lá trầu không, gừng, bạc hà…
2. Thuốc trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Đối với những trẻ trên 3 tuổi và có xuất hiện các triệu chứng cấp tính, nghiêm trọng, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám. Tùy theo tình trạng, biểu hiện của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:
- Thuốc kháng histamin: nhằm giảm các triệu chứng ngứa mũi, hắt xì, sổ mũi. Có một số loại thuốc phổ biến đó là Clorpheniramin, Fexofenadine,…
- Thuốc chống viêm: Thường ở dạng xịt, dùng để kháng viêm, ức chế vi khuẩn, giảm viêm ở niêm mạc mũi. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm: Rhinocort, Flixonase, Pivalone…
- Thuốc kháng sinh: Chỉ định dùng trong trường hợp viêm nhiễm nặng, có dấu hiệu bội nhiễm, nhiễm trùng. Thông thường là thuốc Amoxicillin, Cefuroxim…
Xịt mũi để chống viêm và hanh thông vùng mũi cho trẻ
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc chữa viêm mũi dị ứng, mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt về liều lượng, thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng.
Hướng dẫn cách phòng tránh bệnh hiệu quả
- Thường xuyên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé, nhất là khi vừa từ ngoài đường về nhà.
- Chạy máy giữ độ ẩm trong không khí để tạo môi trường trong lành cho trẻ. Hoặc dùng khăn ấm lau 2 bên cánh mũi cho bé trước khi đi ngủ. Hơi ấm sẽ làm giảm tình trạng tắc mũi và giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Hạn chế trồng hoa hoặc để cho trẻ tiếp xúc với các loại vật nuôi nếu thấy trẻ bị dị ứng.
- Giữ môi trường sống của trẻ thoáng mát, sạch sẽ, tránh ẩm mốc. Thường xuyên vệ sinh chăn, ga, gối, nệm, rèm, thảm…
- Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, khói bụi.
- Tắm cho trẻ đúng cách và nên dùng nước ấm.
- Khi thời tiết giao mùa từ nóng sang lạnh, mẹ cần giữ ấm cho trẻ, nhất là vùng mũi, cổ và đôi chân.
- Cho trẻ uống nhiều nước để hệ hô hấp làm việc hiệu quả hơn.
- Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin, tăng cường sức đề kháng.
- Với trẻ dưới 3 tháng có dấu hiệu của bệnh, mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm, để hạn chế nguy cơ viêm phế quản, viêm phổi.
Tạm kết
Trên đây là một số chia sẻ về căn bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em. Đây là căn bệnh thường gặp, nhất là khi môi trường không khí ngày càng ô nhiễm. Mẹ hãy chủ động phòng bệnh cho trẻ. Đồng thời khi trẻ có dấu hiệu bệnh nên can thiệp điều trị sớm. Chúc mẹ thành công!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!