Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết là thắc mắc của nhiều bà mẹ khi con bị hiện tượng này. Cùng tìm hiểu về tình trạng này và nghe tư vấn từ Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh từ bệnh viện Từ Dũ.
Hiểu về vấn đề vàng da ở trẻ sơ sinh trước khi tìm hiểu “Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?”
Ở trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Vàng da là hiện tượng hồng cầu bị vỡ, chức năng chuyển hóa bilirubin của gan chưa hoàn thiện.
Vàng da sinh lý
- Xuất hiện sau 24 giờ tuổi
- Mức độ vàng da nhẹ
- Vùng vị vàng da: mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn
- Nồng độ bilirubin/máu không quá 12 mg% ở trẻ đủ tháng. Đối với trẻ non tháng thì nồng độ không quá 14 mg%.
- Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5 mg% trong 24 giờ.
- Trẻ không sốt, không thiếu máu, vẫn bú tốt, lên cân đều.
- Khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi, gan đã phát triển đầy đủ hơn và đủ sức xử lý bilirubin nên vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.
Vàng da bệnh lý
- Không hết sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ thiếu tháng.
- Mức độ vàng da toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt.
- Đồng thời với vàng da, có sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác như: trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật, sốt, phân bạc màu,..
- Xét nghiệm mức độ bilirubin trong máu tăng hơn bình thường
- Có thể gây biến chứng vàng da nhân não, có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển ở trẻ.
Vàng da do sữa mẹ
- Là trường hợp xảy ra khá ít, chỉ 1/200 bé sơ sinh gặp phải hiện tượng này
- Nguyên nhân của hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh chưa được xác định chính xác. Nhưng lý do được cho là do sữa của một số bà mẹ có chứa nội tiết tố ức chế thải bilirubin
- Xuất hiện ngày thứ 5 sau sinh hoặc sau vàng da sinh lý
- Không ảnh hưởng đến phát triển tinh thần và vận động của trẻ
Vậy hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết hẳn? Cùng tìm hiểu ở mục tiếp theo của bài viết nhé.
Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?
Đối với vàng da sinh lý thì thường sẽ biến mất trong vòng 7-10 ngày với trẻ đủ tháng và 2-3 tuần với trẻ non tháng.
Nếu con bị vàng da do bú sữa mẹ thì mẹ vẫn cứ tiếp tục cho con bú. Theo dõi bé thêm và tái khám sau 1 tháng tuổi. Thông thường, ở trường hợp này, hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ kéo dài hơn mà không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của bé. Mẹ có thể hâm nóng sữa đến sủi tăm, để nguội và cho bé bú. Nếu đúng là chỉ do sữa mẹ thì sau 2 ngày sẽ giảm vàng da đáng kể.
Trong trường hợp sau 3 tuần mà bé vẫn bị vàng da nhưng vẫn bú tốt, tăng cần đều, mức độ vàng da có thể cải thiện hay không thì mẹ nên linh hoạt theo dõi thêm. Đồng thời, lời khuyên tốt nhất là đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và xét nghiệm tìm ra nguyên nhân chính xác.
Nhất là các bé bị hiện tượng này quá 4 tuần thì khả năng do bệnh lý khá cao. Mẹ nên đưa con đi kiểm tra ngay lập tức.
Các thắc mắc khác liên quan đến vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết không phải là câu hỏi duy nhất của các bà mẹ xoay quanh vấn đề này. Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến khác được trả lời bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh từ bệnh viện Từ Dũ.
1. Thắc mắc về điều trị bằng phương pháp chiếu đèn
Bé nhà em mới sinh được 1 ngày bị vàng da, và bác sĩ có chuẩn đoán là bị vàng da sinh lý và cho điều trị bằng phương pháp chiếu đèn. Nhưng tại sao khi chiếu đèn lại phải che bộ phận sinh dục? Liệu khi chiếu đèn mà không may bé bị hở bộ phận sinh dục thì có bị ảnh hưởng gì không? Sau này có bị ảnh hưởng đến quá trình sinh sản không?
Trả lời của bác sĩ Từ Anh:
- Khi thí nghiệm trên chuột con thì thấy có hiện tượng teo tinh hoàn nếu chiếu đèn mà không che. Tuy nhiên chức năng sinh sản vẫn bình thường. Vì vậy, người ta che bộ phận sinh dục em bé lại khi chiếu đèn. Hiện tôi chưa đọc được báo cáo nào cho biết có hiện tượng vô sinh khi sơ sinh chiếu đèn không che bộ phận sinh dục. Ngoài ra, phải tiếp xúc với ánh đèn cường độ cao trong một thời gian nhất định thì mới có thể bị ảnh hưởng. Còn nếu vô tình bị tiếp xúc ánh sáng trong một khoảng thời gian ngắn thì không ảnh hưởng gì.
2. Câu hỏi về tự điều trị tại nhà
Thưa bác sĩ. Con em sinh 3kg, 39 tuần. Cháu hiện tại được 11 ngày. Cháu bị vàng da. Tôi nghe nói chiếu đèn hồng ngoại sẽ giúp điều trị vàng da. Hiện tôi đang sử dụng đèn rotlichtlampe ir 150 của đức. Xin bác sĩ tư vấn. Với tôi nghe dùng vitamin D cũng giúp đào thải độc tố của bệnh vàng da. Hiện tôi đang mua D- Fluoểttn 500 I.E của Đức.
Trả lời của bác sĩ Từ Anh:
- Đèn ánh sáng xanh mới có tác dụng điều trị vàng da. Tuy nhiên, để điều trị hiệu quả thì phải đáp ứng được các yêu cầu về bước sóng, cường độ ánh sáng, khoảng cách…Vì vậy, không tự ý điều trị vàng da ở nhà mà phải do bác sĩ chỉ định và điều trị với các thiết bị y tế đạt tiêu chuẩn. Vitamin D không giúp đào thải bilirubin và không có tác dụng điều trị vàng da.
3. Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết? Vì bé chưa hết hẳn vàng da sau điều trị
Chào bác sĩ, bé nhà em lúc mới sinh bị vàng da phải điều trị soi đèn 3 ngày cho xuất viện. Nay bé được 24 ngày tuổi, mỗi ngày đều cho tắm nắng 30 phút và bú mẹ đầy đủ 8-9 lần nhưng vẫn còn vàng da, chưa hết hẳn. Như vậy có sao không ạ?
Trả lời của bác sĩ Từ Anh:
- Nếu chỉ vàng nhẹ ở mặt và bé vẫn lên cân bình thường, phân không nhạt màu thì có thể bé chỉ bị vàng da do sữa mẹ, bạn tiếp tục cho bú mẹ đến 1 tháng tuổi thì đi khám tổng quát và kiểm tra lại.
4. Không tăng bilirubin trực tiếp khi xét nghiệm
Con sinh non 36 tuần 5 ngày được 2.75kg, tới nay được 7 tuần 3 ngày mà da mặt cháu vẫn bị vàng nhẹ. Toàn thân thì không bị. Đi khám tại trung tâm y tế thì bilirubin gián tiếp cao gấp 5 lần bình thường, trực tiếp thì bình thường. Cháu bú mẹ hoàn toàn và nay được 5.4kg. Bệnh viện bảo về nhà phơi nắng, như vậy có đúng không, có cần phải điều trị gì thêm không?
Trả lời của bác sĩ Từ Anh:
- Bé của bạn lên cân tốt, không tăng bilirubin trực tiếp nên nhiều khả năng là vàng da do sữa mẹ. Bạn vẫn cho bé bú mẹ bình thường và không cần phơi nắng để điều trị vàng da.
Làm cha làm mẹ là một công việc vất vả với muôn vàn kiến thức mới và câu hỏi trong đầu. Đặc biệt nếu bé mới sinh mà có hiện tường gì bất thường thì ba mẹ còn lo lắng hơn. Để giảm bớt lo lắng, ngoài tìm hiểu về “Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?”, cha mẹ nên biết thêm về các kiến thức cơ bản liên quan để tránh hoang mang. Đồng thời đưa bé đi khám bác sĩ để được tư vấn chuyên môn.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!