Trong cuốn sổ tiêm của tất cả các bé, các mẹ sẽ để ý thấy sau mũi tiêm Lao, mũi tiêm viêm gan B từ lúc mới sinh, có 1 mũi tiêm phòng các bệnh Ho gà-Bạch hầu- Uốn ván-Bại Liệt-Viêm gan B và HIb. Mẹ có thể chọn giữa 2 loại vacxin 5 trong 1 và vacxin 6 trong 1 để đáp ứng mũi tiêm này cho bé. Vậy vacxin 6 trong 1 là gì? Mẹ cùng tham khảo thông tin trong bài viết nhé!
Vacxin 6 trong 1 – Những thông tin mẹ cần biết!
Vacxin 6 trong 1 mang tên INFANRIX HEXA là Vacxin phối hợp dự phòng 6 bệnh ở trẻ nhỏ: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Hacmophilus influenzac type b ( Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ. Vaccine này giúp cho các trẻ nhỏ tránh khỏi những loại bệnh có thể chủng ngừa và giúp giảm số mũi tiêm từ 9 xuống còn 3 mũi (nếu chích ngay từ đầu).
Vacxin Infanrix hexa đã được cấp phép lưu hành trên 70 quốc gia trên khắp thế giới. Tại châu Âu, Infanrix hexa được đưa vào sử dụng từ ngày 23/10/ 2000 và đang được hầu hết các nước: Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Luxembua, Tây Ban Nha, Thụy Điển… dùng để tiêm phòng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Vacxin 6 trong 1 gồm những bệnh sau
Vacxin 6 trong 1 mang tên INFANRIX HEXA là Vaccine phối hợp dự phòng 6 bệnh ở trẻ nhỏ:
- Phòng bệnh Bạch hầu
- Bệnh Ho gà
- Phòng bệnh Uốn ván
- Tiêm phòng bệnh Bại liệt
- Tiêm phòng bệnh Viêm gan siêu vi B
- Và các bệnh gây ra do vi khuẩn Hacmophilus influenzac type b ( Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ.
Liều dùng vacxin 6 trong 1 cho trẻ em như thế nào?
Liều cần thiết để đảm bảo hệ miễn dịch của bé phát triển khỏe mạnh chống lại các bệnh là 3 liều. Mỗi một liều thuốc được tiêm vào, khả năng miễn dịch của cơ thể bé sẽ tăng lên.
Vacxin 6 trong 1 được dùng cho trẻ như thế nào?
Đây là vắc xin dành riêng cho trẻ sơ sinh. Vacxin được tiêm vào bắp đùi khi bé được 2 tháng tuổi và tái chủng ngừa khi trẻ được 4 tháng và 6 tháng tuổi. Vacxin được tiêm dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Bạn nên làm gì cho bé trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều?
Vì bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên viên y tế sẽ chỉ định và theo dõi quá trình bạn sử dụng thuốc, trường hợp quá liều khó có thể xảy ra.
Bạn nên làm gì cho bé nếu quên một liều?
Trẻ em nên được chủng ngừa ở độ tuổi được khuyến cáo, vì trẻ sẽ được bảo vệ khỏi các bệnh nghiêm trọng càng sớm càng tốt.
Nhưng nếu trẻ đã lớn hơn tuổi khuyến cáo mà vẫn chưa được tiêm phòng thì việc tiêm vắc xin vẫn chưa muộn. Bạn hãy liên hệ với trung tâm y tế tại địa phương để sắp xếp cho con bạn được tiêm phòng đầy đủ.
Trẻ sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng vacxin 6 trong 1?
Tác dụng phụ thường xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi chủng ngừa bao gồm:
- Đau, đỏ và sưng ở chỗ được tiêm;
- Trẻ khó chịu và quấy khóc;
- Da tái hoặc sốt.
Bạn có thể cho trẻ dùng paracetamol hoặc ibuprofen
Đôi khi, trẻ sẽ có hiện tượng sốt co giật (fits) nhưng hiếm gặp. Nếu trẻ mắc phải tình trạng này, bạn báo cho bác sĩ hoặc cho trẻ cấp cứu. Trẻ thường hồi phục nhanh chóng sau sốt co giật. Trẻ sơ sinh có thể mắc tình trạng sốt co giật bất cứ lúc nào, nhưng thường rất hiếm trong sáu tháng đầu và phổ biến nhất trong năm hai tuổi. Nếu trẻ sốt co giật sau khi chủng ngừa, điều này có thể không phải do vắc xin.
Giống như tất cả các vacxin khác, vacxin 6 trong 1 hiếm khi gây ra phản ứng dị ứng trầm trọng. Tuy nhiên, tất cả các chuyên viên y tế đều được đào tạo để ứng phó với các trường hợp sốc phản vệ ở trẻ sau khi tiêm, do đó trẻ có thể hồi phục hoàn toàn sau điều trị nếu mắc phải tình trạng này.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Trước khi dùng vacxin 6 trong 1 bạn nên lưu ý những gì?
Có rất ít trẻ sơ sinh không thể tiêm được vacxin này.
Vacxin này không nên dùng cho trẻ sơ sinh đã có phản ứng phản vệ (phản ứng dị ứng nghiêm trọng) với liều vacxin trước hoặc phản ứng với bất kỳ thành phần nào của vacxin, chẳng hạn như neomycin hoặc polymixin B .
Nếu trẻ mắc các bệnh nhẹ không kèm sốt, chẳng hạn như ho hay cảm lạnh, bạn vẫn có thể cho bé tiêm chủng và không nên trì hoãn.
Trong trường hợp trẻ bị sốt, bạn nên trì hoãn việc chủng ngừa cho đến khi trẻ hồi phục.
Nếu trẻ có tiền sử sốt co giật hoặc sốt co giật trong vòng 72 giờ sau liều vacxin trước, bạn nên báo cho bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!