Trẻ mấy tháng tuổi thì cho ăn nước mắm là an toàn với hệ tiêu hoá non nớt của trẻ? Nước mắm là gia vị phổ biến trong mỗi bữa ăn của gia đình Việt, giúp cho món ăn thêm đậm đà thơm ngon. Trong nước mắm có một lượng muối nhất định và hàm lượng sắt, canxi đáng kể. Mẹ có thể nêm thức ăn của trẻ bằng nước mắm thay vì dùng muối hay hạt nêm. Tuy nhiên, bố mẹ cần tìm hiểu các lưu ý quan trọng khi bổ sung thứ gia vị này trong khẩu phần ăn của bé nhé!
Trẻ mấy tháng tuổi thì cho ăn nước mắm?
Những tháng đầu sau sinh, trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn. Đến tháng thứ 6, mẹ có thể cho bé tập ăn dặm. Tuy nhiên, trong giai đoạn này mẹ không nên nêm bất kỳ loại gia vị nào trong bữa ăn dặm của bé. Từ tháng thứ 8 trở đi, bên cạnh sữa mẹ và sữa công thức, cơ thể bé cần nhiều dưỡng chất hơn. Do đó, bạn có thể bắt đầu sử dụng các loại bột cho bé.
Nếu chọn lựa sử dụng các sản phẩm bột ăn liền đã nêm sẵn, mẹ không cần thêm nước mắm. Bởi vì trong các sản phẩm này đã có một lượng muối nhất định. Nếu cho bé ăn bột gạo xay hoặc cháo loãng, bạn có thể nêm một ít nước mắm vào bữa ăn của bé để đảm bảo cung cấp đủ lượng i-ốt cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Đối với các bé từ 12 tháng đến 24 tháng tuổi, bé có thể ăn cơm nát hoặc cháo đặc, kèm theo thịt, cá, rau, 1 giọt dầu ăn và ½ đến 1 thìa nước mắm. Đây là lượng gia vị vừa đủ để đảm bảo sự phát triển thận của bé yêu.
Liều lượng và cách dùng nước mắm cho bé như thế nào là hợp lý?
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn chỉ nêm vào bột (hoặc cháo) vài giọt cỡ ⅓ thìa nước mắm. Ở các tháng tiếp theo, bạn nên cho khoảng ½ đến 1 thìa cà phê nước mắm vào bột (hoặc cháo). Bên cạnh đó, lượng nước mắm còn tùy thuộc khẩu phần ăn của trẻ trong ngày.
Nêm nước mắm sai cách sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Với liều lượng vượt mức cho phép, bé có thể có nguy cơ mắc bệnh hư thận, rối loạn nhịp tim, huyết áp cao. Vì vậy, mẹ nên sử dụng nước nắm và các gia vị khác theo đúng độ tuổi để tránh gây quá tải các cơ quan nội tạng.
Cách lựa chọn nước mắm ngon cho bé
Hiện nay, có rất nhiều thương hiệu nước mắm cho trẻ ăn dặm trên thị trường. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý để chọn được nhãn hiệu an toàn cho con yêu theo các tiêu chí sau:
- Độ đạm: Nước mắm ngon thường sẽ có độ đạm cao. Mẹ có thể tham khảo thông tin trên bao bì để lựa chọn sản phẩm nước mắm ngon cho bé.
- Màu sắc: Mẹ hãy dốc ngược chai mắm lên. Nếu nước mắm có màu cánh gián hoặc màu vàng nhạt không bị vẩn đục, hay có cặn dưới đáy chứng tỏ nước mắm ngon. Mẹ không nên mua nếu nước mắm có màu lạ như xanh xám nhé.
- Mùi vị: Mẹ có thể nếm nước mắm trước khi cho vào thức ăn. Nếu nước mắm có vị nhạt, có mùi thơm thì phù hợp vì độ mặn thấp. Nếu nước mắm vị mặn chát đầu lưỡi và có mùi gắt, mẹ đừng dùng cho bé ăn dặm nhé.
Cách nấu bột ăn dặm với nước mắm
Các thực phẩm tươi sống như cá, thịt… cần được nghiền nát hoặc băm nhuyễn rồi pha với nước sôi để nguội. Tiếp theo đó, mẹ nấu bột, hòa tan với nước và khuấy đến khi bột chín.
Cho tiếp rau củ, đậy nắp và tiếp tục nấu cho đến khi sôi trở lại. Tắt bếp và cho thêm nước mắm và dầu ngay. Nếu muốn thêm trứng gà, mẹ có thể đánh trứng với rau cho tan đều rồi cho vào sau khi bột chín.
Một số lưu ý khác cho mẹ khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ
- Chế biến đồ ăn dặm bổ sung mắm, muối cho trẻ 1 -2 tuổi chỉ nên cho rất ít. Nếu tính cả lượng muối trong nước mắm, hạt nêm, thực phẩm thì chỉ khống chế trong khoảng 2,3 gram/ngày.
- Khi bạn nếm đồ ăn dặm của trẻ thấy vừa miệng của mình có nghĩa là sẽ mặn hơn so với trẻ. Do đó, bạn nêm lượng mắm, muối vừa phải. Ăn thấy nhạt một chút là vừa cho trẻ.
- Bạn có thể dùng phô mai để thay thế cho nước mắm hoặc muối. Nên cho phô mai vào sau khi cho dầu ăn. Như vậy, đồ ăn của trẻ cũng sẽ thơm, ngon và không quá nhạt.
Mẹ đã nắm rõ trẻ mấy tháng tuổi thì cho ăn nước mắm và các lưu ý quan trọng chưa? Hy vọng rằng với những kinh nghiệm ở trên, mẹ sẽ có thêm kiến thức chọn lựa và sử dụng nước mắm an toàn cho bé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của The Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!