Trẻ sơ sinh có nên ngủ chung với ba mẹ không? Ưu và nhược điểm của việc cho trẻ ngủ chung là gì? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những câu hỏi trên để các cha mẹ quyết định nên cho trẻ sơ sinh ngủ chung hay riêng.
Trẻ sơ sinh có nên ngủ chung với ba mẹ?
Trước đây Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho rằng cha mẹ không bao giờ nên để em bé ngủ chung giường với ba mẹ. Lý do là việc ngủ chung tiềm ẩn nguy cơ nghẹt thở , SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh) và các trường hợp tử vong có liên quan khác. Tuy nhiên, vào năm 2016 AAP đã thay đổi quan điểm về vấn đề này.
Việc cho trẻ sơ sinh ngủ chung với cha mẹ dường như càng trở nên phổ biến hơn. Theo khảo sát năm 2018 của BabyQuip – 1 trang thương mại hàng đầu chuyên cho thuê đồ dùng trẻ em, 69% các bậc cha mẹ cho biết đã ngủ chung với bé khi đi du lịch và 39% thừa nhận thường xuyên để trẻ sơ sinh ngủ chung.
Một báo cáo khác trong năm 1999 lại khuyên các bậc cha mẹ nên để trẻ sơ sinh ngủ riêng khi trích dẫn một nghiên cứu về 515 trường hợp em bé tử vong vì ngạt thở.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia đã bác bỏ lời khuyên này, cho rằng nguy cơ trẻ tử vong không phải lúc nào cũng xảy ra, hầu hết các trường hợp ghi nhận là do cha mẹ say xỉn, sử dụng chất kích thích hoặc do em bé nằm sấp.
Vậy bé nên nằm ngủ ở đâu thì hợp lý?
Tiến sĩ James McKenna – chuyên gia về trẻ nhỏ đồng thời là giám đốc phòng nghiên cứu giấc ngủ hành vi mẹ và bé – ủng hộ việc cho trẻ ngủ riêng trong cũi vì ông cho rằng đứa trẻ sẽ dần dần học được nhiều thứ và bằng nhiều cách khác nhau từ cha mẹ chúng.
Cha mẹ không nên để trẻ ngủ hoặc ngủ gật trên một chiếc ghế dài, ghế bành hay các bề mặt mềm khác mà có thể tạo các khoảng không khí làm bé khó thở. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi mẹ cho con ăn đêm lúc cả 2 mẹ con đều đang buồn ngủ.
Bác sĩ Lori Feldman-Winter – đồng tác giả báo cáo AAP 2016 về quy tắc ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khuyên các bậc phụ huynh nên cho bé ăn trên giường, thay vì ghế sofa hoặc ghế đệm để phòng trường hợp làm bé ngạt thở.
Nếu bạn ngủ thiếp đi, ngay khi thức dậy, hãy bế em bé đến chỗ ngủ riêng của bé. AAP khuyến nghị trẻ sơ sinh nên nằm ngửa khi ngủ, đặt bé nằm trong cũi, cũi chỉ nên trải 1 tấm đệm và bọc đệm vừa vặn.
Lợi ích của việc cho trẻ sơ sinh ngủ chung với ba mẹ
Lợi ích thiết thực nhất của việc cho trẻ ngủ chung đó là cha mẹ có thể ở gần bé phòng khi có điều gì bất thường xảy ra, giúp mẹ cho con bú dễ dàng hơn trong đêm, hạn chế làm gián đoạn giấc ngủ của 2 mẹ con và tạo sự thân mật ngọt ngào giữa các thành viên trong gia đình. Bản năng của người mẹ là gần gũi với con mình. Những mẹ làm việc toàn thời gian càng có ham muốn ngủ chung với trẻ để bù đắp cho khoảng thời gian ban ngày không ở gần con. Việc giữ em bé gần gũi, tiếp xúc da kề da làm em bé cảm thấy yên tâm và gắn kết thân thiết với mẹ hơn.
Mặc dù AAP không khuyến khích việc ngủ chung giường với trẻ nhưng về mặt sinh học, việc ngủ chung là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên cha mẹ nên nắm được ưu nhược điểm của việc ngủ chung, trong đó có việc giúp trẻ điều hòa nhịp thở và thân nhiệt.
Ngay cả AAP cũng thừa nhận lợi ích của việc cho trẻ sơ sinh ngủ chung phòng (không phải chung giường) với ba mẹ, khuyến nghị nên để trẻ ngủ cùng phòng bố mẹ tối thiểu trong 6 tháng đầu đời của bé và tối đa trong 1 năm.
Nhược điểm của việc ngủ chung với bé
- Trẻ có thể hình thành thói quen xấu là chỉ có thể ngủ nếu ba mẹ bên cạnh hoặc cần vỗ về, hát ru thậm chí bế để ngủ. Theo các chuyên gia về giấc ngủ, trẻ sơ sinh nên học cách tự ngủ khi không có người lớn tác động.
- Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, trẻ lại có thời gian đi ngủ và số giờ ngủ khác nhau. Nếu cho trẻ ngủ chung giường, người lớn thường phải đi ngủ sớm hơn bình thường để phù hợp với trẻ, gây ra khá nhiều bất tiện.
- Chất lượng giấc ngủ của người lớn có thể bị ảnh hưởng do bé thường cựa quậy liên tục khi ngủ, nhất là người mẹ. Mẹ có thể trở nên kiệt sức vì con cựa quậy và phải vỗ về con ngủ lại mỗi khi tỉnh dậy giữa đêm.
- Quan hệ vợ chồng có thể bị ảnh hưởng. Đối với nhiều cặp vợ chồng, buổi tối là khoảng thời gian duy nhất họ có thời gian ở bên cạnh nhau. Tuy nhiên, việc cho trẻ ngủ chung giường sẽ làm cho cặp đôi có ít thời gian cũng như không gian cho nhau.
Trẻ sơ sinh có nên ngủ chung với ba mẹ? Đó là quyết định của cá nhân bạn
Nếu cha mẹ muốn ngủ chung với con, cần xác định mục đích của việc ngủ chung là vì nhu cầu của con chứ không phải của bản thân bạn. Ví dụ nếu bạn là cha mẹ đơn thân hoặc vợ/chồng bạn thường xuyên vắng nhà, bạn không nên ngủ chung với con chỉ để làm vơi đi nỗi cô đơn.
Trẻ ngủ chung với ba mẹ từ sớm sẽ rất khó bỏ thói quen này khi lớn hơn. Sau này bé có thể gặp vấn đề trong tương tác xã hội, ví dụ như trẻ không tham gia được các buổi cắm trại qua đêm, tiệc ngủ tại nhà bạn hay các chuyến đi qua đêm… Ngủ chung lâu dài làm con gặp khó khăn tâm lý khi hòa nhập với bạn bè và cộng đồng xã hội.
Bài viết trên đã giải đáp phần nào giúp cha mẹ lựa chọn cho con ngủ chung hay riêng. Bạn đọc có thể tham khảo và tìm được câu trả lời đúng nhất đối với con mình.
Theo parents
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!