Trẻ khóc dạ đề là tình trạng không phải em bé nào cũng gặp. Bé khóc nhiều có thể khiến bố mẹ hoảng loạn và có những hành động mất kiểm soát. Vì thế, ngoài tìm cách dỗ em bé, bố mẹ cũng cần hiểu rõ về khóc dạ đề để không hoảng loạn và làm tổn thương em bé.
Nguyên nhân trẻ khóc dạ đề
Điều gì khiến bé khóc dạ đề? Tại sao có em bé gặp hội chứng này nhưng bé khác thì không? Đây vẫn là những câu hỏi bí ẩn. Một số bác sĩ xem nó như một giai đoạn phát triển tự nhiên mà em bé trải qua. Đây là lúc bé điều chỉnh cảm giác và trải nghiệm bên ngoài tử cung.
Có bác sĩ còn gọi đây là kỳ tam cá nguyệt thứ tư. Có bác sĩ lại cho rằng nguyên nhân là do mất cân bằng vi khuẩn trong ruột.
Một giả thuyết khác cho rằng khóc dạ đề bắt nguồn từ sự mất cân bằng của hóa chất não melatonin và serotonin. Những em bé khóc dạ đề có nhiều serotonin hơn. Trẻ sơ sinh gặp hội chứng này có thể quấy khóc nhiều hơn vào ban đêm là do mức serotonin đạt đỉnh vào buổi tối.
Sự mất cân bằng này, theo lý thuyết, sẽ tự nhiên biến mất khi em bé bắt đầu tạo ra melatonin. Em bé nhận được melatonin dồi dào từ mẹ trong tử cung. Nhưng mức độ melatonin giảm dần cho đến khi bé tự sản xuất được vào tháng thứ 3 hoặc thứ 4.
Khóc dạ đề ảnh hưởng đến em bé và gia đình như thế nào?
Bản thân khóc dạ đề không gây tác hại gì cho em bé và gia đình. Tuy nhiên, với những người mới làm bố mẹ, khóc dạ đề gây ra áp lực to lớn. Khóc quá nhiều cũng khiến mẹ không thể cho bé bú, trầm cảm sau sinh. Thậm chí bố mẹ hoảng loạn có thể khiến bé gặp hội chứng em bé bị lắc (shaken-baby syndrome).
Bạn cần nhớ rằng khóc dạ đề chỉ là tình trạng tạm thời. Nếu sau 4 tháng mà em bé vẫn khóc thường xuyên thì có thể bé có bệnh tiềm ẩn. Ví dụ như trào ngược, dị ứng, thoát vị hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tin tốt là bạn không làm gì sai khiến em bé khóc lóc như thế ở 3 đến 4 tháng đầu đời. Tin xấu là bạn không thể làm gì khác ngoài chờ đợi qua tháng thứ 4.
Phương pháp làm dịu em bé khóc dạ đề
Dưới đây là một số kỹ thuật có thể làm dịu em bé trong 3 đến 4 tháng khóc dạ đề. Có kỹ thuật hiệu quả với bé này nhưng không hiệu quả với bé khác. Nhưng cũng có bé lúc thì có phản ứng, lúc thì vẫn khóc không ngừng.
Nguyên tắc của phương pháp dỗ em bé là bắt chước cuộc sống trong tử cung. 5 phương pháp đó bao gồm: quấn em bé, tạo tiếng shu shu bên tai em bé, lắc em bé, cho em bé ngậm vú giả, đặt em bé nằm nghiêng hoặc sấp trên cẳng tay bố mẹ.
5 phương pháp này sẽ có hiệu quả tốt nhất khi bạn áp dụng chúng đồng thời. Nhưng chúng vẫn sẽ có hiệu quả nếu bạn thực hiện từng việc đơn lẻ, tùy theo mỗi em bé.
Bạn có thể thử mọi phương pháp khác với nguyên tắc chung: quấn chặt em bé, tạo tiếng ồn. Bạn có thể cho bé nghe những bản nhạc êm dịu chẳng hạn.
Những cách giúp bố mẹ bình tĩnh khi em bé khóc dạ đề
Đừng ngại nghỉ ngơi
Những người mới làm mẹ thường cảm thấy tội lỗi vì muốn nghỉ ngơi khi đang chăm con. Tuy nhiên, dành vài phút làm việc riêng – đánh răng, tắm, gọi điện thoại cho bạn bé – là việc tốt trước khi bé khóc thét lên và bạn rối trí.
Có một sự liên hệ mật thiết giữa việc bé khóc nhiều và thương tật ở trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu với 3250 bé sơ sinh ở Hà Lan cho thấy hơn 5% bé bị đánh, tát hoặc bị rung lắc vì bố mẹ mất bình tĩnh khi em bé khóc.
Tìm sự hỗ trợ
Hãy dành ít nhất nửa giờ mỗi ngày của riêng bạn. Hãy nhờ vợ/chồng, ông bà, anh chị em, bạn bè đáng tin cậy và người giữ trẻ giúp chăm em bé. Bạn cũng nên cảnh báo trước với họ rằng em bé gặp hội chứng khóc dạ đề để họ không hoảng loạn.
Trẻ khóc dạ đề có thể khiến bố mẹ ám ảnh, lo sợ. Nếu bé không có những biểu hiện khác như sốt, nôn ói, tiêu chảy, tiêu ra máu, sình bụng, mệt lả thì bố mẹ không cần phải quá lo lắng.
Bố mẹ chỉ cần nhớ rằng đó là một giai đoạn phát triển của em bé. Hãy chuẩn bị tinh thần thật tốt cho chính mình.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!