Làm thế nào để bé ít khó khi bé mọc răng – Hành trình gay go, vất vả khi những chiếc răng sắp nhú. Nếu bé đã bắt đầu ngoài 4 tháng và có các triệu chứng như nhiều dãi dớt, sốt hâm hấp vào chiều tối, bỏ ăn, quấy khóc và bám mẹ thì rất có thể bé đang bước vào giai đoạn mới: Chào đón những chiếc răng đầu tiên.
Mẹ cần lưu ý rằng, với mỗi em bé dấu hiệu mọc răng cũng như các phản ứng của trẻ trong mỗi lần mọc răng có thể khác nhau. Chẳng hạn nếu lần mọc răng trước đó bé không sốt thì không có nghĩa là lần này bé sẽ hoàn toàn bình thường.
Tốt nhất là mẹ cứ nên chuẩn bị và tìm hiểu kĩ để có thể xử lý tốt nhất với tất cả các triệu chứng khó ở khi mọc răng của bé như: sốt viêm họng ngạt mũi, táo bón, chảy dãi hôi mồm, bỏ ăn, giờ giấc sinh hoạt ăn ngủ trở nên thất thường hơn, …
Làm thế nào để bé ít khó chịu vì mọc răng
Mỗi bé sẽ có một thời điểm mọc răng khác nhau
Có những bé mọc răng từ rất sớm nhưng thông thường là 4 tháng tuổi. Hầu hết các bé sẽ xuất hiện chiếc răng đầu tiên ở tháng thứ 6-7. Tuy vậy, một số trẻ lại mọc răng muộn hơn ở tháng thứ 11, 12, …
Ngoài ra, số lượng răng mỗi lần mọc của bé cũng sẽ khác nhau. Có bé sẽ mọc từng chiếc một nhưng một số bé lại mọc vài chiếc răng cùng một lúc.
Các biểu hiện khó chịu của bé khi mọc răng có thể kéo dài hàng tuần
Thông thường trẻ sẽ có dấu hiệu của việc mọc răng kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu chiếc răng của bé vẫn còn nằm trong lợi chưa chịu nhú ra thì con sẽ vẫn còn sốt, bỏ ăn, … chỉ đến khi răng nhú hẳn ra, bé sẽ đỡ đau hơn thì lúc đó trẻ sẽ lại ăn uống như bình thường.
Chính vì vậy các mẹ không cần quá sốt ruột mà chỉ cần chờ đợi trong khoảng thời gian này cũng như giúp con giảm bớt các khó chịu, đau nhức.
Làm thế nào để bé ít khó chịu vì mọc răng – Những mẹo hay giúp bé mọc răng đỡ đau nhức
1. Xử lý thế nào khi bé sốt mọc răng
Mặc dù sốt mọc răng chỉ là các cơn sốt nhẹ nhưng với những bé mọc nhiều răng một lúc thì con cũng có thể bị các cơn sốt cao dẫn đến co giật.
Chính vì vậy ngay khi thấy bé có biểu hiện sốt mọc răng, mẹ cần chú ý theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên. Nếu bé sốt 38 độ C, mẹ nên kết hợp lau người và cho bé uống thuốc hạ sốt.
Trường hợp con sốt quá cao 39-40 độ và có dấu hiệu không hạ sốt thì cần đưa bé đi khám càng sớm càng tốt.
2. Bé bỏ ăn khi mọc răng mẹ phải làm sao?
Trong quá trình răng chuẩn bị nhú, hầu hết trẻ đều không cảm tháy hứng thú với việc ăn uống. Điều duy nhất mà trẻ muốn là ngậm ti mẹ mà thôi.
Với những bé bú bình, bú khỏe thì bé cũng sẽ có những bữa ăn ít đi hoặc thậm chí là không chịu ăn.
Vậy trong khoảng thời gian này, mẹ đừng nên cố gắng ép bé phải ăn theo cữ cố định. Chỉ cần cho con ăn khi bé cảm thấy muốn ăn mà thôi.
Thay vì tiếp tục xúc cháo hoặc món xay nhuyễn cho bé, mẹ có thể đổi bằng các món ăn được chế biến dưới dạng thanh, que vừa cầm tay để bé ngồi tự gặm và nhai nuốt như phương pháp ăn dặm BLW.
Mẹ có thể chuẩn bị các bình sữa với lượng 50-60ml để chia nhỏ bữa ăn của bé, giúp bé ăn theo nhu cầu “ít” trong giai đoạn chán ăn vì mọc răng này.
3. Chuyện chảy quá nhiều dãi khi đang mọc răng của con thì sao?
Hầu hết trẻ đều chảy rất nhiều nước dãi trong quá trình đang chuẩn bị mọc răng. Mẹ nên chuẩn bị sẵn những chiếc yếm nhỏ để đeo cho bé.
Nếu thấy áo con ướt nhiều thì nên thay ngay cho bé, tránh để con bị lạnh vì dãi dớt thấm qua áo khiến bé càng khó chịu và thậm chí là có thể bị cảm lạnh.
Đồng thời mẹ đừng quên chuẩn bị bình nước nhỏ cho bé nhấp nước thường xuyên, bù lại lượng nước đã mất vì “dãi dớt”.
4. Việc bài tiết của bé có những thay đổi bất thường?
Trong quá trình mọc răng, chuyện đi ngoài của trẻ sẽ có những biểu hiện khác với mọi khi. Một số trẻ bị táo nhưng ngược lại, một số trẻ lại có thể bị tiêu chảy.
Lúc này, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách xử lý sao cho phù hợp. Ngoài ra, nên tăng cường cho bé ăn súp rau củ quả và các loại nước hoa quả để tăng sức đề kháng, giúp con bài tiết dễ dàng hơn.
5. Nếp sinh hoạt của trẻ bị xáo trộn?
Rất nhiều trẻ cảm thấy khó chịu khi mọc răng. Điều này khiến cho bé khó ngủ hơn, ăn uống thất thường hơn. Từ đó dẫn đến việc nếp sinh hoạt quen thuộc của trẻ bị thay đổi, bé mè nheo nhiều hơn.
Lúc này, điều bé cần nhất là mẹ âu yếm, vỗ về, dỗ dành, giúp con vượt qua thời gian này. Mẹ chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi, không cố luyện ngủ hay bắt con giờ giấc y như trước là đủ.
Nói chung “linh hoạt, chờ đợi” là phương châm mẹ cần thuộc nằm lòng vào lúc này.
6. Chuẩn bị sẵn nướu đồ chơi sạch sẽ cho bé gặm
Khi mọc răng, bé sẽ bị ngứa lợi và vô cùng khó chịu. Lúc này mẹ hãy chuẩn bị những chiếc nướu sạch sẽ, chất lượng để bé cầm chơi và gặm nhấm những lúc con thích.
Mẹ có thể đặt nướu vào ngăn đá cho mát rồi đưa con gặm cũng sẽ giúp lợi con được xoa dịu tốt hơn.
Theo BABYBOYMONEY TV
Xem thêm bài liên quan:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!