Trẻ táo bón nên ăn gì là thắc mắc của rất nhiều mẹ khi con gặp phải vấn đề về tiêu hoá và đào thải này. Các chuyên gia cho biết, táo bón không phải là bệnh mà là triệu chứng thường gặp ở trẻ với biểu hiện dễ nhận như giảm số lần đại tiện bình thường, đi nặng khó và đau khi cố rặn do phân cứng, to.
Tuy thường gặp nhưng nếu không được điều trị, táo bón có thể gây ra nhiều hậu quả như biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, chướng bụng, đầy hơi, ăn khó tiêu, nôn trớ, hấp thụ ngược chất độc không đảo thải được, sa trực tràng do rặn, chảy máu trực tràng do phân quá rắn. Phần lớn táo bón gây ra do sinh hoạt và có thể được cải thiện thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống.
Táo bón lâu ngày có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng
Nguyên nhân làm trẻ táo bón
Theo các bác sĩ, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ:
- 95% trường hợp táo bón là do sai lầm trong chế độ ăn uống và sinh hoạt. Chẳng hạn như: trẻ thiếu nước do uống ít nước, ăn quá nhiều đạm từ thịt cá nhưng ít chất xơ từ rau xanh, hoa quả, bú sữa bình nhưng pha quá đặc, sai công thức, mẹ bị táo bón cho con bú sữa mẹ, hoặc do dùng thuốc kháng sinh giảm ho có codein. Ở các bé lớn hơn, táo bón có thể xảy ra khi con nhịn đại tiện do sợ bẩn, sợ thối hoặc ngại đi đại tiện, không muốn ngồi bô, đi học mẫu giáo thì sợ chỗ lạ, sợ cô giáo không dám xin phép đi đại tiện, không có thói quen đi ngoài đúng giờ.
- 5% trường hợp trẻ táo bón do bệnh lý như phình to đại tràng (bệnh Hipschsprung), bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme), bị nứt hậu môn, bị trĩ do táo bón lâu ngày.
Nhiều trẻ có thói quen không ăn rau dễ bị táo bón
Trẻ táo bón nên ăn gì?
Như vậy, khi trẻ bị táo bón, phụ huynh nên lưu ý để tìm ra nguyên nhân và có cách xử trí phù hợp. Nếu do thói quen sinh hoạt thì chế độ ăn của trẻ cần được điều chỉnh ngay lập tức. Theo đó, những thực phẩm có thể hỗ trợ nhuận tràng nên cho trẻ ăn hàng ngày gồm:
Trẻ bị táo bón nên ăn nhóm thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ là chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng bậc nhấc trong việc tiêu hoá và đào thải phân. Mẹ cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tăng lượng thực phẩm này lên và giảm bớt bột đường, thịt nhiều đạm hay đồ chiên rán. Các loại rau được khuyến khích cho trẻ táo bón ăn gồm:
- Mồng tơi, rau dền, rau chân vịt, ngọn lá khoai lang, có chất nhờn giúp nhuận tràng. Nếu bé lớn thì luộc hoặc nấu canh các loại rau này cho con ăn trong bữa cơm hàng ngày. Trong trường hợp trẻ còn nhỏ thì bằm nhuyễn hay xay mịn nấu cháo, bột.
- Các loại quả nhiều chất xơ như bưởi, cam, quýt, với cam và quýt thì nên ăn cả múi.
Rau quả mọng nước, có tính mát cho trẻ táo bón
Các loại hoa quả như thanh long, chuối tiêu, đu đủ, táo được khuyên cho trẻ bị táo bón ăn nhiều để dễ đi ngoài hơn. Rau có tính mát như rau má, rau diếp cá vừa có chất xơ vừa giải nhiệt trong cơ thể tốt. Mẹ có thể ép lấy nước pha loãng cho con uống.
Trẻ bị táo bón rất cần nạp đủ chất xơ và nước
Một số loại củ nhuận tràng giúp giảm táo bón
Khoai lang, cải trắng, khoai tây cũng là các loại củ giàu chất xơ, nhuận tràng, thông tiện và giải độc cơ thể. Tốt nhất là mẹ luộc hoặc nấu canh, hầm mềm các loại củ này cho con ăn, nếu trẻ quá nhỏ thì ép lấy nước nấu cháo.
Uống nhiều nước
Nhiều trẻ bị táo bón do bị thiếu nước, vì thế cung cấp thêm nước cho con là cần thiết. Nên bổ sung nước cho con từ nước ép hoa quả, cho ăn canh mỗi bữa, pha sữa loãng hơn bình thường một chút.
Trẻ táo bón KHÔNG nên ăn gì?
Hạn chế các loại thực phẩm khó tiêu hoá này
Bên cạnh việc tìm hiểu trẻ bị bón nên ăn gì, mẹ cũng cần phải lưu ý các loại thực phẩm nên hạn chế tối đa như:
- Thịt đỏ, vì các loại thịt này cực kỳ giàu đạm, béo khó tiêu hoá, đặc biệt là thịt đỏ chưa sợi protein khó xử lý, mất thời gian để đưa ra ngoài khiến tình trạng đào thải bị chậm lại.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa. Trừ trường hợp bé còn nhỏ cần bú thì mẹ nên hạn chế cho trẻ lớn sử dụng các chế phẩm từ sữa khi đang bị táo bón.
- Các loại trái cây và rau củ cứng chứa chất xơ già gây tổn hại thành ruột như hồng xiêm, cà rốt, ổi.
- Đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn quá mặn nhiều gia vị hay bánh kẹo nhiều đường.
Khi điều trị bằng chế độ ăn không khỏi thì mẹ nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ có thể kê đơn cho dùng thuốc và thụt tháo theo chỉ dẫn.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!