Trẻ 2 tuổi hay cáu gắt ăn vạ, thậm chí đánh mẹ là do những biến động về cảm xúc, sự ham muốn tột độ để được làm theo ý mình, lời nói không thể diễn đạt như trí não mong muốn, con thường trở nên “hư” hơn mức bình thường trong mắt bố mẹ. Đây là những nội dung bạn sẽ có được trong bài viết này:
- Khi tâm lý con trở nên phức tạp – Trẻ tuổi chập chững và những cơn khủng hoảng
- Làm thế nào khi trẻ 2 tuổi hay cáu gắt ăn vạ?
- Trẻ đánh mẹ, đánh người khác vì con không biết cách thể hiện cảm xúc – 3 bước để mẹ giúp con không còn hư
Khi tâm lý con trở nên phức tạp – Trẻ tuổi chập chững và những cơn khủng hoảng
Một trong các tình huống mà các ông bố bà mẹ có con ở tuổi 2-3 “khiếp sợ” nhất chính là, ngay khi vừa dứt lời “không, không được con ạ” thì tiếp đó là bão tố kéo đến. Nhẹ thì gào khóc, nặng thì giãy giụa, ăn vạ, và thậm chí là đánh bố mẹ, quăng quật đồ.
Ngay khi bước vào tuổi lên 2, những biến động về cảm xúc, sự ham muốn tột độ để được làm theo ý mình, lời nói không thể diễn đạt như trí não mong muốn, con thường trở nên “hư” hơn mức bình thường trong mắt bố mẹ.
Ở độ tuổi này, bé có sự giằng xé giữa cái tôi độc lập, thích làm mọi thứ với thực tế là trẻ vẫn chưa thể rời khỏi vòng tay bố mẹ. Bé vừa muốn “vượt lên chính mình”, bên cạnh đó vẫn hiểu về những giới hạn của mình.
Cơn giận ở độ tuổi 2 và 3 chính là một phần của sự phát triển tình cảm và bố mẹ cần thừa nhận thực tế là mình không thể kiểm soát tất cả cơn giận của con. Khi bé được 4 và 5 tuổi thì hành vi nổi giận, ăn vạ, đánh mẹ, vứt đồ đạc lung tung sẽ giảm dần.
Bố mẹ sẽ làm gì khi trẻ 2 tuổi hay cáu gắt ăn vạ? Chiều theo ý con? Đánh con? Quát con? Hay để mặc cho mọi thứ xoay vần mà bất lực không thể giải quyết?
Trẻ đánh mẹ, làm đau người khác, ném đồ vì con chưa biết kiểm soát cảm xúc của mình
Có thể bạn chưa biết
Các giai đoạn khủng hoảng ở trẻ – Làm thế nào đây, tôi đã thực sự hết cách rồi?
Đây có lẽ là một trong những câu hỏi thường xuyên dằn vặt bố mẹ nhất khi con bước vào tuổi này. Không phải là vấn đề ăn uống, vui chơi hay học hành mà chính là hành vi có xu hướng trở nên “hư và bạo lực” hơn của trẻ. Trẻ 2 tuổi hay cáu gắt ăn vạ khiến không ít bố mẹ khiếp sợ.
Điều đầu tiên, xin bố mẹ hãy luôn ghi nhớ rằng. Không có đứa trẻ hư, chỉ có bố mẹ chưa tìm ra bí kíp để dạy con kịp thời mà thôi.
Việc con đánh mẹ hay đánh người khác là điều không bố mẹ nào mong muốn.
Trước tiên, khi trẻ có hành vi này, xin bố mẹ hãy ghi nhớ rằng, tuyệt đối không được bỏ qua và phớt lờ mà cần phải dạy con ngay vào thời điểm đó. Dù con còn nhỏ nhưng dần dần, dạy một lần con chưa nhớ thì dạy 10 lần, 100 lần, 1000 lần. Kiên nhẫn và kiên nhẫn, đó là điều quan trọng nhất khi dạy trẻ ở lứa tuổi này.
Nếu trẻ đánh mẹ, làm đau người khác, xin mẹ hãy bình tĩnh để dạy con cách kiểm soát cảm xúc một cách tích cực
Có thể bạn chưa biết
Trẻ đánh mẹ, đánh người khác vì con không biết cách thể hiện cảm xúc – 3 bước để mẹ giúp con không còn hư
Khi con tức giận, cảm xúc bao trí toàn bộ não con và con không thể nói thành lời. Khi đó nó sẽ được bộc lộ thông qua hành động đánh như một sự giải tỏa.
Lần đầu con có hành vi đánh, mẹ hãy làm như sau:
1. Cầm tay con chặt hơn bình thường, nhìn thẳng vào mắt trẻ và dùng tông giọng trầm, nghiêm khắc nói với bé “Con không được phép đánh người khác”.
2. Sau đó hãy nói tiếp với trẻ rằng “Con có thể tức giận nhưng con không được phép đánh mẹ”. Vẫn nhìn thẳng vào mắt bé và giữ tay bé lại để con nhận thức điều mẹ đang dạy.
Trong câu nói này với con, mẹ đang giúp con hiểu được rằng:
– Con được quyền thể hiện cảm xúc tức giận. Đó không phải là điều sai trái. Con cần học cách xử lý cảm xúc của mình với sự hướng dẫn của bố mẹ. Chẳng hạn như con tức giận, con nên ngồi xuống cho bình tĩnh (bố mẹ có thể tạo một góc trong nhà, dọn sạch sẽ và để một số thứ đồ chơi con thích và gọi đó là góc bình tĩnh. Khi con giận dữ và có hành vi tiêu cực, hãy đưa con ra góc đó).
– Nhưng tức giận rồi đánh người khác. Đó là điều con không được phép.
Mẹ cần giải thích quy tắc này rõ ràng ngay từ lần đầu tiên.
Nếu giải thích rồi con vẫn không hiểu, vẫn tiếp tục làm thì xin bố mẹ hãy cứ bình tĩnh và thực hiện tiếp như sau.
3. Ôm chặt lấy trẻ để con không thể đánh được nữa rồi nhắc lại “Con tức giận, mẹ hiểu nhưng con không được phép đánh người khác”. Giọng nói cần nghiêm khắc để trẻ nhận thức được điều mình đang làm.
Đợi đến khi con thực sự trấn tĩnh lại được thì lúc đó mới giải thích rõ ràng vì sao con không làm thế và hướng dẫn con giải quyết vấn đề bằng cách tích cực. Chẳng hạn mẹ có thể hỏi, con tức giận à? Vì sao con tức giận? Vậy mẹ có thể giúp gì con?
Lặp lại 3 bước này mỗi khi con có hành vi xấu như đánh mẹ, đánh trẻ khác hay ném đồ. Dần dần con sẽ hiểu mình cần phải kiểm soát cảm xúc như thế nào mà không làm đau người khác.
Bố mẹ cũng đừng quên làm gương cho trẻ trong chính cuộc sống hàng ngày. Không có lời nói nào tốt bằng cử chỉ, không có cách dạy con nào hữu hiệu bằng cách cư xử của bố mẹ trước mặt con.
Con sẽ ngoan khi “bố mẹ cũng ngoan”, con sẽ trân trọng và yêu thương người khác khi chính bản thân bố mẹ cũng đang thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của con.
Theo theAsianparent Singapore
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!