Khi đối mặt với bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em, nhiều ba mẹ không tránh khỏi lo lắng và mệt mỏi với tình trạng này của con yêu. Theo nhiều nghiên cứu được thực hiện, tiêu chảy cấp là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở trẻ nhỏ, chỉ sau nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính.
Tiêu chảy cấp là gì?
Tiêu chảy cấp là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong cho bé bởi tình trạng mất nước và muối, đồng thời là nguy cơ gây suy dinh dưỡng ở trẻ. Khi mắc bệnh, con yêu sẽ đi tiêu chảy với phân lỏng trên 3 lần mỗi ngày, thường kéo dài không quá 14 ngày.
Nếu tình trạng diễn ra trên 14 ngày, con yêu có khả năng mắc phải chứng tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, nếu kéo dài thường được chuẩn đoán là tiêu chảy mãn tính.
Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ em
Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ thường do là vi-rút, vi khuẩn và ký sinh trùng gây nên. Trong đó, vi-rút Rota là tác nhân gây tiêu chảy nặng, khiến tính mạng của con yêu nguy cấp. Song song đó, mẹ cũng nên chú ý những yếu tố gây tiêu chảy ở dưới đây để phòng tránh cho trẻ nhé.
- Độ tuổi mắc bệnh phổ biến: từ 6 đến 11 tháng tuổi
- Con yêu bị suy dinh dưỡng
- Suy giảm miễn dịch (sau mắc bệnh sởi hoặc nhiễm HIV)
- Bú lâu, ăn dặm không đúng cách
- Sinh sống trong vùng bị ô nhiễm nguồn nước
Dấu hiệu trẻ tiêu chảy cấp
1. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
Với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, tần suất đi tiêu nhiều lần trong ngày, trung bình từ 3 đến 10 lần/ngày hoặc nhiều hơn. Phân của con yêu sẽ có dạng sệt, lỏng với màu xanh, vàng, nâu. Trong đó, trẻ bú sữa mẹ thường sản xuất phân nhiều lần hơn cũng như phân có nước nhiều hơn so với trẻ dùng sữa công thức.
Ba mẹ cũng nên lưu ý rằng: Thông thường, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, định nghĩa tiêu chảy là khi con yêu đi tiêu gấp đôi so với số lần đi tiêu bình thường trong ngày.
2. Trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên
Với trẻ từ 1 tuổi trở lên, con cưng thường sẽ đi ngoài khoảng từ 1 đến 2 lần mỗi ngày. Phân của trẻ sẽ có dạng lỏng, nhiều nước và mùi hôi tanh. Bên cạnh đó, do đây là loại bệnh thuộc đường ruột nên con yêu thường có những triệu chứng kèm theo như mệt, quấy khóc, sốt, đau bụng, buồn nôn…
Ba mẹ cũng nên lưu ý rằng: Định nghĩa tiêu chảy với trẻ trên 1 tuổi là khi con cưng đi tiêu phân lỏng nước từ 3 lần trong một ngày trở lên.
Phòng ngừa tiêu chảy hiệu quả
Tiêu chảy cấp thường gây nguy hiểm đến tính mạng con yêu nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, ba mẹ nên phòng ngừa cho trẻ ngày từ đầu hơn là tìm cách điều trị sau đó. Một số biện pháp phòng ngừa dưới đây có thể hữu ích với bạn, đặc biệt là những ai có con dưới 1 tuổi.
1. Vệ sinh tay trước khi chạm vào bé
Rửa tay trước khi chạm vào con cưng là cách đơn giản nhất mà ba mẹ nào cũng có thể thực hiện. Biện pháp này nhằm giảm việc truyền nhiễm vi khuẩn có hại từ người lớn đến trẻ nhỏ. Vì vậy, người lớn sau khi ra ngoài nên vệ sinh tay thật sạch trước khi nấu đồ ăn hoặc vui chơi với thiên thần nhỏ của mình nhé.
2. Thường xuyên vệ sinh các vật dụng của con
Ba mẹ nên vệ sinh các vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc như bình sữa, các dụng cụ đựng thức ăn của bé, đồ chơi… Lưu ý nhỏ cho bạn là hãy đọc kỹ hướng dẫn về sức chịu nhiệt của mỗi vật dụng để có cách tiệt trùng cũng như giữ vệ sinh thích hợp.
3. Duy trì việc bú sữa mẹ trực tiếp
Dùng bình sữa có khả năng gây ra tình trạng tiêu chảy cho con yêu cao hơn so với việc bú trực tiếp. Bên cạnh đó, so với sữa công thức, sữa mẹ có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Vì thế, trẻ dưới 2 tuổi nếu thường xuyên bú mẹ trực tiếp sẽ ít có nguy cơ bị tiêu chảy hơn các trường hợp còn lại.
4. Hạn chế cho trẻ uống nước trái cây
Ba mẹ nên giới hạn việc trẻ dùng các loại nước ép trái cây, đặc biệt là các loại đóng hộp trên thị trường. Lượng nước trái cây được khuyên dùng cho trẻ nhỏ là dưới 120ml mỗi ngày. Bởi uống quá nhiều loại nước này cũng là yếu tố khiến con yêu bị tiêu chảy. Phần lớn các bác sĩ khoa nhi đều không khuyến khích trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng nước trái cây.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, ba mẹ nên tham khảo những cách phòng bệnh hiệu quả ở trên để bảo vệ sức khỏe của thiên thần nhỏ nhé.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!