Tình trạng trẻ ganh tị khi có em khiến nhiều mẹ phải đau đầu tìm cách giải quyết nhưng đây cũng là điều thường thấy ở các gia đình khi có em bé mới ra đời.
1. Vì sao trẻ ganh tị khi có em?
Ganh tị với em nhỏ là tình trạng phổ biến
Có nhiều lý do để bé con không thích em bé mới chào đời, nhưng chủ yếu nguyên nhân là bé đang cảm giác bị giành mất bố mẹ bởi một đứa bé khác, khiến con cảm thấy bất an và phản ứng lại sự ganh tị. Cụ thể khi có em, trẻ sẽ trải qua những cảm xúc như:
- Bất an khi vị trí của mình bị “đe doạ”. Trước khi em ra đời, trẻ đã có vài năm được hưởng trọn sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của cha mẹ. Bây giờ có em phải san sẻ tất cả những gì đang “độc quyền”, trẻ có xu hướng phản ứng lại với em bé, người đang lấy bớt tình yêu và thời gian của bố mẹ.
- Chưa sẵn sàng đón nhận người mới trong nhà. Dù là anh chị em nhưng nhiều trẻ chưa hiểu hết mối quan hệ này và chỉ thấy trong nhà bỗng dưng có thêm 1 em bé khóc quá nhiều, hay nôn ói, ồn ào không chịu ngủ khiến trẻ không vui.
- Thiếu thốn tình cảm, mặc cảm và tự ti. Thời gian mẹ dành cho em và cách mẹ quan tâm đến em nhiều có thể khiến bé thấy bị bỏ rơi và nghĩ mẹ hết thương yêu mình. Có bé còn có mặc cảm mẹ chỉ thương em mà không thương mình. Từ đó tự ti và ngầm ghen ghét đi kèm nhiều cảm xúc tiêu cực.
2. Bố mẹ nên làm gì khi trẻ ganh tị khi có em?
Giải thích với con về mối quan hệ anh chị em
Chuẩn bị tinh thần cho trẻ là cần thiết
Bố mẹ nên chuẩn bị tinh thần cho con từ trước khi em bé ra đời để con hiểu rõ sắp có em nghĩa là có thêm một người thân, sẽ cùng chơi với mình, cùng yêu thương nhau, bảo vệ nhau suốt đời. Không ngừng nhắc nhở con, mối quan hệ anh chị em, em của mình sẽ khác những đứa trẻ khác ra sao.
Cùng trẻ chăm sóc em nhỏ
Thay vì tách biệt chăm sóc 2 con, mẹ có thể làm cho trẻ có cảm giác mình được tham gia vào cùng, có ích và mẹ cần mình hơn. Tùy theo độ tuổi của con, mẹ có thể để con giúp chuẩn bị khăn tắm cho bé hoặc lấy tã cho em.
Trẻ con thích cảm giác được nhờ vả và được đối xử như người lớn vì thế bé sẽ hăng hái làm và yêu thích việc giúp mẹ chăm em. Nếu bé đủ lớn, mẹ có thể dạy bé ẵm em, dỗ em khi em khóc. Cho trẻ ẵm em bé sẽ khiến hai con trở nên thân thiết với nhau hơn. Tuy nhiên, cần nhắc con nhớ rằng chỉ được ẵm em bé khi có ba mẹ ở bên, hạn chế để con một mình với em vì trẻ có thể làm em đau khi cưng nựng.
Cảm giác được làm anh chị lớn khiến bé tự tin
Đưa trẻ cùng đi mua sắm đồ cho em
Khi có dịp ra ngoài, mẹ nên tranh thủ đưa trẻ theo cùng, con sẽ thấy mình đặc biệt và có được thời gian ở bên mẹ. Bên cạnh đó, gợi ý để con cùng chọn quần áo, đồ chơi, tã, sữa cho em sẽ khiến bé thấy mình “người lớn” hơn và đánh thức bản năng làm anh/chị trong bé. Nhìn thấy em sử dụng đồ cho chính tay mình chọn cũng sẽ tạo cảm giác tự hào cho bé thay vì ganh tị.
Khen ngợi con làm một người anh/chị tốt
Khi con giúp chọn quần áo hay lấy tã, sữa cho em, đừng quên nói cám ơn và khen con. Khơi gợi lòng tự hào và tự tin ở trẻ bằng cách khuyến khích, động viên, khen ngợi vai trò làm anh/chị của trẻ để trẻ thấy sự quan trọng của mình với bố mẹ và em bé. Ví dụ như nói với trẻ: “Con đúng là anh/chị lớn, mẹ rất tự hào về con”, “Cám ơn con, em bé thích chơi cùng với anh/chị lắm.”
Tận dụng thời gian rảnh để bên cạnh trẻ
Đừng thay đổi quá nhiều trong cách ở cạnh trẻ và dành thời gian cho trẻ. Hãy tận dụng thời gian em bé ngủ hay được ông bà chăm hộ để mẹ ở cạnh bé lớn. Mẹ có thể cùng con đọc một quyển sách, chơi trò chơi, đưa trẻ đi công viên chơi đồng thời cũng là cơ hội cho bạn vận động một chút. Cố gắng vẫn dùng những hành động âu yếm, thói quen thương yêu, cưng nựng trẻ như trước để con vẫn cảm thấy tình yêu của mẹ.
Khuyến khích con nói ra cảm xúc mình
Đừng để hình thành tâm lý tiêu cực ở trẻ
Khi ở cạnh con, đừng chỉ cố gắng bù đắp tình cảm và thời gian mà hãy lắng nghe tâm sự của con. Thông qua những cuộc chuyện trò thân mật giữa hai mẹ con, mẹ sẽ phát hiện trẻ đang cảm giác thế nào, nghĩ gì về em và có khó chịu, không vui gì không. Từ đó mẹ có thể giải thích cho trẻ nếu con đã hiểu lầm hoặc tìm cách điều chỉnh để không tạo cảm giác tiêu cực kéo dài cho con. Trò chuyện với nhau là thói quen tốt giúp mẹ luôn có thể thấu hiểu và chia sẻ cùng con cũng như tìm kiếm sự hợp tác ở trẻ.
Để hạn chế việc trẻ ganh tị khi có em đòi hỏi sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng ở cha mẹ. Chú ý tuyệt đối đừng trách mắng hay đánh con khi trẻ có hành động không đúng với em. Cảnh báo bố mẹ sẽ giận dỗi hay đe doạ sẽ không thương con nữa chỉ khiến trẻ bị tổn thương và càng khó yêu thương em mình hơn.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!