Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu là câu hỏi của nhiều người khi bản thân hay chính người nhà bị mắc phải hội chứng này. Xã hội ngày nay càng ngày càng có nhiều vụ tự tử vì trầm cảm, trong đó có trầm cảm sau sinh. Vậy trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu? Và chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn và phòng ngừa nó.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Để dễ hiểu, đây là tình trạng rối loạn cảm xúc tiêu cực, liên quan đến những suy nghĩ, cảm giác mệt mỏi, buồn chán và lo lắng xuất hiện sau sinh.
Nó có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên của bé, nhưng phổ biến nhất là trong 3 tuần đầu tiên sau khi sinh.
Vì sao phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh?
- Trách nhiệm nặng nề của một người mẹ trong việc chăm sóc em bé. Đặc biệt nếu là trong lần đầu tiên, mẹ muốn mọi thứ thật tốt nhưng còn nhiều điều chưa quen. Còn nếu mẹ đã có 1 hay 2 em, thì thời gian không đủ để chăm tất cả mọi người.
- Chồng ít có thời gian để giúp đỡ khiến cho người vợ cảm giác tủi thân.
- Chịu sự can thiệp y tế ngoài mong muốn sau khi sinh.
- Đối với các bạn lần đầu làm mẹ, học cách cho con bú không dễ dàng và mẹ lại dễ buồn hơn nếu bé không chịu bú.
- Những lời nhận xét tiêu cực từ bạn bè, người thân, y tá, hay kể cả người lạ. Những nhận xét liên quan đến em bé, góp ý vào cách nuôi con,… cho đến những việc cá nhân như nên đi làm hay ở nhà chăm con….
- Cảm giác như bạn không còn là chính mình nữa.
- Sự mệt mỏi đến kiệt sức ngoài khả năng tưởng tượng của bạn.
- Cho rằng mình thật yếu đuối vì không chịu đựng được sự vất vả mà những người phụ nữ xung quanh mình ai cũng dễ dàng làm được.
- Và rất nhiều lý do tiêu cực khác dễ làm người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu? Có điều trị được không?
Nếu không điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng liệu pháp, mẹ có thể dần kiểm soát được các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Những chị em phụ nữ mới sinh con nên tìm sự giúp đỡ cho chứng trầm cảm sau sinh nếu họ cảm thấy trống rỗng, buồn bã kéo dài hơn 2 tuần.
Trầm cảm sau sinh có thể điều trị được bằng thuốc, liệu pháp tinh thần và tâm lý. Nhưng quá trình này cần rất nhiều cố gắng và kiên trì của chính người bệnh cùng với người thân và bạn bé xung quanh.
Một nghiên cứu đã cho thấy rằng các triệu chứng trầm cảm sau sinh thường giảm theo thời gian. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy 38% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh trải qua các triệu chứng mãn tính và trầm cảm liên tục.
Khoảng 50% phụ nữ được điều trị tiếp tục gặp các triệu chứng trầm cảm hơn 1 năm sau khi sinh con. Còn các chị em không được điều trị lâm sàng, thì 30% trong số họ vẫn bị đến 3 năm sau khi sinh.
Diễn biến tâm lý của phụ nữ bị trầm cảm sau sinh
Baby Blues – Trạng thái khóc lóc và ủ rũ
Hội chứng baby blues bao gồm các triệu chứng như:
- Lo lắng
- Khóc lóc
- Mất ngủ
- Mệt mỏi, ủ rũ
- Buồn bã
Các triệu chứng này thường kéo dài từ 3 – 10 ngày sau khi sinh con và kết thúc trong vòng hai tuần.
Nếu những triệu chứng trên kéo dài hơn 2 tuần với những cảm xúc mãnh liệt hơn nhiều Hội chứng “baby blues” lúc này có thể đã chuyển sang hội chứng trầm cảm sau sinh.
Postpartum major depression – Trầm cảm sau sinh
Hội chứng này có xu hướng phát triển sau 3 tuần và thường có xu hướng kéo dài hơn. Trong đó, rối loạn cảm xúc (mood disorders) thể hiện rõ nét và kéo dài nhất.
Các triệu chứng tâm lý hay gặp như:
- Tâm trạng buồn bã, mệt mỏi, thiếu sinh lực, giảm hứng thú trong mọi hoạt động
- Khó khăn tập trung hoặc quyết đoán
- Thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân
- Mất ngủ hoặc ngủ nhiều
- Suy nghĩ hành động phản ứng chậm
- Cảm giác thiếu tự tin
- Trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu và có khi có ý nghĩ tự tử,…
Nếu được phát hiện sớm và kiên trì điều trị, trầm cảm sau sinh thường khỏi trong vòng 6 tháng. Một số trường hợp không được điều trị, diễn biến bệnh sẽ kéo dài hơn. Và khi ấy sẽ trở thành hội chứng loạn thần kinh sau sinh (postpartum psychosis).
Puerperal psychosis – Rối loạn tâm thần sau sinh
Hội chứng này dễ gặp hơn ở những phụ nữ có tiền sử bản thân hoặc người thân trong gia đình có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt.
Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh có các dấu hiệu như:
- Kích động, lú lẫn và có vấn đề về trí nhớ
- Hay cáu kỉnh, mất ngủ và lo lắng.
- Hoang tưởng, ảo giác
- Có những hành vi bất thường
- Xa lánh mọi người
- Đặc biệt là không quan tâm hoặc gây tổn thương cho chính bản thân và đứa trẻ.
Đây là giai đoạn nguy hiểm của trầm cảm sau sinh. Lúc này người mẹ cần được can thiệp gấp bởi các biện pháp y tế để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Làm gì để xua tan trầm cảm sau sinh?
- Tập trò chuyện về những nỗi lo âu hay sợ hãi của mình với chồng, người thân và bạn bè. Đừng giữ bí mật về những cảm xúc tiêu cực.
- Đừng quá nghiêm khắc với bản thân. Hãy tìm sự trợ giúp từ chồng và gia đình. Thử lại những lần sau nếu chưa đúng ý, rồi mọi thứ sẽ ổn.
- Cố gắng ngủ đủ giấc và tìm thời gian thư giãn để tinh thần được minh mẫn và thoải mái.
- Ra ngoài đi dạo để hít thở không khí. Tránh ở trong nhà nhiều ngày liền. Gặp gỡ bạn bè để có giao tiếp xã hội
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tập thể dục nhẹ nhàng để cơ thể khoẻ mạnh.
- Tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý để được điều trị với phương pháp cụ thể.
Closeup shot of two unrecognizable people holding hands in comfort
Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài tùy thuộc vào tình trạng tâm sinh lý của người mẹ. Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng của mẹ và bàn tay giúp đỡ của người thân yêu. Hãy cũng nhau sống khoẻ, sống tích cực để đẩy lùi “căn bệnh xã hội” này nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!