Cách lấy ráy tai cho trẻ sơ sinh bố mẹ cần lưu ý để không gây những tổn thương cho tai của trẻ. Các mẹ không được tự ý ngoáy tai cho bé bằng bông tăm hay các dụng cụ khác, nên dùng vải mềm ngâm trong nước ấm để là sạch tai ngoài cho con.
- Vệ sinh tai cho bé sơ sinh cần lưu ý những gì?
- Tại sao bé có ráy tai?
- Ráy tai gây ra vấn đề gì ở trẻ sơ sinh?
- Nguyên nhân gây tích tụ ráy tai ở trẻ sơ sinh?
- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ráy tại tích tụ lâu ngày trong tai trẻ sơ sinh?
- Cách lấy ráy tai ở trẻ sơ sinh
- Làm thế nào để ngăn ngừa các vấn đề về ráy tai ở trẻ sơ sinh?
- Làm thế nào để phân biệt giữa sự tích tụ ráy tai và nhiễm trùng tai?
Vệ sinh tai cho bé sơ sinh cần lưu ý những gì?
Ráy tai là chất thải dạng sáp (được gọi là cerum) bài tiết ra từ ống tai người và các loài động vật có vú khác.
Nếu như việc lấy ráy tai ở người lớn và trẻ em khá dễ dàng thì việc làm sạch ráy tai ở trẻ sơ sinh lại khó khăn hơn. Lý do là vì ống tai của trẻ sơ sinh rất mỏng manh và công việc này cần phải được xử lý cẩn thận. Vậy làm thế nào để vệ sinh tai cho bé sơ sinh?
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng “Thông thường, ráy tai của trẻ sơ sinh sẽ được đẩy ra ngoài lỗ tai thông qua cử động khi nhai của trẻ. Sự chuyển động của xương hàm dưới khi nhai sẽ khiến các lông mao trong ống tai chuyển động nhẹ nhàng theo hướng từ trong ra ngoài, từ đó những khối sáp cũng sẽ được đưa ra gần sát với lỗ tai. Dưới sự tiếp xúc với không khí, chúng sẽ khô dần và tự động rơi ra ngoài mà không cần những tác động bên ngoài”.
Tại sao bé có ráy tai?
Vệ sinh tai cho bé sơ sinh
Ráy tai được tạo nên một cách tự nhiên bởi ống tai ngoài, bộ phận nằm giữa dái tai và màng nhĩ của tai giữa. Nó có vẻ như một chất thải sinh học không cần thiết, nhưng lại có công dụng của nó. Ví dụ như:
- Bảo vệ ống tai khỏi bị nước vào
- Bảo vệ tai khỏi các tác nhân gây hại như bụi bẩn, dị vật từ môi trường bên ngoài
- Bôi trơn ống tai để ngăn ngừa tai khỏi bị khô và ngứa.
- Ráy tai được tạo nên từ các hợp chất có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm
Ráy tai gây ra vấn đề gì ở trẻ sơ sinh?
Chỉ khi bé có quá nhiều ráy tai, ráy tai vón cục và cứng thì mới nảy sinh vấn đề. Ráy tai có thể dần dần được đẩy đến lỗ tai và tự bong ra nhường chỗ cho lớp sáp mới hình thành. Hàng ngày khi tắm, lớp sáp này sẽ trở nên mềm hơn, mẹ có thể nhẹ nhàng lấy lớp da chết này ra bằng tăm bông. Nhưng trong một số trường hợp, ráy tai cứng mà lại ở quá sâu trong ống tai có thể gây ra một số ảnh hưởng đối với trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân gây tích tụ ráy tai ở trẻ sơ sinh?
Sự tích tụ ráy tai ở trẻ sơ sinh có thể do một vài nguyên nhân gây nên. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Sử dụng tăm bông thường xuyên
Tăm bông không phải là dụng cụ lý tưởng để loại bỏ ráy tai và các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên sử dụng chúng. Tăm bông có thể là tác nhân đẩy ráy tai vào sâu trong ống tai khiến nó bị kẹt trong đó.
Đưa các đồ vật nhỏ vào ống tai
Đưa các đồ vật vào ống tai bé cũng có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn.
Liên tục đưa ngón tay vào ống tai
Ống tai bé rất nhỏ và hẹp. Việc đưa ngón tay vào bên trong ống tai thường xuyên có thể làm ráy tai bên trong bị nén chặt lại. Do đó, không bao giờ nên dùng ngón tay để làm sạch tai cho bé và hãy ngăn không cho trẻ đưa ngón tay vào tai thường xuyên.
Sử dụng máy trợ thính hoặc nút tai lâu
Máy trợ thính và nút tai chặn lối vào của ống tai, ngăn không cho ráy tai bong ra. Nếu bé đeo máy trợ thính hoặc nút tai vài giờ trong một ngày, thì bé có thể có nguy cơ bị ráy tai cứng.
Bài tiết ráy tai dư thừa
Khoảng 5% trẻ em bị tình trạng bài tiết ráy tai dư thừa, có thể gây ra sự tích tụ sáp nhiều hơn và dẫn đến tình trạng nút ráy tai.
Sự tiết dịch ráy tai có vẻ như là một chuyện nhỏ, nhưng đôi khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gặp một vài vấn đề với việc này.
Mẹ có thể quan tâm:
Viêm tai giữa ở trẻ em – Nếu mẹ không để ý có thể gây biến chứng nguy hiểm cho con.
Sử dụng bông tăm vệ sinh tai cho bé sơ sinh làm tích tụ ráy tai
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ráy tại tích tụ lâu ngày trong tai trẻ sơ sinh?
Ráy tai bị tích tụ lâu ngày trong tai có thể dẫn đến các triệu chứng sau:
- Bé sẽ xoa hoặc kéo tai thường xuyên hơn bình thường.
- Trẻ lớn hơn có thể chỉ vào tai để thông báo với người lớn rằng có điều gì đó không ổn. Ráy tai có thể cứng lại và gây ra cảm giác có thứ gì đó bị mắc kẹt bên trong ống tai.
- Ráy tai có thể làm tắc nghẽn ống tai, gây cản trở thính giác.
- Nếu sự tích tụ ráy tai trở nên nghiêm trọng, các mẹ có thể thấy một chút sáp cứng dính ở ống tai của bé.
- Các triệu chứng nghiêm trọng của tích tụ ráy tai bao gồm đau, quấy khóc và đôi khi là chóng mặt.
Hãy đưa bé đến bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Ráy tai cứng quá mức có thể làm tăng áp lực lên màng nhĩ, gây ra các biến chứng nặng hơn.
Cách lấy ráy tai ở trẻ sơ sinh
Bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp sau đây để loại bỏ ráy tai tích tụ quá mức ở trẻ sơ sinh:
Thuốc nhỏ tai
Thuốc nhỏ tai nên được sử dụng ít nhất một lần một ngày để làm mềm ráy tai và làm cho nó tự bong ra. Số lượng giọt và thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ tích lũy ráy tai. Mẹ hãy đặt bé nằm xuống, xoay phía tai cần nhỏ thuốc lên trên và nhẹ nhàng nhỏ vào vài giọt thuốc nhỏ tai.
Giữ tư thế nằm trong vài phút trước khi cho bé ngồi dậy. Ráy tai được làm mềm sẽ tự bong ra và không nên dùng ngón tay hoặc bông tăm để lấy ráy tai ra ngoài. Thuốc làm mềm ráy tai thường có sẵn tại các hiệu thuốc và không cần kê đơn, nhưng các bác sĩ khuyến cáo không sử dụng thuốc này cho trẻ dưới sáu tuổi trừ khi được bác sĩ kê toa hoặc khuyên dùng.
Lấy ráy tai bằng phương pháp thủ công
Nếu ráy tai quá cứng mẹ nên đưa bé tới gặp bác sĩ. Các bác sĩ Tai, Mũi, Họng có một bộ dụng cụ chuyên dụng để lấy ráy tai thủ công một cách an toàn. Tuy nhiên, bố mẹ sẽ phải bế bé vì trẻ sơ sinh không thể nằm yên, hoặc nếu ráy tai quá cứng có thể gây đau đớn cho bé, các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc gây mê hoặc gây tê.
Trong trường hợp em bé bị nhiễm trùng ống tai, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh sau thủ thuật loại bỏ ráy tai.
Cách vệ sinh tai cho bé sơ sinh?
Ráy tai hoàn toàn không cần thiết phải được lấy ra. Nhưng nếu ráy tai dày và cứng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các mẹ cũng nên lưu ý không được tự ý ngoáy tai cho bé bằng bông tăm hay các dụng cụ khác. Các mẹ chỉ cần dùng vải mềm ngâm trong nước ấm để là sạch tai ngoài cho con. Tuyệt đối cần tránh những việc như tự ý rửa tai, đổ hydro peroxide, dầu khoáng, v.v. vào ống tai. Những việc làm này có thể làm phức tạp tình trạng của bé.
Mẹ có thể quan tâm:
Hội chứng biến dạng tai ở trẻ nhỏ AnotiaMicrotia Mẹ Bầu phải chú ý trong thời kỳ mang thai bé!
Vệ sinh tai cho bé sơ sinh
Làm thế nào để ngăn ngừa các vấn đề về ráy tai ở trẻ sơ sinh?
Ngăn ngừa các vấn đề về ráy tai ở trẻ sơ sinh không hề phức tạp, mẹ chỉ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
Không bao giờ sử dụng tăm bông
Các chuyên gia y tế không khuyến khích sử dụng tăm bông hay bông gòn bởi vì chúng đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai. Ống tai có đặc tính tự làm sạch, không cần phải can thiệp bằng các biện pháp làm sạch khác. Ngoài ra, ráy tai còn là một loại chất sáp có chức năng riêng và không phải là chất thải của cơ thể.
Không nên lấy ráy tai bằng ngón tay hoặc dụng cụ khác
Nếu mẹ thấy ráy tai được tích lũy bên trong tai bé, thì đừng cố lấy nó ra. Mẹ hoàn toàn có thể làm cho ráy tai trượt sâu vào bên trong đồng thời làm tăng nguy cơ chấn thương màng nhĩ.
Tháo máy trợ thính một thời gian
Nếu bé đeo máy trợ thính, thỉnh thoảng hãy tháo máy ra một lúc để ráy tai được bong ra và ngăn ngừa việc tích tụ ráy tai. Nếu vì một số lí do nào đó mà em bé cần phải sử dụng nút tai, mẹ hãy tìm cách hạn chế việc sử dụng chúng.
Kiểm tra tai bé thường xuyên
Mẹ nên kiểm tra tai bé hàng ngày sau khi tắm. Mẹ sẽ phát hiện dấu hiệu sớm của việc tích tụ ráy tai quá mức. Những quan sát này càng cần thiết hơn khi bé phải đeo máy trợ thính.
Nếu tai bé có bất kỳ bất thường nào, mẹ hãy đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra, bác sĩ sẽ phát hiện được các vấn đề của bé là do ráy tai hay nhiễm trùng.
Làm thế nào để phân biệt giữa sự tích tụ ráy tai và nhiễm trùng tai?
Bé sơ sinh bị nhiễm trùng tai sẽ biểu hiện các triệu chứng tương tự như tích tụ ráy tai. Tuy nhiên, nhiễm trùng tai sẽ gây ra các triệu chứng khác như sốt, chảy dịch từ tai, đau tai, kém ăn và quấy khóc không rõ nguyên nhân. Ráy tai cũng có mùi khó chịu trong trường hợp bị nhiễm trùng.
Nếu mẹ kiểm tra ống tai bé và thấy ráy tai có màu nâu vàng, đó là màu tự nhiên của sáp. Nếu mẹ thấy ráy tai đỏ, ẩm ướt, tiết dịch màu vàng, thì đó rất có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng tai.
Hãy nhớ rằng ống tai có thể tự làm sạch ráy tai dư thừa mà không cần phải làm gì để can thiệp loại bỏ ráy tai bằng tay. Mẹ chỉ cần cảnh giác với các dấu hiệu tích tụ ráy tai nhiều và tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo rằng điều này không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bé.
Nguồn tham khảo: 2 tình huống cần lấy ráy tai cho trẻ, còn lại…đừng làm gì – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!