Vacxin phế cầu tiêm khi nào? Có được tiêm chung với các vacxin khác không? Nếu không tiêm thì có được không? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi các bậc cha mẹ tìm hiểu về các loại vacxin phải và nên chích cho con.
Mỗi phút trôi qua lại có 6 trẻ em trên thế giới tử vong do viêm phổi hoặc tiêu chảy. Vì vậy, việc tiêm vacxin phế cầu rất cần thiết đối với trẻ nhỏ để phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây nên.
Vi khuẩn phế cầu là gì?
Phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn thuộc chi Streptococcus pneumoniae hay pneumococcus. Vi khuẩn này cư trú trong mũi họng, và sẽ gây bệnh khi hệ miễn dịch suy yếu. Loại vi khuẩn này gây bệnh khi nhiễm vào máu, não hay phổi. Vi khuẩn lây qua đường hô hấp nên có thể phát tán trong cộng đồng rất nhanh.
Bé nào có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn phế cầu?
- Dưới 5 tuổi
- Được gửi chăm sóc ở các trung tâm hoặc nhà trẻ
- Phải điều trị y tế thường xuyên
- Có hệ thống miễn dịch kém
- Chưa được tiêm phòng vacxin
Vacxin phế cầu là vắc xin gì?
Vacxin phế cầu khuẩn là vacxin giúp chống vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Việc sử dụng chúng có thể ngăn ngừa một số trường hợp viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết.
Hiện nay, vắc xin phế cầu được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi với nhiều phác đồ khác nhau tùy theo độ tuổi.
Có bao nhiêu loại vacxin phế cầu?
Tại Việt Nam có 2 loại vacxin. 2 loại vacxin phế cầu để tiêm cho các nhóm tuổi khác nhau:
- PCV10 – Vacxin phế cầu Synflorix: giúp ngừa được 10 chủng phế cầu khác nhau. PCV 10 được tiêm cho các bé từ 6 tuần đến 5 tuổi. Đây là loại vacxin có thêm tác dụng ngừa viêm phổi và viêm tai giữa.
- PPSV23 – Vacxin phế cầu Pneumo23: tuy không có công dụng ngừa viêm phổi, viêm tai giữa nhưng có thể bảo vệ bé trước sự đe dọa của 23 chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau. Vacxin này được sử dụng cho trẻ từ 3 tuổi và người lớn trên 60 tuổi.
Trẻ có thể bị mắc bệnh gì nếu không tiêm vacxin phế cầu?
Trẻ có nguy cơ mắc phải các bệnh lý sau nếu cha mẹ không cho tiêm vacxin phế cầu
Vacxin phế cầu tiêm khi nào? Lịch tiêm cụ thể ra sao?
Hiện nay, vacxin phế cầu Synflorix được nhiều cha mẹ chọn tiêm cho con hơn. Dưới đây là phác đồ tiêm cho trẻ các mẹ có thể tham khảo.
Trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi
Liệu trình tiêm 3 liều cơ bản:
- 2 tháng tuổi: mũi 1.
- 3 tháng tuổi: mũi 2
- 4 tháng tuổi: mũi 3
- Mũi nhắc lại: sau 6 tháng kể từ mũi thứ 3.
- Hoặc phác đồ vào tháng thứ 2, 4 và 6. Và mũi nhắc lại: sau 6 tháng kể từ mũi 3
(Liều đầu tiên của liệu trình này có thể bắt đầu từ 6 tuần tuổi. Khoảng cách giữa 3 liều đầu tiên tối thiểu là 1 tháng; liều nhắc lại sau 6 tháng kể từ mũi thứ 3).
Trẻ sinh non (≥ 27 tuần)
Liệu trình tiêm 2 liều:
- Mũi 1: vào 2 tháng tuổi.
- Mũi 2: vào 4 tháng tuổi.
(Liều đầu tiên của liệu trình này có thể bắt đầu từ 6 tuần tuổi. Mũi tiêm nhắc lại sau 6 tháng kể từ mũi đầu tiên).
Trẻ từ 7- 11 tháng (chưa từng được tiêm phòng vacxin trước đó)
- Lần tiêm đầu tiên được tính là mũi số 1.
- Cách mũi đầu tiên 1 tháng là được tiêm mũi số 2.
- Mũi nhắc lại: vào năm tuổi thứ 2 và cách mũi 2 ít nhất là 2 tháng.
Trẻ từ 1-3 tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó)
Nếu vẫn chưa tiêm phòng vacxin phế cầu khuẩn trước đó thì có thể tiêm hai liều. Hai liều sẽ cách nhau ít nhất 2 tháng
Vacxin phế cầu có thể tiêm chung với những vacxin khác không?
Đây là loại vacxin điều chế từ các thành phần của vi khuẩn phế cầu. Và vacxin phế cầu tiêm chung được cùng lúc hoặc xen kẽ với bất cứ loại vacxin nào. Khi sử dụng vacxin, 2 loại vacxin cần chích cách nhau 1 tháng chỉ khi cả 2 loại đều là vacxin sống giảm độc lực. Còn lại tất cả các vacxin khác có thể chích chung hoặc cách bao lâu cũng được.
Ví dụ: vacxin 5 trong 1 và vacxin phế cầu không phải là vacxin sống giảm độc lực, mà chỉ là một thành phần hoặc toàn bộ con vi khuẩn chết. Vì thế, không cần thiết chờ một tháng mới chích lại.
Tác dụng phụ khi tiêm vacxin phế cầu
Trẻ em khi tiêm vacxin phế cầu có thể gặp những tác dụng phụ phổ biến sau:
- Đau, sưng đỏ tại chỗ viêm
- Chán ăn
- Chai cứng tại chỗ tiêm
- Sốt
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Quấy khóc bất thường
- Phát ban
- Tiêu chảy, nôn
- Chảy máu hoặc tụ máu tại chỗ tiêm, vết tiêm sưng đỏ
- Sốt cao trên 39 độ C
- Các dấu hiệu dị ứng khác
Vào lúc đó, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!