Tiền lì xì Tết của con nếu cha mẹ lấy có thể bị phạt đến 1 triệu đồng. Ngày Tết, trẻ thường được ba mẹ, ông bà và những người lớn lì xì, đây là tục lệ của năm mới mà trẻ nào cũng háo hức mong chờ. Sau những ngày Tết, nhiều ba mẹ đề nghị giữ “để ba mẹ giữ giúp tiền lì xì Tết cho con”. Thế nhưng, theo quy định của pháp luật, ba mẹ, người thân trong gia đình có thể bị phạt tiền.
Hoang mang chuyện lấy tiền lì xì của con bị phạt đến 1 triệu đồng
Thông tin được đưa ra là theo điểm a, khoản 2, Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Quyền có tài sản riêng của con, quy định: “Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con”.
Theo quy định nói trên, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con. Và khi con cái trong gia đình được người khác lì xì tiền tết mà ba mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì cho mình thì có thể bị xử phạt với số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo điểm a Khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Hoang mang việc lấy tiền lì xì tết của con bị phạt đến 1 triệu đồng
Nếu phạt như thế là hơi quá
Cũng theo Quỳnh: “Nếu luật xử phạt như vậy thì em thấy hơi quá, tại vì riêng với bản thân em, nếu mà bố mẹ có giữ hộ và lấy xài thì em thấy cũng không sao cả, vì bố mẹ mình mà. Hơn nữa tiền đó cũng đâu phải do tụi em tự làm ra, nên em nghĩ tiền lì xì ai giữ cũng không sao cả. Nhưng em nghĩ bố mẹ có giữ thì cũng nên đưa cho con một ít, vì em nghĩ bạn nhỏ nào cũng sẽ thấy buồn vì mình không được dùng tiền cho cá nhân mà phải đưa hết cho cha mẹ”.
Nguyễn Thị Yến Thanh, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Khuyến, cho biết trung bình mỗi dịp tết tiền lì xì dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, số tiền đó em thường đưa cho ba cất giữ hộ.
“Ba em nói là ba giữ cho nên em không biết tiền tết ‘bốc hơi’ nơi nào. Nhưng em nghĩ lại, nhà mình không khá giả lắm nên phụ được gia đình bao nhiêu thì phụ thôi, chứ số tiền đó cũng không là gì đối với người lớn đâu”, Thanh nói.
Giữ tiền lì xì của con không thể là chiếm đoạt tài sản
Mặc dù chỉ mới học lớp 1, nhưng con trai của chị Nguyễn Thùy Linh, 32 tuổi, ngụ P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM nhận được tiền lì xì gần 2 triệu đồng trong mỗi dịp tết. Chị Linh kể, tiền lì xì của con mình sẽ để trong ống heo khoảng vài tháng sau mình mới đập ra và lấy tiền đó để mua đồ dùng cho con.
“Mình nghĩ giữ tiền giúp cho con sao lại nói là chiếm đoạt được, tất cả cũng vì muốn tốt cho con thôi”, chị Linh cho biết.
Lấy tiền lì xì của con có phải là chiếm đoạt?
Chị Trần Thị Bích Nguyệt, trú tại hẻm 96 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM thì rất bất bình. Chị Nguyệt nói: “Tôi thì không nghĩ chuyện lấy tiền lì xì của con là chiếm đoạt tài sản, nếu là cha mẹ với con cái mà nói kiểu vậy thì giống như người dưng nước lã rồi còn gì. Cha mẹ sinh thành rồi nuôi cho ăn học, lớn khôn, công sức cha mẹ bao nhiêu cho đủ mà số tiền đó lại quy ra là chiếm đoạt tài sản. Đó chỉ là lý thôi, chứ trong tình cảm gia đình ai lại đem luật ra mà nói bao giờ”.
Nhiều xung đột và không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm
Nhìn nhận ở khía cạnh pháp luật, anh Lưu Đức Quang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, cho rằng Nghị định 167/2013/NĐ-CP đặt ra không đúng với tinh thần của luật hôn nhân gia đình. Thứ nhất, Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định độ tuổi dưới 15 tuổi là không đặt vấn đề là tiền của con hay của cha mẹ, cha mẹ vẫn phải giữ.
Từ 15 tuổi trở lên thì cha mẹ phải giao lại tài sản riêng cho con nhưng trong luật lại không giải thích thế nào là tài sản riêng. Ở đây có một vấn đề là có nhiều loại tài sản mà những người đủ 18 tuổi mới được đứng tên. Kể cả quy định trong luật hôn nhân gia đình cũng có xung đột với những luật khác, chẳng hạn một miếng đất, nhà hoặc xe hơi, xe máy trên 50 phân khối… ai cho người 15 tuổi đứng tên?
Theo Điều 21 Bộ luật dân sự, quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, tự mình xác lập thực hiện dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, có nghĩa là không được đứng tên. Hoặc là động sản mà phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật và phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Thì điều 76 của Luật Hôn nhân và Gia đình không phù hợp với luật này, mà nếu căn cứ thì phải căn cứ vào Bộ luật dân sự. Vì quy định về tài sản thì phải căn cứ vào luật gốc là Bộ luật dân sự.
Theo Thanhnien.vn
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!