Khóc đêm hay khóc dạ đề là tình trạng quấy khóc không rõ nguyên nhân, thường gặp ở hầu hết trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi trẻ khóc đêm dữ dội, kéo dài liên tục nhiều giờ thì đó rất có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm mà mẹ cần đặc biệt lưu ý như bệnh lồng ruột, còi xương,…
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Hiện tượng quấy khóc về đêm
Quấy khóc về đêm (thường được gọi là chứng “khóc dạ đề”) là hiện tượng xảy ra rất phổ biến ở các bé dưới 6 tháng tuổi. Bé thường bị khó ngủ, bị giật mình, thậm chí bé có thể khóc thét cả đêm chỉ vì một tiếng động nhỏ.
Thông thường, bé sẽ khóc nhiều và dữ dội vào một số thời điểm cố định trong ngày, nhất là buổi chiều, tối và ban đêm. Khi đó, tiếng khóc của bé rất lớn, liên tục, thường có biểu hiện co chân vào người, co bụng lại và nắm chặt hai bàn tay. Một số trường hợp bé còn bị trớ, xì hơi, mặt đỏ lên và rất khó dỗ nín.
Đa số các bé khi khóc dạ đề sẽ khóc theo từng đợt, lúc khóc lúc ngừng, số khác khóc suốt cả đêm đến khi trời sáng thì ngừng và bắt đầu vào giấc ngủ.
Nguyên nhân trẻ khóc đêm dữ dội
Biểu hiện sinh lý
- Không khí quá nóng hoặc quá lạnh: Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi không khí quá nóng hoặc quá lạnh, bé sẽ khó chịu và quấy khóc để mẹ chú ý.
- Bé bị mơ ngủ, giật mình: Một số bé do nằm mơ mà có thể khóc rất to. Bên cạnh đó, khi chưa vào sâu giấc ngủ, bé rất dễ bị giật mình bởi những tiếng động xung quanh và bắt đầu khóc dữ dội.
- Mọc răng: Bé bị ngứa, đau nhức, nóng sốt nên quấy khóc.
- Bé khát hoặc đói: Vì chỉ uống sữa mẹ nên các bé ở giai đoạn dưới 6 tháng tuổi thường rất dễ đói. Khóc to lên giữa đêm chính biểu hiện đòi ăn, chỉ cần được cho bú no thì bé sẽ ngủ tiếp.
- Nghẹt mũi: Những ngày thời tiết hanh khô bé thường rất dễ bị nghẹt mũi nên phải hít thở bằng miệng. Điều này sẽ khiến cho cổ họng bé bị khô dẫn đến quấy khóc do khó chịu.
- Tè dầm: Khóc đêm có thể là cách để bé thông báo với mẹ là mình đang bị ngứa ngáy khó chịu sau khi tè dầm.
Dấu hiệu bệnh lý
Bên cạnh những biểu hiện sinh lý thông thường, trẻ khóc đêm còn có thể là diệu hiệu bé đang gặp những vấn đề về sức khỏe như:
- Bị còi xương: Dấu hiệu ban đầu của bệnh còi xương do thiếu Vitamin D3 chính là đổ mồ hôi trộm về đêm, thần kinh dễ bị kích thích nên bé ngủ rất hay giật mình và thường xuyên khóc đêm. Đồng thời, bé còn có các biểu hiện khác như bụng to ra, da xanh, cơ mềm, chậm vận động, chậm mọc răng hay men răng xấu,…
- Bị lồng ruột: Lồng ruột là chứng bệnh hay xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi vào mùa lạnh. Khi bị lồng ruột, bé thường sẽ khóc từng cơn, đau bụng dữ dội, nôn ra thức ăn, sau đó là dịch vàng, đi phân ra máu.
- Rối loạn tiêu hóa: Bé có thể khóc rất nhiều và không thể dỗ khi bị đầy hơi, chướng hay đau quặn bụng. Nếu sau khi ăn bé có biểu hiện khó chịu, cáu kỉnh, bụng chướng lên thì có thể bé đang gặp vấn đề về đường tiêu hóa.
- Bị giun hoặc viêm ruột cấp: Khi trẻ khóc đêm dữ dội nhưng đều đều, không nhanh không chậm, sắc mặt trở nên trắng bợt, nôn mửa, vã mồ hôi, sờ vào bụng sẽ khóc to hơn thì đó chính là dấu hiệu trẻ đang bị giun hay viêm ruột cấp, bố mẹ cần đưa đến bác sĩ ngay lập tức.
- Viêm tai giữa: Nếu bé khóc dữ dội kèm theo các hành động vò đầu, bức tóc, khi bố mẹ chạm vào tai bé càng khóc to hơn, thì có thể bé đã bị viêm tai giữa.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Trẻ hay khóc đêm là tình trạng sinh lí hay gặp ở trẻ nhỏ. Hiện tượng này thường giảm dần sau 3 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, việc trẻ khóc là dấu hiệu cho thấy sự phát triển và thích nghi của trẻ trong những tháng đầu sau khi sinh với môi trường ngoài bụng mẹ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ hay khóc đêm có thể do những thay đổi về thể chất và môi trường, cơ thể trẻ khó chịu nhưng không thể nhận thức được như trẻ đói bụng, trẻ lạnh hoặc nóng, trẻ mệt mỏi do ban ngày phải thường xuyên vận động. Trẻ cũng có thể khóc đêm do những yếu tố về tinh thần như gặp ác mộng, giật mình sợ hãi khi thức giấc vào ban đêm. Không những vậy, việc trẻ hay khóc đêm còn có thể là nguyên nhân của một số bệnh lí như đầy bụng, khó tiêu, co thắt vùng bụng,…
Tác hại của việc khóc về đêm
Ảnh hưởng đến sức khỏe của bé
- Suy giảm khả năng nhận thức: Khóc quá nhiều và thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng não bé trở nên yếu ớt, làm giảm khả năng học hỏi và xử lý các tình huống.
- Dẫn đến những hành vi bất thường: khó tập trung, hay cáu kỉnh, lo âu,…
- Chậm lớn, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng do suy giảm hormone tăng trưởng.
- Tăng nguy cơ đột tử: khóc nhiều có thể khiến trẻ bị ức chế hô hấp, ngừng thở, có nguy cơ đột tử.
Ảnh hưởng đến người chăm sóc
- Bé quấy khóc vào ban đêm sẽ khiến bố mẹ bị mất ngủ theo, dẫn đến mệt mỏi, dễ cáu gắt, ảnh hưởng xấu đến công việc cũng như đời sống gia đình. Đặc biệt, mẹ có thể gặp tình trạng trầm cảm sau sinh.
- Do thức đêm thường xuyên và bị stress nên sức khỏe của mẹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó nguồn sữa cho bé cũng không còn đảm bảo dinh dưỡng.
Cần làm gì khi trẻ khóc đêm dữ dội?
Bác sĩ Nam cho biết: Khi thấy trẻ khóc đêm, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể khắc phục như trẻ có đang lạnh hoặc nóng không, tã trẻ có ướt không, ôm trẻ vào dỗ dành để tạo cảm giác an toàn. Cha mẹ không nên cho trẻ bú quá no trước lúc ngủ, tránh tạo tiếng ồn khiến trẻ thức giấc. Nếu trẻ khóc đêm dữ dội, co chân vào bụng, trẻ khóc ngày một nhiều hơn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí phù hợp.
Xoa dịu bé
- Massage: Mẹ hãy xoa vào lòng bàn tay, bàn chân, lưng, ngực, bụng cho bé để giúp bé được thoải mái và máu được lưu thông tốt hơn.
- Di chuyển bé nhẹ nhàng: Trẻ sơ sinh rất thích được đu đưa, di chuyển nhẹ nhàng giống như khi còn trong bụng mẹ.
- Ôm ấp, an ủi: Bố mẹ hãy thật bình tĩnh, nhẹ nhàng âu yếm, vỗ về, ôm con vào lòng giúp con cảm thấy an toàn và được che chở.
- Tạo môi trường như trong bụng mẹ: Điều chỉnh ánh sáng ở mức thấp, không gian ngủ được cách âm, đảm bảo nhiệt độ phòng ổn định,… cũng là những giải pháp giúp bé ngủ ngon, ít quấy khóc.
Kiểm tra và điều trị kịp thời
Bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ ngay trong trường hợp bé quấy khóc kèm theo các triệu chứng như:
- Giảm cân, da xanh xao, vàng vọt.
- Sốt trên 38 độ.
- Bé không chịu ăn uống, nôn trớ nhiều, tiêu chảy, phân có máu.
- Quấy khóc cả ngày dù đã trên 4 tháng tuổi.
Ngoài ra, việc được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ các chất cần thiết như Canxi nano, Vitamin D3, DHA, MK7, FOS,… cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng trẻ khóc đêm dữ dội, giúp trẻ có giấc ngủ ngon và một sức khỏe tốt hơn.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!