Tiêm trưởng thành phổi có tác dụng phụ không, bên cạnh lợi ích là giảm nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh? Chỉ định tiêm trưởng thành phổi do bác sĩ sản khoa quyết định khi tuổi thai được 24-34 tuần trong một số tình huống nhất định.
Tiêm trưởng thành phổi có tác dụng phụ không?
Tiêm trưởng thành phổi là gì?
Thuốc trưởng thành phổi là Dexamethasone và Betamethasone. Đây là 2 loại thuốc thuộc nhóm Corticosteroid. Chúng giúp thúc đẩy trưởng thành phổi của thai nhi.
Tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi giúp dự phòng nguy cơ suy hô hấp của bé nếu có sinh non. Đây là chỉ định rất quan trọng của bác sĩ đối với trẻ trong trường hợp: Bị sinh non hoặc sinh đủ tháng nhưng bị suy dinh dưỡng…
Nhờ tiêm trưởng thành phổi, bé giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng của sinh non như: Tử vong, hội chứng suy hô hấp cấp, xuất huyết não thấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng hệ thống và chậm phát triển…
Tác dụng phụ của tiêm trưởng thành phổi
Tiêm thuốc trưởng thành phổi có tác dụng phụ gì? Bố mẹ nên lưu ý các tác động bất lợi cho sản phụ và thai nhi như:
- Có thể gây tác dụng phụ tiêu cực ở não và chức năng của trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận ở bé.
- Ức chế trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận ở thai phụ.
- Thuốc có thể làm giảm miễn dịch ở sản phụ. Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bào thai, nhiễm trùng sơ sinh sớm và nhiễm trùng hậu sản ở người phụ nữ.
- Có thể gây nhiễm độc thần kinh ở thai nhi nếu dùng liều cao dexamethasone.
- Gây ra các phản ứng quá mẫn hoặc dạng phản vệ, giảm huyết áp hoặc tương tự sốc.
- Có thể gây chậm phát triển thần kinh ở những trẻ được điều trị trên 3 đợt thuốc.
- Phụ nữ sử dụng corticoid có liên quan tới tình trạng cân nặng sơ sinh giảm, giảm chu vi vòng đầu của trẻ do cốt hóa sớm các sụn xương, liền khớp sọ sớm.
- Sau tiêm trưởng thành phổi có thể có hiện tượng giảm vận động ở thai nhi. Tuy nhiên, những bé được tiêm trên 3 liều trưởng thành phổi có thể bị rối loạn tăng động sau này.
- Có thể làm tăng đường huyết nhẹ ngay sau mũi tiêm đầu tiên và kéo dài khoảng 5 ngày. Do đó, mẹ bầu cần tầm soát tiểu đường thai kỳ trước khi tiêm hoặc sau khi tiêm 5 ngày để tránh tình trạng tăng đường huyết không kiểm soát.
Khi nào nên tiêm mũi trưởng thành phổi?
Thông thường, thai được xem là đủ tháng nếu thai trên 37 tuần. Thời điểm này các cơ quan của bé đã trưởng thành, sẵn sàng thích ứng với cuộc sống bên ngoài. Trẻ sinh non là trẻ sinh ra từ tuần 22 – 37 của thai kỳ.
Ở trẻ sinh non, nhiều cơ quan chưa hoàn thiện về mặt chức năng. Nhất là phổi nên tiềm ẩn nguy cơ suy hô hấp rất lớn. Trong trường hợp mẹ bầu có nguy cơ sinh non, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm trưởng thành phổi.
Tiêm mũi trưởng thành phổi thường được chỉ định thực hiện từ tuần 28 – 34 khi sản phụ có dấu hiệu dọa sảy thai hoặc có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày. Nếu chưa sinh thì sau 7 ngày cân nhắc tiêm lại một đợt (nếu vẫn còn nguy cơ trong 7 ngày tới).
Thuốc tiêm trưởng thành phổi hoạt động như thế nào?
Khi thai phụ được tiêm trưởng thành phổi, thuốc sẽ theo các mạch máu chuyển đến cơ thể thai nhi và tác động theo nhiều cách:
- Làm tăng khả năng chuyển phế bào I thành phế bào II.
- Tăng khả năng tổng hợp và phóng thích surfactant, chất chỉ có đủ sau tuần thai 32. Surfactant có vai trò làm giảm sức căng bề mặt của lớp dịch phế nang, chống lại lực đàn hồi của phổi. Nếu không sản xuất đủ surfactant, phổi có nguy cơ bị xẹp, dẫn đến suy hô hấp.
- Giảm lượng chất lỏng trong phổi.
- Tăng thể tích phổi.
Nhìn chung, đây là phương pháp thực sự cần thiết cho những trường hợp có nguy cơ sinh non hoặc có dấu hiệu dọa sảy thai. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình thực tế cụ thể để xem tiêm trưởng thành phổi có tác dụng phụ không lên mẹ bầu và thai nhi. Các trường hợp thai bình thường thì không nên tiêm trưởng thành phổi vì có thể gây ra một số tác động xấu tới thai kỳ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của The Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!