“Tiêm Vacxin 5in1 mới có an toàn không?” là câu hỏi hóc búa đối với nhiều bậc cha mẹ. Chắc hẳn bậc phụ huynh nào cũng từng quay cuồng với việc tìm cơ sở tiêm cho con và cần tiêm loại Vacxin nào. Bài viết dưới đây sẽ tổng kết những loại Vacxin 5in1 (vắc-xin 5 trong 1) mới nhất đang được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng cũng như độ an toàn của chúng.
2 loại Vacxin 5in1 mới trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) của Bộ Y tế
Hiện nay, Bộ Y tế cho phép cung ứng đồng thời 2 loại Vacxin 5in1 trong Chương trình TCMR là Vacxin ComBe Five và Vacxin DPT-VGB-Hib do Ấn Độ sản xuất. Việc này giúp bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng, tránh việc thiếu Vacxin cho các bé. Cả 2 loại Vacxin này đều có tác dụng phòng ngừa 5 bệnh truyền nhiễm phổ biến (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B), không phòng bệnh bại liệt.
Trẻ được tiêm 3 mũi vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi và khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Mũi thứ 4 được tiêm nhắc lại vào lúc trẻ được 18 tháng tuổi và không được quá 24 tháng tuổi.
Vacxin ComBe Five:
Vacxin ComBe Five 5in1 do Ấn Độ sản xuất
- Do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất.
- Đã có hơn 400 triệu liều Vacxin ComBE Five được sử dụng tại 43 quốc gia trên toàn thế giới.
- Ở Việt Nam, Vacxin ComBE Five được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ tháng 05/2017 (thay thế cho vắc xin Quinvaxem).
Vacxin DPT-VGB-Hib (SII):
Vacxin DPT-VGB-Hib (SII) 5in1 do Ấn Độ sản xuất
- Do Công ty Serum Institute of India (SII), Ấn Độ sản xuất.
- Tính tới nay đã có hơn 600 triệu liều Vacxin DPT-VGB-Hib (SII) đã được sử dụng ở trên 79 quốc gia.
- Vacxin DPT-VGB-Hib (SII) được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ tháng 9/2018. Đến ngày 25/4/2019, Bộ Y tế đã phê duyệt “Kế hoạch sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib” tại 6 tỉnh là Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Bến Tre, Kon Tum, trong thời gian từ tháng 5-2019 đến tháng 7-2019. Trong thời gian này tại các tỉnh thành phố khác vẫn tiếp tục sử dụng vắc xin ComBe Five như hiện tại. Dự án TCMR sẽ tổng hợp kết quả triển khai, tình hình phản ứng sau tiêm Vacxin DPT-VGB-Hib (SII) tại 6 tỉnh và báo cáo Bộ Y tế. Việc sử dụng loại Vacxin 5in1 này sẽ được thực hiện tương tự ở các địa phương khác trong thời gian tới.
Vacxin 5in1 mới có an toàn không?
Trong những năm đầu đời, mặc dù không thể bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật hoàn toàn nhưng tiêm vacxin được coi là phương pháp tốt nhất giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm và giảm tỉ lệ tử vong do bệnh tật.
Những phản ứng thông thường sau tiêm vacxin bao gồm bao gồm các triệu chứng tại chỗ như: nổi mẩn ngứa, đau, sưng, đỏ tại vị trí tiêm; triệu chứng toàn thân như sốt dưới 39 độ C và một số triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn). Những triệu chứng này là các biểu hiện nhẹ và có thể tự khỏi. Vậy vacxin 5in1 mới có an toàn không?
Những con số biết nói về vacxin 5in1 mới
Liên quan đến Vacxin ComBe Five
Từ năm 2016, Bộ Y tế đã triển khai tiêm Vacxin ComBe Five tại một số tỉnh thành và không ghi nhận trường hợp sốc phản vệ nào. Trong tháng 10 và tháng 11/2018, Bộ Y tế đã triển khai Vacxin ComBe Five tại 7 tỉnh: Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết quả đã tiêm được 17.356 trẻ tại 7 tỉnh, tỷ lệ xuất hiện các phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5%.
Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh, từ tháng 12/2018, Vacxin ComBE Five được triển khai trên toàn quốc. Tính đến ngày 6/01/2019, Đã có 101.862 trẻ được tiêm Vacxin ComBE Five. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc…) được ghi nhận là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Tử vong do tiêm Vacxin ComBe Five – có hay không?
Tại Hà Nội
Tại Hà Nội vào ngày 16/01/2019 sau khi tiêm Vacxin ComBe Five một bé gái bị tử vong. Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn nhằm đánh giá về trường hợp bé gái Kiều Hải Y. (ngụ ở xã Cần Kiệm, Thạch Thất) tử vong sau khi tiêm Vacxin ComBe Five. Sau khi xem xét lại toàn bộ sự việc, Hội đồng chuyên môn cho rằng nguyên nhân tử vong do bị sốc phản vệ.
Tại Bình Định
Tại Bình Định, ngày 26/02/2019, chị Nguyễn Thị Y Phụng đưa bé P.N.B.T đến Trạm Y tế xã Hoài Châu tiêm ngừa vacxin ComBe Five. Sau khi tiêm phòng 30’, cảm thấy tình trạng bé bình thường, chị Phụng đã đưa trẻ về nhà. Tuy nhiên, đến khoảng tầm 12h trưa cùng ngày bé T. đã qua đời dù đã được cấp cứu kịp thời.
Đến ngày 28/02/2019, Sở Y tế Bình Định đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn Y khoa nhằm xác định nguyên nhân khiến bé T. tử vong. Bé gái được xác định bị phản ứng nặng sau khi tiêm thuốc, đồng thời Hội đồng nghi ngờ trẻ bị bệnh tim bẩm sinh.
Tại Lào Cai
Cháu bé 3 tháng tuổi có tên G.T.N, dân tộc Mông, trú tại thôn Mường Lum, xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Khoảng 8h ngày 3/6/2019, cháu được gia đình đưa đi tiêm chủng Vacxin ComBe Five mũi đầu tại điểm tiêm của xã. Đến 17h cùng ngày bắt đầu có phản ứng xấu. Sau 3 ngày nằm viện, đến 20h30 ngày 6/6, cháu bé đã tử vong do chứng suy hô hấp nặng và nhiễm trùng huyết.
Qua những kết quả kiểm tra của đoàn công tác, nhiều khả năng trường hợp này là phản ứng đặc biệt của cá thể đối với Vacxin, rơi vào trường hợp rủi ro hy hữu trong tiêm chủng với tỷ lệ xác suất 10 cháu/1 triệu mũi tiêm.
Liên quan đến Vacxin DPT-VGB-Hib (SII)
Từ ngày 16/5/2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai tiêm Vacxin DPT-VGB-Hib (SII) tại 5 huyện. Bốn huyện còn lại của tỉnh vẫn tiếp tục triển khai Vacxin ComBe Five trong tiêm chủng thường xuyên. Đến ngày 24/5/2019 đã có 1.280 trẻ ở 59/152 xã được tiêm Vacxin DPT-VGB-Hib (SII) và không ghi nhận bất kỳ trường hợp tai biến nặng nào.
Từ ngày 25/5/2019, 4 tỉnh gồm Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Bến Tre đã bắt đầu triển khai Vacxin DPT-VGB-Hib (SII) và trong tháng 6/2019 triển khai tại tỉnh Kon Tum.
Dự kiến cuối năm 2019, các tỉnh thành khác sẽ đồng thời sử dụng 2 loại Vacxin 5in1 ComBe Five và Vacxin DPT-VGB-Hib (SII) trong chương trình TCMR.
Nhu cầu sử dụng Vacxin lớn và chất lượng của Vacxin
Hiện, mỗi năm nước ta có khoảng 1,7 triệu trẻ em cần tiêm đủ 3 mũi Vacxin 5in1, tương đương 5,1 triệu liều Vacxin.
Qua những con số trên, ta có thể thấy rủi ro do tiêm 2 loại vacxin ComBe Five và Vacxin DPT-VGB-Hib (SII) là rất thấp. Cũng đã có một vài trường hợp đáng tiếc xảy ra nhưng lý do không liên quan đến chất lượng của Vacxin.
Các loại Vacxin 5in1 và 6in1 dịch vụ khác (không nằm trong chương trình TCMR của Bộ Y tế)
Nếu vẫn băn khoăn không biết vacxin 5in1 mới có an toàn không, mẹ vẫn còn sựu lựa chọn khác. Bên cạnh 2 loại Vacxin trong Chương trình TCMR của Bộ Y tế nói trên, các cơ sở tiêm chủng cũng có thể cung cấp một số loại Vacxin 5in1 và 6in1 khác. Các bố mẹ có thể tham khảo danh sách dưới đây nếu muốn cho con đi tiêm Vacxin dịch vụ.
Vacxin dịch vụ PENTAXIM 5in1
Vacxin dịch vụ Pentaxim 5in1 của Pháp
- Là loại Vacxin 5in1 (Phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và bại liệt), không phòng Viêm gan B
- Do Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất
- Vắc xin Pentaxim được sử dụng tại 99 quốc gia trên thế giới.
- Tại Việt Nam, đã có khoảng 100.000 liều đã được tiêm chủng cho 33.000 trẻ.
Vacxin dịch vụ HEXAXIM 6in1
Vacxin dịch vụ Hexaxim 6in1 của Pháp
- Là loại Vacxin 6in1 (Phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB, bại liệt và viêm gan B)
- Do Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất
- Đã có hơn 50 triệu liều vắc xin được sử dụng cho trẻ em tại hơn 113 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp nào gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau tiêm.
Vacxin dịch vụ INFANRIX HEXA 6in1
Vacxin dịch vụ INFANRIX HEXA 6in1 của Bỉ
- Là loại Vacxin 6in1 (Phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB, bại liệt và viêm gan B).
- Do Glaxo SmithKline – GSK (Bỉ) sản xuất.
- Được sử dụng trên 70 quốc gia và được lưu hành tại Việt Nam từ năm 2006.
Một số phản ứng phụ sau tiêm Vacxin
Khi tiêm Vacxin bé có thể gặp phải một số phản ứng phụ sau:
- Sốt nhẹ (dưới 38,5 0C).
- Sưng đau, tấy đỏ tại chỗ tiêm.
- Hay cáu kỉnh, quấy khóc.
- Chán ăn, lười bú, khó ngủ.
Trong vòng 1-2 ngày, thông thường những phản ứng này sẽ tự khỏi.
Những trường hợp hoãn tiêm Vacxin
- Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
- Sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).
- Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.
- Đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.
- Có cân nặng dưới 2000g.
- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại Vacxin.
Những trường hợp không được tiêm Vacxin
- Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng Vacxin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
- Bé có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan….)
- Trẻ suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các loại Vacxin sống.
- Không tiêm Vacxin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
- Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại Vacxin.
Lưu ý sau khi tiêm Vacxin cho con
- Cần ở lại tại cơ sở tiêm chủng 30 phút để được theo dõi phản ứng sau tiêm.
- Sau khi về nhà, phụ huynh cần theo dõi trẻ trong 24 giờ sau tiêm. Cần quan sát và kiểm tra trẻ thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm.
- Khi bế trẻ, cần lưu ý không đè hoặc chạm vào chỗ tiêm.
- Cho trẻ ăn hoặc bú đủ bữa, đủ lượng và đúng tư thế. Không nên cho trẻ bú nằm tránh để trẻ bị sặc sữa.
- Không nên đắp vật gì vào chỗ tiêm, kể cả khi chỗ đó sưng đau hoặc tấy đỏ.
- Theo dõi liên tục biểu hiện của trẻ về tình trạng nhiệt độ thân thể, việc ăn/bú, ngủ, tinh thần của trẻ, vị trí tiêm.
- Không được tự ý dùng thuốc hạ sốt và các loại thuốc khác nếu không có chỉ dẫn của bác sỹ hoặc cán bộ y tế.
Khi nào ba mẹ cần đưa bé đến bác sĩ?
Cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám nếu trẻ có biểu hiện bất thường: sốt kéo dài hơn 24 – 48 h hoặc không đáp ứng với thuốc hạ sốt, quấy khóc, vật vã, lờ đờ; khó thở: thở nhanh, tím tái, da nổi vân tím; nôn, bỏ bữa, bú kém; co giật; phát ban… Cha mẹ nên nhớ cung cấp đầy đủ thông tin cho cán bộ y tế trước và sau khi xử lý.
Sau khi đọc bài viết này, hy vọng mẹ đã có câu trả lời cho thắc mắc vacxin 5in1 mới có an toàn không. Dù lựa chọn tiêm cho con loại vacxin nào, mẹ hãy nhớ đừng bỏ lỡ các mũi tiêm cần thiết cho con nhé.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!