Khi mẹ có thêm em bé chắc chắn là một “bước ngoặt” bởi giờ đây con không còn là số 1, là duy nhất nữa. Tâm lý của trẻ khi có em là một trong những vấn đề quan trọng, song không phải tất cả các bố mẹ đều quan tâm đúng mực. Làm thế nào để bé biết là mẹ vẫn yêu bé như ngày nào, và mẹ cần chuẩn bị những điều gì cho con lớn tránh khỏi cú sốc khi biết mình sắp không còn là tâm điểm chú ý của cả nhà nữa.
Giúp trẻ thích nghi khi có thêm em là việc mẹ cần làm với sự khéo léo và tinh tế để không làm con bị tổn thương tâm lý
Tâm lý của trẻ khi có em là một trong những vấn đề quan trọng, song không phải tất cả các bố mẹ đều quan tâm đúng mực. Bất cứ ở thời điểm nào trong độ tuổi của trẻ, khi có em chắc chắn là một “bước ngoặt” bởi giờ đây con không còn là số 1, là duy nhất nữa.
Tùy vào từng trẻ, sự thay đổi của trẻ có thể ở nhiều mức độ khác nhau, có trẻ trở nên hoang mang, có trẻ trở nên lầm lì bớt hoạt bát, có trẻ cáu bẳn, và nghiêm trọng hơn, có trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng nhất thời đến tình trạng của trẻ cụ thể như bị sốc, mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ. Thậm chí, sự ảnh hưởng đó còn là một ký ức không đẹp, theo con đến tận khi trưởng thành.
Bất cứ ở thời điểm nào trong độ tuổi của trẻ, khi có em chắc chắn là một “bước ngoặt” bởi giờ đây con không còn là số 1, là duy nhất nữa
Mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi em bé mới chào đời bằng cách thông báo về việc sắp có em, sắp có người để chơi, người làm bạn… Nói cho trẻ hiểu về em bé, em còn nhỏ nên cần được chăm sóc nhiều để mau lớn, để em ngoan như con. Có như vậy mẹ đã có thể giải quyết một phần rắc rối và tránh những trận đại chiến không đáng có trong tương lai gần.
Những việc mẹ cần làm để kịp thời giúp con thích nghi khi mẹ có thêm em bé và không bị xáo trộn tâm lý:
– Lựa chọn thời điểm để nói chuyện với bé lớn về việc mẹ đang mang thai – tức là có thêm em bé, nhưng không nên nói quá sớm. Lí do là trẻ còn chưa thực sự hiểu khái niệm về thời gian, vì vậy hãy đợi cho đến khi bụng mẹ thực sự to, dễ nhìn thấy thì hãy giải thích một cách dễ hiểu nhất cho bé về việc mẹ sắp sinh thêm em. Hãy dùng khái niệm đơn giản và trẻ dễ hiểu như đến gần Tết mẹ sẽ sinh em, thay vì nói tháng 1 hay tháng 2.
– Cho trẻ tiếp xúc với những em bé sơ sinh khác, lập cho trẻ thời gian biểu cố định để đến thăm hoặc cùng chơi với em bé của bạn mẹ hoặc người thân trong gia đình. Đây sẽ là dịp để trẻ làm quen với sự có mặt của em, học cách chia sẻ đồ chơi và chờ đến lượt.
Cho trẻ gặp gỡ, tiếp xúc với những em bé sơ sinh khác để trẻ làm quen với sự có mặt của em, học cách chia sẻ đồ chơi
– Đọc sách, cho trẻ xem những hình ảnh về em bé sơ sinh, đồ dùng mà em bé sẽ cần. Sự tiếp xúc sớm này cũng giúp mẹ nhàn hơn sau này khi sinh xong, rất có thể con lớn sẽ là trợ thủ đắc lực cho mẹ trong việc trông nom và chăm sóc em nhỏ.
– Cho trẻ xem ảnh, video khi trẻ còn nhỏ, đưa ra các câu hỏi gợi ý chẳng hạn như: Sau này em con sẽ như thế nào nhỉ? – và giải thích việc làm sắp tới cho trẻ hiểu: Em bé sẽ khóc nhiều, và mẹ sẽ phải bế em, giống như mẹ đã bế con như hồi con còn bé xíu.
– Mặc dù nhà có thêm em bé nhưng mẹ đừng quên dành thật nhiều thời gian cho trẻ mỗi khi có thể. Chuyện trò, an ủi, động viên và giải thích cho trẻ hiểu sẽ giúp trẻ không còn bỡ ngỡ, không còn cảm giác ghét em nhỏ nữa. Hãy nói cho trẻ hiểu mẹ vẫn yêu thương con trước đây, bây giờ và cả sau này. Điều này giúp bé thêm vững tin và hạn chế sự ghen tị với em nhỏ sau này.
– Cho bé được sờ bụng mẹ, cảm nhận những cú đạp, gồng mình của em bé trong bụng. Khuyến khích và tạo cơ hội cho bé đọc sách, hát, nói chuyện với em bé ngay cả trước khi em chào đời.
– Đưa trẻ cùng đi mua sắm, chọn đồ cho em bé. Trẻ sẽ cảm thấy mình đang ở vị trí làm anh, làm chị và sẽ có trách nhiệm hơn em bé.
– Nhờ trẻ giúp trang trí phòng cho em bé sắp ra đời, trẻ cũng có thể giúp mẹ sắp xếp đồ dùng như bồn tắm cho em, đồ chơi mà em có thể dùng được.
Sự chuẩn bị kĩ càng sẽ giúp trẻ dần quen với sự có mặt của em nhỏ sau này
Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý một số điều không nên nói hoặc ép trẻ như sau:
– Hỏi trẻ muốn em trai hay em gái: Đây là điều không nên nói với trẻ, vì sự thực là trẻ không có quyền và không được phép lựa chọn, trẻ dễ bị hụt hẫng nếu sự thật không như mong muốn. Mẹ hãy trung thực thông báo giới tính của em bé thay vì đưa ra câu hỏi mang tính lựa chọn không thực tế như vậy.
– Nói rằng em bé sẽ là người bạn cùng chơi với con: Trên thực tế, phải mất vài năm thì em bé mới có thể cùng chơi đùa với anh chị lớn. Trong thời gian đó, trẻ sẽ vẫn tự chơi một mình mà em chưa thể tham gia cùng.
Mẹ hãy trung thực thông báo giới tính của em bé thay vì đưa ra câu hỏi mang tính lựa chọn không thực tế
– Ép trẻ vội vàng: Khi sắp sinh, một số mẹ ép trẻ phải vội vàng hoặc cấp tốc thực hiện một số kĩ năng để tự phục vụ bản thân trong lúc mẹ không thể chăm trẻ, chẳng hạn như việc đi bô. Nhưng mẹ cần hiểu rằng việc thúc ép chỉ khiến trẻ thêm sợ hãi, mệt mỏi và càng có cái nhìn không mấy thiện cảm với em bé – tác nhân khiến trẻ phải từ bỏ thói quen cũ một cách đột ngột như vậy.
-Không phạt con: Quát mắng, trách phạt trẻ là hành động chỉ khiến trẻ thêm bức xúc, cảm giác không còn được mẹ yêu thương và chấp nhận nữa. Điều này có thể dẫn đến một loạt các hành vi sai trái khác của trẻ. Mẹ hãy bình tĩnh lắng nghe và hỏi han trẻ để tìm hiểu và có cách ứng xử phù hợp hơn. Đôi khi thứ trẻ cần chỉ là sự quan tâm,chú ý của mẹ mà thôi.
Quát mắng, trách phạt trẻ là hành động chỉ khiến trẻ thêm bức xúc, cảm giác không còn được mẹ yêu thương
– Đưa ra đề nghị khéo léo: Những câu nói kiểu như: ‘Về thôi con, đến giờ ngủ trưa của em bé rồi’ sẽ vô tình khiến trẻ bị tổn thương vì dường như mẹ chỉ quan tấm đến nhu cầu và lịch trình của em bé. Thay vào đó, mẹ hãy nói: ‘Lúc em ngủ trưa thì mẹ và con có thể cùng nhau đọc sách mới mượn ở thư viện; Sau khi em ngủ dậy, mẹ con mình có thể đi chơi’.
Nguồn afamily.vn
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!