Xây dựng nền tảng “trải nghiệm tích cực” cho trẻ từ sớm là làm những gì?c
Tiếp tục cùng The Asian Parent Việt Nam – Mẹ Tanya Chi chia sẻ trên quan điểm về tầm quan trọng cho những “trải nghiệm tích cực” cho trẻ đầu đời.
Cô bạn tôi hỏi rằng nếu cô ấy không có điều kiện cho con học trường Montessori, Reggio, Steiner, không học anh văn, toán thông minh, kỹ năng sống, thì có phải cô ấy đang cướp đi cơ hội trở nên xuất chúng trong tương lai của con hay không? Đó cũng là thắc mắc chung của nhiều người trong làn sóng giáo dục sớm ngày nay. Vì vậy, tôi viết bài này để trả lời quan điểm của tôi.
Tôi thử làm một cuộc đối thoại với bản thân nhé!
- – Bạn có thể dùng 5 tính từ để mô tả tính cách của bạn?
- – Tự lập, quyết đoán, sòng phẳng, nóng tính, dễ cảm thông.
- – Bạn nghĩ những tính cách này hình thành như thế nào?
- – Hồi còn nhỏ, gia đình tôi như thế này…. nên tôi đã hình thành nên suy nghĩ này… Hồi đó, có lần tôi chơi với bạn này…, nên tôi đã vầy…
- – Bạn nghĩ điều gì ảnh hưởng/ quyết định đến cuộc sống thành công/ không thành công của bạn?
- – Tôi nghĩ tôi thành công. Vì tính cách của tôi thế này… nên tôi….
Nhớ lại đi! Có phải tính cách được dựng nên từ những trải nghiệm trong quá khứ? Nếu những trải nghiệm xảy ra vào lúc càng nhỏ tuổi, thì tính cách càng được khắc ghi, mà bạn gọi nó là ‘giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời’. Mà ‘bản tính’ lại là thứ quyết định những lựa chọn trong cuộc đời bạn, tạo nên chất lượng cuộc sống của bạn.
Đó là lí do vì sao giáo dục những năm tháng đầu đời rất quan trọng. Và quan trọng nhất là tạo ra được những trải nghiệm tích cực, nhằm cho đứa trẻ một cơ hội sống đẹp, phản ứng tích cực với mọi điều xảy ra với chúng trong tương lai.
Xây dựng nền tảng “trải nghiệm tích cực” cho trẻ từ sớm….
Tôi dùng từ “trải nghiệm tích cực” cho trẻ, chứ không phải là “trải nghiệm đẹp”
Vì không ai có thể đảm bảo cho ai một cuộc sống với những trải nghiệm toàn hoa hồng, ta chỉ có thể giúp con ta có một cảm nhận tích cực nếu nó bị cái gai đâm mà thôi.
Những trải nghiệm tích cực đầu đời của đứa trẻ bắt đầu và chịu ảnh hưởng sâu rộng nhất từ những gì chúng nhìn thấy hàng ngày qua cách mẹ ôm chúng, cha nói chuyện với chúng hay mẹ mắng cô giúp việc, cha chửi hết tất cả những người xung quanh khi thất bại…
Bé chạy và té, bé bị gai đâm khi đang cầm hoa, đó là những sự kiện, không có tốt hay xấu. Tốt hay xấu là ở cách bạn phản ứng lại với sự kiện đó. Nếu bạn li hôn, đó không phải là lựa chọn hoàn hảo cho con bạn, nhưng nó ko xấu, nó chỉ xấu, khi bạn dành phần lớn thời gian để miệt thị, tiếc nuối, oán trách chồng cũ/ vợ cũ của bạn. Con bạn sẽ học được điều gì từ đó?
Trẻ không có khả năng nói cho bạn biết chúng thấy gì ở thế giới xung quanh, chúng nhớ gì, và điều gì ảnh hưởng đến chúng, chúng lưu giữ rất nhiều điều trong bộ não bé nhỏ của chúng, rồi chúng mới tổ hợp tạo nên những trải nghiệm, kí ức, tính cách phức tạp của một con người.
Làm cha mẹ, là người tiếp xúc đầu tiên và ảnh hưởng mạnh mẽ đến con
Vai trò quan trọng của bạn là giúp con có những “trải nghiệm tích cực” cho trẻ, cảm hứng tích cực trong cuộc sống, cổ vũ con dấn thân, khám phá tiềm năng của con. Là cha mẹ, bạn hãy sống cuộc đời của bạn thật tích cực, đầy cảm hứng cho con bạn soi mình vào đó mà cảm nhận.
Đọc thêm – 13 câu nói tích cực nói với con hằng ngày!
Montessori, Reggio, hay Steiner là những phương pháp giáo dục tôn trọng sự tự do của trẻ, giúp trẻ sống độc lập và hài hoà trong môi trường với những trẻ khác, người lớn khác, tạo ra những trải nghiệm cảm xúc tích cực cho trẻ, và cả những trải nghiệm trí thức tích cực, khi trẻ được khám phá bài học chủ động, tiếp thu kiến thức chủ động. Nếu bạn có điều kiện cho con bạn theo học các lớp học này, là điều tốt. Nhưng nếu bạn không thể, bạn cũng không cướp đi điều gì của chúng cả.
Bạn không có khả năng cho con học trường Montessori, Reggio… hay trường đắt tiền!
Cũng như dù tôi rất muốn, nhưng tôi không thể sinh con ở Mỹ, để con tôi là công dân Mỹ, hưởng nền giáo dục tiên tiến. Hay tôi thích lắm chứ, nhưng tôi không có khả năng xây biệt thự, cho con tôi sống trong lành, sạch mát, cây xanh quanh vườn. Tôi muốn một gia đình lắm chứ, nhưng tôi không sống chung được với chồng. Tôi cho con tôi những gì tốt nhất trong khả năng của tôi, và tôi giúp con tôi có những trải nghiệm tích cực về hoàn cảnh của chúng. Đó mới là điều cần thiết nhất.
Vì cuối cùng mục đích của giáo dục là để con người sống phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ, là sử dụng những trải nghiệm của riêng bản thân họ để bước qua vạch xuất phát riêng của mỗi người.
Theo Mẹ Tanya Chi – Giáo viên và chủ trường Montessori tại TPHCM.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!