Trẻ bị sốt mọc răng có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu đi kèm một cơn sốt nhẹ như bé chảy nước dãi nhiều, nướu sưng, con ăn kém, khó ngủ, quấy khóc, … Nhờ đó cha mẹ sẽ có cách chăm sóc con phù hợp và hiệu quả.
Theo kết quả điều tra của tạp chí National Teething Week, hơn một nửa cha mẹ có con nhỏ, đặc biệt là những ai lần đầu chăm sóc trẻ sơ sinh thường không nhận biết được các dấu hiệu đau và sốt do mọc răng ở giai đoạn đầu của trẻ. Tính trung bình, phần lớn các ông bố bà mẹ mất tới 53 phút 33 giây trong ngày để cố gắng tìm ra nguyên nhân tại sao trẻ lại quấy khóc.
Răng sữa của trẻ sẽ mọc vào khoảng tháng thứ 6. Một số trẻ có thể nhanh hoặc chậm hơn mốc này. Nhưng dù thế nào thì đến tầm 24 tháng tuổi, con cũng gần như có đầy đủ một bộ răng sữa hoàn thiện.
6 dấu hiệu đi kèm với tình trạng trẻ bị sốt mọc răng
Để dễ dàng nhận ra quá trình mọc răng của trẻ, các chuyên gia trẻ em lưu ý về 6 dấu hiệu chính mà cha mẹ nên để ý và quan sát. Bé có thể xuất hiện một cơn sốt nhẹ hoặc chỉ có biểu hiện mọc răng mà không hề sốt, điều này sẽ phụ vào đặc điểm thể chất cơ thể của từng trẻ.
Trẻ bị sốt mọc răng hoặc không hề có cơn sốt nào
1. Lúc nào bé cũng muốn cắn, gặm một thứ gì đó để giảm bớt các cơn khó chịu.
2. Nướu con sưng đỏ nhiều hơn so với bình thường. Để kiểm tra chính xác, cha mẹ nên rửa tay sạch sẽ và thử xoa nhẹ đầu nướu con sẽ có cảm giác cứng hơn thường ngày.
3. Con chảy nước dãi nhiều. Đây cũng là dấu hiệu dễ nhận biết nhất.
Trẻ bị sốt mọc răng kèm các biểu hiện khác như chảy nước dãi, quấy khóc, nướu sưng, …
4. Trẻ bú nhiều sữa hơn về đêm. Các chuyên gia giải thích rằng con đau nướu nhiều hơn vào thời gian này. Đây chính là nguyên nhân khiến bé quấy khóc, bứt rứt, muốn cắn, gặm đồ, …
5. Một vài trẻ bị đau tai do răng mọc ở vị trí bên trong.
6. Thói quen ăn uống của con có thể thay đổi. Một số trẻ thích ăn đồ cứng hơn. Chẳng hạn con từng ăn cháo nhưng giờ bé muốn ăn cơm nguyên hạt và gấm nhấm các đồ ăn cứng do lợi sưng, ngứa.
Trẻ bị sốt mọc răng như thế nào thì được coi là bình thường?
Các dấu hiệu như sốt nhẹ đi kèm với sưng nướu, quấy khóc, thích gặm nhấm, … có thể xuất hiện hoặc hoàn toàn không có vào trước thời điểm răng mọc 2-3 ngày hoặc thậm chí là một tuần. Để biết rằng đây chỉ là một cơn sốt do mọc răng, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Bé chỉ bị một cơn sốt nhẹ, tầm 37-38 độ.
- Con sốt nhưng không kèm tiêu chảy.
- Trẻ có thể quấy hơn bình thường nhưng cơn sốt này chỉ rất ngắn, không kéo dài quá lâu. Một số trẻ chỉ bị các cơn sốt trong đúng 1 ngày hoặc cùng lắm là 2-3 ngày.
Khi nào thì cần lo lắng về các cơn sốt của trẻ trong thời gian mọc răng?
Sốt cao hơn 38 độ, trẻ quấy khóc nhiều, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa, trẻ bỏ ăn, lờ đờ, ngủ li bì, sốt kéo dài trên 2 ngày thì cha mẹ cần đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Các biểu hiện này cho thấy có thể trẻ không sốt vì mọc răng mà do một căn bệnh nào khác.
Chính vì thế, khi con xuất hiện sốt trong thời kỳ mọc răng, cha mẹ cần theo dõi chú ý các dấu hiệu chính xác để tránh trường hợp con mắc bệnh kéo dài, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Có nên cho bé uống thuốc khi trẻ bị sốt mọc răng hay không?
Các cơn sốt mọc răng thường không quá nghiêm trọng nên hầu hết các chuyên gia đều không khuyến khích cha mẹ cho bé uống thuốc hạ sốt. Các bước cơ bản khi bé bị sốt mọc răng mà cha mẹ có thể thực hiện là:
- Thường xuyên cặp nhiệt độ để kiểm tra mức độ sốt của con. Nếu sốt dưới 38 độ thì chỉ cần chăm sóc như bình thường tại nhà là ổn. Nhưng nếu bé sốt cao, đặc biệt là với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nên đi khám sớm để bác sĩ sớm tìm ra nguyên nhân của cơn sốt.
- Lau người bằng nước ở nhiệt độ bình thường cho bé để con thấy dễ chịu hơn.
- Với bé trên 6 tháng tuổi, nên tăng cường cho con uống nước. Bé dưới 6 tháng có thể tăng các cữ bú trong ngày.
Ngoài việc chăm sóc khi con bị sốt như trên, cha mẹ có thể dùng tay mát xa nướu nhẹ nhàng cho bé, dùng một số loại hoa quả như chuối, táo để lạnh cho bé gặm, thay đổi chế độ ăn của trẻ. Nếu con thích đồ ăn cứng và muốn tự mình cầm gặm thì mẹ nên chế biến thức ăn dưới dạng thanh, miếng dài vừa tay con bốc. Một số trẻ lại thích các loại canh, súp, nước hoa quả nhiều hơn vào giai đoạn này.
Theo The Asianparent Thái Lan
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!