Trẻ ngủ ngáy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân phổ thông mà ba mẹ không cần lo lắng. Tuy nhiên nếu tình trạng ngáy kéo dài thậm chí diễn ra tình trạng ngưng thở khi ngủ thì ba mẹ nên đưa trẻ đi điều trị.
- Trẻ ngủ ngáy có đáng lo không?
- Ảnh hưởng của ngủ ngáy bệnh lý đến trẻ em
- Cách điều trị ngáy ngủ ở trẻ
Trẻ ngủ ngáy có đáng lo không?
Ngáy là hiện tượng phổ biến ở cả người lớn lẫn trẻ em. Ngáy được chia thành 2 dạng là ngáy sinh lý và ngáy bệnh lý. Trong trường hợp trẻ ngáy ngủ sinh lý, đặc biệt khi trẻ mới sinh ngủ ngáy, thì không đáng lo vì nguyên nhân thường do gỉ mũi, khoang mũi và đường thở của bé khi mới sinh còn nhỏ, hẹp. Điều này dễ dẫn đến sự ma sát không khí gây ra ngủ ngáy. Khi trẻ lớn dần, đường thở và các bộ phận hô hấp khác lớn hơn thì hiện tượng ngáy ngủ sẽ biến mất.
Trẻ sơ sinh ngáy vì đường hô hấp khi mới sinh còn hẹp (Nguồn: Freepik)
Tuy nhiên nếu trường hợp trẻ từ 3 – 10 tuổi mà vẫn ngủ ngáy, tiếng ngáy to và thường ngáy trung bình 3 ngày trong tuần, thậm chí xảy ra tình trạng ngưng thở khi ngủ thì khả năng cao là trẻ bị chứng ngủ ngáy bệnh lý. Khi thấy trẻ ngáy mà có những biểu hiện sau ba mẹ cần đưa trẻ đi khám để không dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.
– Trẻ ngáy to, thở hổn hển, khụt khịt hít mạnh.
– Trẻ tè dầm mà không giải thích được nguyên nhân.
– Trẻ có những thay đổi cả về tâm lý lẫn hành vi như tâm trạng bất ổn, dễ kích động, cáu gắt, hay buồn ngủ vào ban ngày, kết quả học tập giảm sút.
Xem thêm:
4 nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngáp nhiều nhưng không ngủ
Ảnh hưởng của ngủ ngáy bệnh lý đến trẻ em
1. Những nguyên nhân khiến trẻ ngáy
Những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ hay ngáy ngủ có thể kể đến như:
– Viêm amidan, viêm VA (Viêm tế bào bạch cầu vòmg họng)
– Hạch to vùng họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên
– Nghẹt mũi do viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, cảm cúm
– Dị dạng lệch vách ngăn, polyp mũi
– Trẻ thừa cân, trẻ sống trong nhà có người hút thuốc lá
Người nhà hay hút thuốc cũng là nguyên nhân khiến trẻ khó thở và ngáy (Nguồn: Freepik)
– Bất thường trên khuôn mặt như sức vòm miệng, cằm ngắn.
– Trẻ nhỏ đường thở hẹp có thể gây ngủ ngáy sinh lý
2. Ảnh hưởng của việc ngủ ngáy
Ngủ ngáy bệnh lý thường có kèm theo rối loạn thở hay thậm chí là ngừng thở ở trẻ. Cụ thể, chứng rối loạn thở khi ngủ (SDB) là tình trạng khó thở trong suốt thời gian ngủ, còn ngưng thở khi ngủ (OSA) là việc lặp đi lặp lại sự tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn đường thở.
Chứng rối loạn thở khi ngủ và ngưng thở khi ngủ có thể gây những ảnh hưởng tới trẻ như:
– Trẻ ngủ thiếu giấc nên thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi dẫn đến kém tập trung và giảm khả năng học tập hay sinh hoạt khác.
– Rối loạn thở khi ngủ có thể làm tăng sản xuất nước tiểu vào ban đêm, từ đó dẫn đến việc trẻ hay đái dầm.
– Trẻ thiếu ngủ sẽ làm giảm sản xuất hormone tăng trưởng, khiến trẻ chậm phát triển cơ thể.
– Chứng rối loạn thở có thể làm tăng việc đề kháng với insulin, mặc khác do thể trạng luôn mệt mỏi nên trẻ sẽ giảm tần suất hoạt động thể chất dẫn đến tình trạng béo phì
– Việc khó thở cũng làm tăng nguy cơ bệnh tăng huyết áp, rối loạn tim mạch và các bệnh lý ở phổi khác.
– Khi thở khó, sẽ thiếu nguồn oxy cung cấp cho máu cũng như cho não dẫn đến giảm khả năng tập trung trong mọi việc.
Xem thêm:
Bệnh ngủ ngáy có nguy hiểm không? Làm sao để chữa bệnh ngủ ngáy ở trẻ em?
Cách điều trị ngáy ở trẻ
Nguyên nhân phổ biến nhất của ngáy là do viêm VA, viêm amidan dẫn đến phì đại VA và amidan gây cản trở đường thở của trẻ. Cách điều trị thường được cân nhắc là nạo VA hay cắt amidan. Ngoài ra, các biện pháp sau được đề nghị bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh – Bác sĩ Nhi khoa – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, ba mẹ có thể cân nhắc thực hiện tại nhà:
– Tập giảm cân cho trẻ có tình trạng thừa cân, béo phì.
– Để trẻ tránh xa khói thuốc, tốt nhất là người lớn không nên hút thuốc khi có trẻ ở nhà.
– Tăng độ ẩm trong phòng bằng máy tạo ẩm giúp bé dễ thở hơn khi ngủ.
– Nhỏ nước muối sinh lý để bé thông thoáng khoang mũi trước khi đi ngủ.
– Hướng dẫn và tập cho trẻ ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa.
Tập cho trẻ ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa (Nguồn: Freepik)
– Thường xuyên dọn dẹp chăn ga gối thường xuyên, tránh tác nhân gây dị ứng cho bé
Trẻ ngáy xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Khi thấy trẻ ngáy mà kèm theo các dấu hiệu bất thường thì ba mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám. Ngoài ra nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt nên bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng cho trẻ.
Nguồn thông tin: Trẻ ngủ ngáy: Khi nào thì đáng lo? – Bệnh viên Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!