Phòng ngừa và điều trị hăm tã cho bé – Hăm tã là một nguyên nhân phổ biến khiến trẻ em khó chịu, quấy khóc.
Trung bình, cứ bốn em thì có một em bị hăm tã ít nhất một lần, làm sao để bé không bị hăm tã và cách chăm sóc trẻ khi bị hăm tã như thế nào?
Nguyên nhân gây hăm tã
- Hăm tã là một chứng bệnh ngoài da, tại khu vực da tiếp xúc với tã của trẻ và bạn nên nhớ rằng, cho dù bạn dùng ta giấy hay tã vải, chứng hăm tã vẫn có thể xảy ra với con bạn.
- Thông thường lớp da tại vùng tiếp xúc sẽ hơi đỏ, nặng hơn có thể nứt nẻ, đóng vẩy và có thể dẫn tới mưng mủ ở khu vực da bị hăm.
- Nguyên nhân chính gây hăm tã là độ ẩm của vùng da tiếp xúc với tã. Vì vậy cần phải giữ cho vùng da mông và đùi của bé luôn khô thoáng và tránh để tã dơ.
- Nước tiểu là vô trùng nhưng vi khuẩn trên da bé có thể phân hủy nước tiểu thành những hóa chất như ammonia gây khó chịu cho da.
- Tiêu chảy cũng có thể gây hăm tã. Ngay cả những loại tã thấm hút tốt cũng nên được thay thường xuyên nếu bé bị tiêu chảy. Một cái tã bốc mùi là cơ hội để hăm tã xuất hiện và phát triển.
- Dù cho bạn cố giữ vùng da quấn tã của bé sạch sẽ và thông thoáng nhất thì bé vẫn có thể bị hăm tã tấn công nếu da quá nhạy cảm hoặc bé mặc đồ hay ăn thực phẩm gây dị ứng.
- Một vài bé chẳng bao giờ bị hăm tã dù tã không được thay thường xuyên, một số khác chỉ bị hăm tã khi cảm lạnh hoặc nhiễm một loại virút nào đó.
Phòng ngừa và điều trị hăm tã cho bé
Một số nguyên nhân khác làm bé bị hăm tã
- Phân nhão do thuốc kháng sinh, thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc những kích thích do mọc răng cũng khiến hăm phát triển.
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hăm tã nhưng phổ biến nhất là do nước tiểu của bé đọng lại quá lâu nếu mẹ ít thay tã. Hăm cũng có thể xảy ra do khi tắm xong, người bé còn ẩm mà mẹ đã vội quấn tã…
- Một nguyên nhân hay gặp nữa là do lạm dụng phấn rôm. Nhiều mẹ rất thích thoa một lượt phấn rôm cho bé sau khi bé tắm xong. Cảm giác bé thơm tho, mát mẻ khiến mẹ lầm tưởng rằng phấn rôm có thể làm mát da mát thịt, chống rôm sẩy và chống hăm.
- Tã thô ráp chà xát lên vùng da nhạy cảm của bé.
- Hóa chất trong bột giặt và chất làm mềm vải có thể ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của bé. Một số loại xà phòng thơm và nước thơm cũng có thể gây kích thích cho da.
- Hăm do dị ứng thực phẩm thường là một vòng màu đỏ quanh hậu môn. Đó có thể do bé dị ứng với nước cam hay cà chua. Trường hợp này, cần hạn chế thực phẩm trên và theo dõi.
- Trường hợp hiếm, ban có thể do vi khuẩn, vùng ban có kích thước như đồng xu, đóng vỉ màu mật ong, nổi quanh mông.
Phòng ngừa cho bé
- Để tránh bị hăm, cần thường xuyên thay tã (bỉm) cho bé. Ngay cả những loại tã (bỉm) tốt nhất cũng cần được thay đổi để bảo vệ cho làn da của bé.
- Chọn loại tã (bỉm) hiển thị độ ẩm và có chức năng thấm hút phân lỏng, với bề mặt siêu mềm mại giúp giữ làn da bé được bảo vệ và luôn khô thoáng.
- Vệ sinh vùng sinh dục bé nhẹ nhàng và sạch sẽ đồng thời chờ đến khi khô mới cho bé mặc tã mới.
- Thoa một lớp dầu mỏng bảo vệ da bé mỗi khi thay tã. Dầu chứa kẽm và dầu gan cá tuyết hoặc kẽm và dầu thầu dầu.
- Đừng cột tã quá chặt vì như thế sẽ cản trở sự thông thoáng. Tã và quần áo cho bé nên đủ rộng để da bé có thể thở.
- Khi bé bắt đầu ăn dặm, mỗi lần chỉ nên ăn một loại thực phẩm và chờ vài ngày xem có phản ứng dị ứng hay không.
- Nên rửa sạch vùng quấn tã với nước sau khi thay tã. Không dùng khăn ướt có cồn để lau cho con
- Nếu bé hăm nặng, sau khi vệ sinh xong nên nhúng mông của bé vào chậu nước có pha baking soda (một bát nhỏ baking soda vào một chậu nước). Cách này giúp trung hòa axit trong phân và nước tiểu. Sau đó, lau khô bằng khăn mềm.
- Có thể thoa kem chống hăm chứa oxit kẽm sau mỗi lần thay tã.
- Nếu những nốt ban đỏ mọc dưới rốn của bé thì bạn nên gập cạp của bỉm ra bên ngoài để hạn chế phần cạp này cọ vào bụng của bé.
Các triệu chứng của hăm tã
Rất dễ dàng nhận biết hăm tã. Dưới đây là các triệu chứng chính:
- Bé tỏ ra khó chịu, ngủ không thẳng giấc.
- Phần da tiếp xúc với tã, bao gồm bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông, nổi mẩn đỏ.
- Phần da dị ứng có thể khô hoặc ướt
- Có thể xuất hiện những vết sưng hoặc mụn gây lở loét trên da
- Vùng da bị tổn thương sẽ rất đau và làm bé không cảm thấy dễ chịu nhất là khi nước tiểu tiếp xúc vào. Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên.
Điều trị & chăm sóc hăm tã
- Thay tã (bỉm) bẩn thường xuyên để da bé tránh bị ẩm quá mức.
- Nhẹ nhàng làm sạch vùng da tiếp xúc với tã (bỉm) bằng nước và một chiếc khăn mềm.
- Vỗ nhẹ để da bé khô hoàn toàn một cách tự nhiên. Không được chà xát.
- Nếu được phát hiện sớm và xử lý ngay thì vùng da hăm sẽ nhanh chóng lành lặn. Quan trọng nhất là chú trọng vệ sinh cho bé.
- Phải rửa vùng kín cho bé ngay sau khi bé đi vệ sinh xong bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông và thay tã mới.
- Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm. Dùng khăn ướt có thể làm khô da bé, bạn cần cẩn thận chọn loại không cồn và không mùi.
- Không dùng chung kem chống hăm cho nhiều bé. Nếu ngón tay bạn đã chạm vào vùng da bé bị hăm thì bạn không dùng lại ngón tay đó để lấy kem trong hũ nữa mà dùng ngón tay khác để lấy thêm kem.
- Nếu có thể, bạn nên để da bé tiếp xúc với không khí trong khoảng thời gian ngắn sau khi thay bỉm. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn và các vết hăm cũng sẽ mau lành hơn.
- Bên cạnh đó, mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với da bé và nhớ kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện khi tã lót của bé ướt.
Trường hợp nên thăm khám bác sĩ
- Vết hăm trở nghiêm trọng hơn. Da bị xây xát, phồng rộp hoặc chảy máu.
- Vết hăm có vẻ khác thường.
- Vết hăm vẫn không dịu đi ngay cả khi được chăm sóc đặc biệt.
- Trẻ bị hăm tã kéo dài trên 5 ngày, bạn đã làm theo hướng dẫn trên nhưng trẻ không khỏi
- Trẻ bị sốt
- Bị nổi nhiều mụn mủ
- Vùng hăm tã da đỏ tấy, có khuynh hướng lan rộng
- Trẻ có tiêu chảy
Nguồn – Tổng Hợp
Đọc thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!