Trẻ sơ sinh bị giật chân tay khi ngủ là những hành động để phản ứng lại khi bị giật mình bởi các yếu tố môi trường tác động. Đây là điều hoàn toàn bình thường hay gặp ở trẻ sơ sinh.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Thắc mắc về tình trạng trẻ sơ sinh bị giật chân tay khi ngủ
Nhiều chị em có trẻ sơ sinh bị giật chân tay khi ngủ vào buổi tối. Bé ngủ được một lúc thì sẽ cựa quậy và giật tay chân. Không những thế, mỗi khi dậy cho bú và sau đó con quay lại giấc ngủ thì tình trạng tương tự vẫn xảy ra. Buổi sáng hay trưa tay chân con cũng gặp trường hợp tương tự.
Có thể nói trẻ em dưới 1 tuổi thời gian ngủ trung bình 15-16 tiếng / ngày, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm hoạt động chưa nhịp nhàng như người lớn. Vì thế, khi bé ngủ có những cơn co giật tự ý dân gian gọi là trẻ ngủ giật minh, hoặc khi có tiếng động mạnh trẻ sẽ giật mình.
Nhìn chung, các bà mẹ có trẻ sơ sinh bị giật chân tay khi ngủ không phải quá lo lắng nếu con yêu vẫn bú, ngủ, lên cân đều mỗi tháng.
Từ khi mới sinh ra, trẻ sơ sinh sẽ tự động có những phản xạ này và dần mất đi khi trẻ tròn sáu tháng tuổi. Khi các cơ của bé phát triển, bé sẽ có khả năng cân bằng tốt hơn.
Bé ngủ giật tay chân có phải do thiếu canxi? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Trẻ nhỏ khi ngủ thường hay vặn mình, hay còn gọi là giật tay chân hoặc giật mình. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên và được chia thành 2 nhóm là vặn mình sinh lí và vặn mình bệnh lí.
Đối với trẻ sơ sinh, vặn mình khi ngủ là hiện tượng sinh lí bình thường và bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, khi trẻ giật mình và quấy khóc nhiều, có thể có một số bệnh lí gây ra tình trạng trên như trào ngược dạ dày, hạ canxi máu, bệnh lí về gan và các rối loạn thần kinh. Vì vậy, trẻ nhỏ giật mình không chỉ do hạ canxi máu mà có thể đó chỉ là sinh lí bình thường hoặc cũng có thể là bệnh lí, nhưng thường sẽ đi kèm với tình trạng khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ hoặc tím mặt,…
Cụ thể con bị giật chân tay khi ngủ trông như thế nào?
Nếu em bé mới sinh của mẹ hay bị giật mình khi ngủ vì tiếng động, chuyển động đột ngột hoặc cảm thấy như bị ngã, thì có thể con đang phản ứng theo một cách cụ thể vì một nguyên nhân nào đó. Khi đó, con có thể đột ngột dang rộng cánh tay và chân, cong lưng như bản năng tự nhiên. Bé cũng có thể khóc hay không khóc khi bị giật mình.
Trẻ sơ sinh bị giật chân tay khi ngủ như vậy là hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu hiện nay tin rằng những co giật cơ này giúp trẻ sơ sinh biến chuyển động thô sơ thành chuyển động phối hợp trong tương lai.
Những việc mẹ có thể làm để hạn chế con giật mình ảnh hưởng đến giấc ngủ
- Con trẻ sẽ cảm thấy an toàn và được bảo vệ khi được quấn khăn lúc ngủ. Những hành động phản xạ khiến con giật mình khi ngủ sẽ giảm bớt.
- Địu con khi ngủ vừa tăng kết nối với trẻ và vừa giúp bé cảm thấy yên tâm.
Những yếu tố khác vô tình khiến trẻ sơ sinh bị giật chân tay khi ngủ nhiều hơn
Phản xạ tự nhiên này được kích hoạt bởi bất kỳ thay đổi đột ngột nào về kích thích cảm giác. Có nhiều tác nhân phổ biến là:
- Tiếng động lớn đột ngột
- Có ai đó chạm vào bé bất ngờ khi con đang ngủ
- Cường độ ánh sáng thay đổi đột ngột
- Bất kỳ sự việc nào khiến em bé mất thăng bằng – chẳng hạn như giảm độ cao khi đã ngủ và được đặt vào nôi/cũi.
- Sự thay đổi hướng của cơ thể em bé
Một số tác nhân ảnh hưởng này đôi khi có thể rất nhỏ nên phụ huynh sẽ không nhận thấy. Tuy nhiên, đối với em bé với hơn 9 tháng đã quen với việc sống trong bụng mẹ, những thay đổi dù là nhỏ nhất cũng có thể gợi lên phản xạ giật mình này.
Nếu tình trạng này ít hơn bình thường thì có phải là nghiêm trọng?
Thực tế, phản xạ trẻ sơ sinh bị giật chân tay khi ngủ thực sự tốt cho sức khỏe, vì nó cho thấy hệ thần kinh của bé đang phát triển đúng cách.
Tuy nhiên, đôi khi bé hay giật mình khi ngủ ít hơn mọi khi cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng, ba mẹ không nên cố tình làm trẻ ngủ giật mình để kiểm tra xem con liệu có đang ổn.
Nhưng nếu bé hoàn toàn không giật mình thì có thể là dấu hiệu của các vấn đề về não, tủy sống, hoặc thậm chí cả hai. Vì phản xạ là một dấu hiệu tượng trưng của một hệ thống thần kinh lớn trong cơ thể. Lúc này ba mẹ nên thông báo và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Có nên quấn kén để con ngủ êm? Làm sao để chấm dứt tình trạng này? Theo bác sĩ Nam, để hạn chế tình trạng vặn mình, giúp trẻ có giấc ngủ sâu, bạn cần cho trẻ môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh, nhiệt độ phòng trung bình, cho trẻ bú vừa đủ, mặc quần áo thoải mái, thoáng mát khi ngủ, thay tã thường xuyên. Bạn không nên quấn bé quá chặt vì có thể khiến bé không thoải mái và quấy khóc nhiều hơn. Bạn cũng nên tắm nắng cho trẻ vào mỗi sáng để bổ sung vitamin D cần thiết. Khi thấy trẻ vặn mình nhiều đi kèm các dấu hiệu như quấy khóc, co cứng, vàng da,… bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và có hỗ trợ kịp thời.
Nhìn chung, phụ huynh có thể yên tâm và không cần phải quá lo lắng mặc dù có thể gây một chút sợ hãi khi lần đầu chứng kiến. Nhưng vẫn phải nên quan sát con yêu từng chút một để dễ dàng nhận thấy những bất thường khác ở trẻ nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!