Trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 5 trong 1 nguyên nhân do đâu và phải xử lý thế nào? Trường hợp này có nguy hiểm không? Tất cả sẽ có ngay trong bài viết sau đây, cùng đọc tiếp để tìm hiểu ba mẹ nhé!
Nội dung bài viết:
- Những điều cần biết về mũi tiêm 5 trong 1
- Vì sao trẻ bị sốt sau khi tiêm 5 trong 1?
- Cách hạ sốt sau tiêm phòng cho bé tại nhà
- Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
- Trường hợp nào nên hoãn hoặc không nên tiêm mũi 5 trong 1?
- Các phản ứng thường gặp khác sau khi tiêm 5 trong 1
Tiêm phòng 5 trong 1 là gì?
Mỗi lần tiêm phòng cho bé là mỗi lần khó khăn và nghẹt thở vì mũi tiêm sẽ làm đau con, vì vậy mũi tiêm phòng 5 trong 1 ra đời với mục đích giúp bé giảm thiểu số mũi tiêm cần thiết, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bạn có thể chưa biết:
Tất tần tật những gì mẹ cần biết về Vacxin 5 trong 1 cho trẻ
Liên tiếp 5 trẻ bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine 5 trong 1, trong đó 1 cháu đã tử vong ở tỉnh Sơn La
Vắc xin 5 trong 1 có khả năng phòng được 5 bệnh nguy hiểm gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra. Hiệu quả và tính an toàn của vắc xin này đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận. Tuy nhiên, cũng như những loại vắc xin khác, vắc xin 5 trong 1 cũng mang lại một số tác dụng phụ cho bé, trong đó có sốt. Vậy hiện tượng này có nguy hiểm không và phải làm sao để hạ sốt an toàn cho bé?
Vì sao trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 5 trong 1?
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể sau khi tiêm phòng. Phản ứng này là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể bé đối với vắc xin vừa được tiêm phòng, đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã tạo ra hệ miễn dịch vững chắc hơn, hiệu quả hơn để giúp bé phòng chống bệnh tật. Tùy thuộc vào thể trạng và cơ địa của từng bé, mức độ phản ứng của cơ thể với vắc xin sẽ khác nhau, hầu hết chỉ ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa và mức độ nặng hầu như rất hiếm gặp. Vì vậy ba mẹ không cần quá lo lắng.
Trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng mũi 5 trong 1 là do thành phần ho gà toàn tế bào ở trong vắc xin. Đây là thành phần được tinh chế từ vi khuẩn ho gà. Vi khuẩn ho gà được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường, sau đó được làm chết bằng nhiệt độ và vẫn giữ nguyên cấu trúc ban đầu. Thành phần này có thể gây ra nhiều phản ứng cho trẻ sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, các phản ứng này hầu như chỉ ở mức độ nhẹ.
Nếu mẹ lo lắng về các phản ứng phụ sau khi tiêm phòng cho con, mẹ có thể chọn vắc xin Pentaxim trong chương trình tiêm chủng dịch vụ. Vắc xin này chứa thành phần ho gà vô bào (chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn) nên ít gây phản ứng phụ sau tiêm hơn.
Hạ sốt cho trẻ tại nhà sau khi tiêm phòng như thế nào?
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh uống thuốc hạ sốt nhiều không hề tốt. Vì vậy, khi thấy con có dấu hiệu sốt, mẹ không nên vội vã cho con uống thuốc hạ sốt ngay. Hãy áp dụng những cách chăm sóc trẻ sau tiêm vacxin 5 trong 1 đơn giản tại nhà sau đây để giúp bé hạ thân nhiệt:
- Dùng khăn ấm lau người cho bé, đặc biệt là phần nách, bàn chân, bàn tay và bẹn sẽ giúp bé hạ sốt và dễ chịu hơn
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi
- Để bé nằm ở nơi thoáng mát
- Tăng cường việc cho bé bú sữa mẹ
- Cho bé uống nước nhiều để bù lại lượng nước đã mất khi sốt. Mẹ cũng có thể dùng oresol hay cháo muối loãng cho bé
- Nếu bé sốt cao, mẹ có thể dùng lát chanh chà nhẹ lên người, dọc sống lưng bé để hạ sốt cấp tốc.
Bạn có thể chưa biết:
Bé tiêm mũi 5 trong 1 lần 2 có sốt không? Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt sau tiêm mẹ cần biết
Cách hạ sốt sau tiêm chủng cho bé sơ sinh hiệu quả
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Như đã chia sẻ, sốt là phản ứng bình thường của trẻ sau khi tiêm phòng nên ba mẹ có thể chăm sóc và hạ sốt cho con tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ tiêm 5 trong 1 bị sốt và kèm theo có những biểu hiện bất thường sau đây thì ba mẹ không nên tự ý cho con uống thuốc hạ sốt mà hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay:
- Sốt cao trên 39 độ và kéo dài trên 24h vẫn không hạ
- Co giật
- Trẻ quấy khóc liên tục
- Nôn ói, bú kém, bỏ bú
- Khó thở, thở nhanh, thở rên
- Người tím tái, mệt mỏi, ngủ li bì
- Phát ban
- Các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng
Trong trường hợp nào không nên tiêm mũi 5 trong 1 cho bé?
Mũi 5 trong 1 là cần thiết cho hệ miễn dịch của bé để chống lại các bệnh tật nguy hiểm. Tuy nhiên không phải trong trường hợp nào bé cũng có thể được tiêm, 1 số trường hợp cần hoãn hoặc không tiêm mũi 5 trong 1:
- Trẻ đã có lịch sử sốt cao trên 40 độ, có biểu hiện co giật trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vacxin trước đó
- Ở các mũi tiêm trước, con khóc dai dẳng, la hét sau tiêm từ 3-48 tiếng
- Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tuần tuổi
- Bé từng bị sốc sau tiêm chủng trong các lần tiêm trước đó
Khi đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm phòng, gia đình cần hợp tác với bác sĩ, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về sức khỏe và lịch sử tiêm chủng của trẻ để việc tiêm chủng được tiến hành an toàn và hiệu quả nhất.
Các phản ứng thường gặp khác ở trẻ nhỏ sau tiêm vắc xin 5 trong 1?
Không chỉ với mũi tiêm 5 trong 1 mà bất kỳ mũi tiêm nào sau khi tiêm cũng đều sẽ để lại cho trẻ những phản ứng phụ. Ngoài hiện tượng trẻ sốt sau khi tiêm vacxin 5 trong 1, bé còn có thể gặp các phản ứng khác sau đây:
- Vết viêm bị sưng, đỏ, đau
- Trẻ tự dưng quấy khóc, khó chịu hơn bình thường.
- Ăn và ngủ kém hơn.
Đây đều là những dấu hiệu bình thường sau khi tiêm phòng nên mẹ không cần quá lo lắng. Hãy chú ý theo dõi các phản ứng của bé thật kỹ trong vòng 24h sau khi tiêm, nếu con có các biểu hiện nguy hiểm khác, hãy đưa bé đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để tìm hiểu nguyên nhân và xử lý kịp thời mẹ nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!