Virus Zika hiện đang là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất khi hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế vừa công bố phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên trong năm 2020. Phụ nữ mang thai chính là một trong những đối tượng có nguy cơ cao rất dễ bị lây truyền virus này. Đây cũng chính là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ cho thai nhi khiến người dân trên toàn thế giới hoang mang, lo sợ. Vậy triệu chứng sốt Zika ở bà bầu có dễ nhận biết hay không? Mời các mẹ cùng theo dõi bài viết sau.
Cảnh báo nguy cơ bùng phát virus Zika tại Việt Nam
Ngày 25/5/2020, thông tin từ Bộ Y Tế cho biết ca nhiễm virus Zika đầu tiên trong năm 2020 tại Việt Nam là một bệnh nhân nam giới, 25 tuổi, sống tại tổ 3, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Ngay sau khi phát hiện trường hợp dương tính với virus Zika, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã tổ chức giám sát 120 gia đình tại khu vực ổ dịch với bán kính 200m kể từ nơi ở của bệnh nhân và 600 công nhân đang làm việc tại khu Công nghiệp Hòa Khánh cùng nhà máy của người bệnh.
Kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào tháng 3/2016 tại Khánh Hòa, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 265 ca mắc. Các đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh thành phía Nam. Theo đánh giá, thời tiết nhiệt đới ẩm gió mùa tại nước ta là điều kiện vô cùng thích hợp cho loài muỗi sinh sống và lây truyền những bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt Zika, sốt rét. Hiện thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh Zika trên diện rộng.
Vì vậy, để chủ động phòng chống, không để dịch phát triển mạnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết và Zika; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn; những trường hợp nghi ngờ mắc Zika cần lấy mẫu và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để xét nghiệm.
Vì sao phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus Zika?
Bất cứ ai cũng có thể là đối tượng nhiễm virus Zika do đây là bệnh truyền nhiễm lây qua trung gian là vết cắn của muỗi Aedes mang virus. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia y tế, phụ nữ mang thai và trẻ em là 2 đối tượng dễ mắc bệnh sốt Zika nhiều nhất. Đặc biệt bệnh để lại những biến chứng nghiêm trọng cho thai kỳ như sẩy thai, thai lưu hay dị tật thai nhi.
Trong đó vấn đề đáng quan ngại nhất mà giới y tế đã xác nhận là về mối liên quan giữa mẹ mang thai nhiễm virus Zika với các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (Guillain-Barré).
Khả năng lây truyền Zika từ thai phụ sang thai nhi cao nhất là ở tam cá nguyệt đầu tiên với tỷ lệ thai nhi bị dị tật đầu nhỏ khoảng từ 1-13%. Đây là dị tật thể hiện tổn thương não bộ của trẻ bao gồm hộp sọ bị sụp 1 phần, các đường khớp sọ chồng lên nhau, xương chẩm nhô cao, da đầu dư thừa và suy giảm chức năng thần kinh.
Sở dĩ phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao dễ nhiễm virus Zika là bởi khi mang bầu, lượng máu trong cơ thể người mẹ tăng 30% và lượng nhiệt cơ thể toát ra lớn. Đó là 2 trong số nguyên nhân khiến bà bầu luôn là mục tiêu lý tưởng của loài muỗi. Chính vì vậy, tỷ lệ bà bầu nhiễm virus Zika không hề nhỏ, đặc biệt là các tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam.
Triệu chứng sốt Zika bà bầu không được bỏ qua
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo rằng, 80% phụ nữ đang mang thai mắc bệnh không biết mình đang nhiễm virus Zika. Vì vậy, trong thời gian mang thai nhất là 3 tháng đầu bà bầu cần phải hết sức lưu ý những dấu hiệu sau bởi đó có thể là triệu chứng sốt Zika mà chị em đã vô tình bỏ qua.
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải, có thể bắt đầu sốt nhẹ từ 37,8 – 38,5 độ C liên tục trong nhiều giờ và không có dấu hiệu hạ nhiệt
- Khắp các bề mặt da xuất hiện ban sẩn mọc chi chít
- Một số khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân có dấu hiệu đau nhức
Trường hợp thai phụ bị nhiễm virus Zika do không được phát hiện sớm sẽ gặp phải tình trạng viêm xung huyết kết mạc, nhức đầu, đau hố mắt, đau cơ và suy nhược cơ thể. Những bà bầu có bệnh lý nền hoặc sức khỏe không tốt còn có thể bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét, ngứa niêm mạc.
Các trường hợp nhiễm bệnh kể cả phụ nữ mang thai đều có thời gian ủ bệnh từ 3 – 12 ngày. Tuy nhiên các triệu chứng sốt Zika đôi khi không thực sự rõ ràng và không xuất hiện cùng lúc. Vì vậy, phụ nữ có thai nghi ngờ nhiễm bệnh cần phải được xét nghiệm máu vì đây là phương pháp duy nhất hiện nay có thể xác định chính xác đó là bệnh do virus Zika hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo thai phụ cần được theo dõi siêu âm mỗi 3 – 4 tuần/lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Lời khuyên dành cho các mẹ bầu
Mặc dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị và vắc xin chích ngừa virus Zika nhưng đây là bệnh lành tính nên hoàn toàn có thể tự điều trị hỗ trợ ngay tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bù điện giải, hạ sốt. Tuy nhiên, Zika lại là bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với những người mang thai vì có thể truyền từ mẹ sang con làm cho trẻ sinh ra mắc phải các dị tật bẩm sinh có thể được coi là biến chứng của bệnh như dị tật ở mắt, mất khả năng nghe, tật đầu nhỏ…
Vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh cho cả phụ nữ mang thai và mọi đối tượng khác đó là tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh, giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người bằng cách thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, làm sạch vật dụng chứa nước để loại bỏ khả năng sinh sản sản của muỗi, ngủ màn, mặc quần áo kín sáng màu, phun thuốc diệt muỗi và hạn chế di chuyển, đi lại đến những vùng có dịch.
Chúc các mẹ và cộng đồng được an toàn trong mùa dịch bệnh từ virus Zika!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!