Dạy con biết yêu em, đặc biệt là các bé đang trong tập chập chững, mẫu giáo khi phải tiếp nhận thêm một thành viên đúng thời điểm con vẫn đang là trung tâm của sự chú ý. Một nhiệm vụ khó khăn với mọi ông bố bà mẹ nhưng không phải là “bất khả thi”.
Dạy con biết yêu em bé – Mẹ chuẩn bị sinh thêm đã sẵn sàng cho bước tâm lý quan trọng này cho trẻ?
Phần lớn các ông bố bà mẹ đều lựa chọn sinh thêm con khi bé lớn đang bước vào tuổi mẫu giáo 3-5. Lý do rất đơn giản vì trẻ ở tuổi này đã có thể tự mình làm được nhiều việc. Từ chuyện ăn uống, giấc ngủ, khả năng tự chơi của con đều đạt được những kĩ năng nhất định qua việc rèn luyện trong 3 năm đầu đời. Lúc này đây, việc có thêm một em bé nữa dường như là mốc “quá ư hợp lý” với một khoảng cách vừa đủ và khả năng chăm 2 con cũng tốt hơn (tập trung cho bé nhỏ và có thể“thả” bé lớn”).
Có điều, nếu mọi việc đơn giản như vậy thì đã không có cảnh nhiều bố mẹ phải dở khóc dở cười hay thậm chí là lo lắng vì ngay khi em bé chào đời cũng là lúc bé lớn thay đổi tình nết một cách đáng lo ngại. Từ một em bé ngoan, con trở nên lì lợm hơn, hay quấy khóc, bướng bỉnh, ăn vạ và thậm chí là gây sự với bé sơ sinh còn yếu ớt mới chào đời.
Dường như mọi việc sẽ ở ngoài tầm kiểm soát của các ông bố bà mẹ nếu không mau chóng tìm ra giải pháp dung hòa, giúp bé lớn thích nghi với việc mình không còn là trung tâm của gia đình và biết yêu thương, giúp bố mẹ chăm sóc bé nhỏ như một phần trách nhiệm lớn lao đầu tiên con cần đạt được.
Trước tiên bố mẹ cần hiểu được phát triển tâm lý và thể chất của bé trong độ tuổi mẫu giáo
Bước vào độ tuổi mẫu giáo cũng là lúc các con sẽ có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, cụ thể như:
Đặc điểm phát triển thể chất đặc trưng ở độ tuổi này của bé là con đã có khả năng điều khiển tốt các chuyển động của cơ thể, từ đi, đứng, chạy nhảy đều đã rất thành thạo. Vì vậy không có gì lạ khi trẻ ở độ tuổi mầm non được xem là lứa tuổi nghịch ngợm và luôn chân luôn tay.
Tuy nhiên kĩ năng vận động tinh như việc sử dụng cơ tay, cầm bút vẫn còn chưa đủ mức dẻo dai nhưng dần dần sẽ phát triển tốt hơn khi con bước vào tuổi tiểu học.
Do đó, các hoạt động dành cho trẻ trong độ tuổi này nên thiên về hoạt động sử dụng cơ bắp, đan xen giữa trò chơi mang tính đòi hỏi sự dẻo dai đồng thời cũng luyện được độ khéo léo.
Về phát triển cảm xúc, các bé vừa có một thế giới tưởng tượng phong phú, nhận thức được điều mình muốn và yêu thích. Bắt đầu quan tâm tới sự vật, hiện tượng xung quanh. Con cũng có khả năng hòa hợp với mọi người hơn.
Nhưng có một điều bố mẹ cần lưu ý là con chưa có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt. Điển hình như con có thể chưa sẵn sàng chia sẻ món đồ chơi yêu thích hay đơn giản là chia sẻ bố mẹ của con với một em bé xa lạ mà con chưa thấy mặt bao giờ.
Dạy con biết yêu em tốt nhất chính là bố mẹ cần dành trọn tình yêu cho cả anh chị và em bé
Nuôi dạy con biết yêu em – Kĩ năng không quá khó nếu mẹ
Bé ở độ tuổi mầm non cần tình yêu thương, sự quan tâm tự bố mẹ và người thân trong gia đình một cách đặc biệt. Đặc trưng quan trọng là con chưa thực sự nhận thức được về việc chia sẻ, luôn coi mình là trung tâm và khả năng hiểu rõ về nhân quả. Khi con ít nhận được sự quan tâm bởi mẹ tập trung quá nhiều thời gian để chăm sóc em bé thì không có gì lạ nếu con nảy sinh tâm lý ghen tị với em.
Vì vậy, ngay khi chuẩn bị cho một em bé mới sắp chào đời, bố mẹ cũng nên chuẩn bị tâm lý cả cho con đầu lòng, như một bước tập dượt, giúp con dễ dàng thích nghi hơn thông qua việc:
Dạy con biết yêu em ngay từ khi mẹ còn bầu bí
Hãy để con làm quen với sự hiện diện của em bé. Nói cho con nghe rằng, trong bụng mẹ có một em bé xinh đẹp, dễ thương như con vậy. Mẹ yêu con và yêu cả em bé trong bụng mẹ nữa. Khi nào em bé chào đời, em sẽ là bạn của con.
Để bé được góp phần vào việc chăm sóc em bé ngay từ trong bụng mẹ
Nào cùng uống sữa cho em bé mau lớn, nào cùng mẹ vuốt ve để em bé được dễ chịu. Đưa con đi siêu âm cùng mẹ nếu có thể. Cho bé được nhìn thấy em bé đang lớn lên như thế nào .
Khi gần đến thời điểm sinh nở, nếu mẹ đi sắm đồ cho bé sơ sinh, mẹ đừng quên đưa bé lớn đi cùng
Nhờ con chọn đồ giúp mẹ. Dù nhỏ nhặt, nhưng mỗi giây phút con được làm cùng bố mẹ sẽ vô tình tạo nên sợi dây gắn bó giữa trẻ và em bé sắp chào đời.
Trong thời gian mẹ đi sinh và ở cữ, tốt nhất là hãy để bố hoặc người thân chăm sóc con.
Cố gắng để con được cùng bố mẹ chăm sóc bé
Như giúp mẹ thay bỉm cho em, vứt bỉm giúp mẹ, cùng mẹ tắm cho em, …
Đừng để con cảm thấy như mình bị bỏ rơi
Điều khó nhất chính là đừng để con cảm thấy như mình bị bỏ rơi. Tuyệt đối tránh những lời nói làm tổn thương con kiểu như “con ra ngoài để mẹ trông em, con ra chỗ khác chơi đi kẻo em khóc bây giờ, …”.
Để bé lớn cũng được quan tâm như bé nhỏ
Khi có khách đến thăm em bé, bố mẹ cần hết sức lưu ý để bé lớn cũng được quan tâm như bé nhỏ.
Nếu thể hiện tình yêu thương thì cần có sự công bằng giữa con lớn và con nhỏ.
Khi bé nhỏ đã lớn và có thể chơi được với anh chị, điều quan trọng nhất là bố mẹ cần công bằng những lúc các con cãi cọ tranh giành nhau. Nếu có phạt, bố mẹ cần giải thích và nêu rõ lý do vì sao lại phạt chứ không nên cứ bé lớn là phải nhường bé nhỏ.
Nuôi dạy các con tuổi gần nhau không giờ là điều đơn giản. Nhưng nếu bố mẹ nắm vững được quá trình phát triển tâm lý cũng như dành thời gian hợp lý cho các con thì chuyện anh chị em biết yêu thương nhau không còn là chuyện quá khó nữa.
Theo The Asianparent
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!