Vệ sinh vùng kín trẻ em sơ sinh như thế nào để trẻ không bị hăm, nổi mụn hoặc bệnh về đường sinh dục khác? Không phải ông bố bà mẹ nào cũng “tự nhiên” biết cách chăm sóc bộ phận sinh dục cho con đâu nhé các bạn.
Cùng đọc bài viết dưới đây để củng cố lại kiến thức để chăm sóc cho trẻ sơ sinh được tốt hơn.
Nguyên tắc cần tuân thủ khi vệ sinh vùng kín trẻ em
Dù là bé trai hay bé gái, việc làm vệ sinh vùng kín cho trẻ cần tuân theo một số nguyên tắc sau:
- Đảm bảo không khí xung quanh không quá lạnh, tránh gió lùa
- Lau từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ trong ra ngoài
- Vùng kín sau khi vệ sinh phải “sạch” và ” khô”
- Bôi kem chống hăm nếu bé bị hăm
- Không tự ý dùng các loại dung dịch vệ sinh hay nước muối loãng để rửa. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng
- Không tự ý mua thuốc sát trùng hay kem trị nấm để thoa cho bé
- Làm vệ sinh cho bé xong phải rửa tay lại sạch sẽ và lau khô tay mới được bế lại bé
Những dụng cụ cần thiết
Bạn cần vệ sinh cho bé trong khoảng thời gian có hạn. Nếu làm việc này quá lâu, bé sẽ dễ bị nhiễm lạnh và quấy khóc nhiều hơn. Vì vậy, bố mẹ cần chuẩn bị sẵn và đầy đủ dụng cụ như sau:
- Một thau nước ấm
- Một ít khăn sạch và mềm để nhúng nước vệ sinh cho bé, hoặc dùng gạch mềm thay thế
- Giấy khô và mềm
- Tã/bỉm mới để thay cho con
- Tấm lót lưng và mông cho bé khi thay tã/bỉm
Cách vệ sinh vùng kín trẻ em trai
Bài viết có tham khảo cách chăm sóc của nữ hộ sinh Lê Thị Ngọc Mai, khoa hậu sản H – Bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM dành cho vùng kín của bé trai.
- Người lớn rửa tay sạch và lau khô trước khi thao tác
- Trải tấm thảm lót lưng và bế bé nằm lên
- Hơi nhấc chân bé lên và kê dưới mông bé một tấm lót khác. Tốt nhất bên dưới tấm lót này nên chống được nước
- Tháo miếng dán hai bên hông bé ra. Chờ thêm một lúc vì bé trai có thể sẽ tè thêm khi được thay tã/bỉm. Chắc chắn bạn không muốn mở tã/bỉm đột ngột ra và bị bé tè hết vào người, phải không nào? Đợi bé tè xong thì cuộn tã/bỉm cũ lại khỏi mông bé để giặt/vứt đi
- Lấy khăn mềm/ gạc mềm nhúng nước ấm, lau theo thứ tự các vùng: bụng, mông, kẽ bẹn, bộ phận sinh dục. Mỗi vùng nên thay khăn/gạc để tránh nhiễm khuẩn giữa các vùng.
- Lưu ý: Không tự ý lộn phần da quy đầu của trẻ sơ sinh ra để lau. Lý do: phần này của trẻ sơ sinh tự làm sạch được
- Sau đó, ta lấy giấy khô thấm lại toàn bộ các vùng cho em bé
- Mặc tã/bỉm mới cho bé
Vệ sinh vùng kín trẻ em gái
Do cấu tạo cơ thể của hai giới khác nhau, việc vệ sinh vùng kín cho bé gái có phần phức tạp hơn bé trai một chút. Chúng ta cùng tìm hiểu kinh nghiệm chăm sóc của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, khoa hậu sản H – Bệnh viện Từ Dũ như sau:
- Rửa tay sạch và lau khô trước khi vệ sinh cho bé
- Trải khăn lót lưng và bế bé nằm lên đó
- Hơi nhấc chân bé lên và kê dưới mông bé một tấm lót chống thấm nước
- Tháo miếng dán hai bên hông bé ra. Cuộn tã/bỉm cũ lại khỏi mông bé để giặt/vứt đi
- Lấy khăn mềm/ gạc mềm nhúng nước ấm, lau theo thứ tự các vùng: bụng, lưng, mông, bẹn-đùi, vùng kín (lau những cặn bẩn ở các kẽ da bên ngoài, nhưng không lau quá sâu vào âm đạo của bé). Mỗi vùng nên thay khăn/gạc để tránh nhiễm khuẩn giữa các vùng.
- Lưu ý: Muốn dùng dung dịch vệ sinh/thuốc sát trùng/kem trị nấm cho bé thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước đó
- Xong xuôi, ta lấy giấy thấm khô toàn bộ các vùng cho bé
- Thay tã/bỉm mới cho bé
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng bất cứ loại kem/dung dịch nào khi vệ sinh vùng kín cho con
Tầm quan trong của việc làm vệ sinh vùng kín cho con
Việc vệ sinh vùng kín trẻ em là vô cùng quan trọng, vì liên quan đến sức khoẻ sinh sản của con sau này. Các ba các mẹ cần thường xuyên theo dõi những biểu hiện trên vùng này để kịp thời chữa các bệnh viêm nhiễm cho con nếu chẳng may con mắc phải nhé.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!