Bà bầu có thể tự mua thuốc đặt âm đạo hay cần có bác sĩ kê đơn? Có phải loại thuốc đặt âm đạo nào cho bà bầu cũng như nhau? Chị em cần lưu ý những gì khi sử dụng các loại thuốc đặt âm đạo trong thời kỳ mang thai? Những thông tin cần biết về vấn đề này sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây!
Phụ nữ mang thai rất dễ mắc bệnh phụ khoa
Nguyên nhân khiến chị em bị viêm phụ khoa khi mang thai
Viêm phụ khoa là những bệnh lý viêm nhiễm tại cơ quan sinh dục phụ nữ. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bà bầu là một trong những đối tượng dễ bị mắc các bệnh viêm phụ khoa nhiều nhất. Trong số các loại bệnh viêm nhiễm phụ khoa do nấm, vi khuẩn, tạp trùng thì viêm âm đạo do nấm Candida là loại nhiễm nấm âm đạo phổ biến nhất trong thời kỳ mang thai với tỷ lệ từ 10 – 75% thai phụ có nguy cơ mắc phải.
Nguyên nhân là bởi sự thay đổi đột biến của các hormone trong thời kỳ mang thai làm môi trường âm đạo mất đi sự cân bằng vốn có, khiến vùng kín của bà bầu nhạy cảm hơn với 1 loạt các bệnh nhiễm trùng và gây ngứa. Ngoài ra, khi mang thai sức đề kháng của mẹ cũng giảm sút; thời điểm này cấu trúc cổ tử cung mở rộng đồng thời khí hư tiết ra nhiều hơn và việc vệ sinh vùng kín cũng trở nên khó khăn, khiến các loại bệnh phụ khoa dễ dàng tấn công mẹ bầu nhiều hơn.
Dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo khi mang thai
Phụ nữ khi bị viêm âm đạo thường có thể nhận biết dựa vào các dấu hiệu phổ biến sau đây:
- Có cảm giác ngứa, đau nhức, nóng rát ở vùng kín. Da âm đạo đỏ và môi âm hộ sưng tấy
- Huyết trắng ra nhiều, có màu sắc bất thường (trắng đục, vàng, vàng xanh hoặc nâu). Dịch âm đạo có thể vón cục, ra kèm bọt, có mùi hôi rất khó chịu khiến bà bầu luôn có cảm giác ẩm ướt ở vùng kín
- Tiểu buốt, tiểu khó, nước tiểu đục và đau rát khi quan hệ tình dục
- Khi viêm nhiễm nặng có thể gây xuất huyết âm đạo bất thường, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội vùng bụng dưới
Bà bầu bị viêm phụ khoa có nên đặt thuốc không?
Khi bị viêm nhiễm phụ khoa trong thời kỳ mang thai, thai phụ thường lo lắng không biết có loại thuốc đặt nào điều trị dứt điểm bệnh lý cho mẹ mà lại an toàn cho thai nhi hay không? Tùy thuộc vào tình trạng viêm phụ khoa khi mang thai ở mức độ nào mà bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị thích hợp.Vậy bà bầu bị viêm phụ khoa có nên đặt thuốc không? Đến nay đã có một số loại thuốc đặt âm đạo cho bà bầu được nghiên cứu và xác nhận không gây hại tới thai nhi nên có thể sử dụng được trong thai kỳ.
Theo các chuyên gia, những thuốc đặt âm đạo được chỉ định dùng cho thai phụ đều có tác dụng tại chỗ, tức là tại vùng viêm chứ không ảnh hưởng toàn thân nên có khả năng tiêu diệt nấm ngứa, tiêu viêm, kháng khuẩn và ngăn chặn viêm nhiễm lây lan sang khu vực khác. Vì vậy, các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm để sử dụng các loại thuốc đặt âm đạo cho bà bầu nếu không may bị viêm nhiễm phụ khoa trong thai kỳ.
Tuy nhiên, mỗi thai phụ có cơ địa và tình trạng bệnh lý khác nhau nên mẹ bầu không thể tùy tiện mua thuốc về tự đặt tại nhà hoặc dùng theo đơn thuốc của một bà bầu khác có triệu chứng tương tự. Khi dùng bất cứ loại thuốc nào cũng đều phải qua thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Đồng thời mẹ tuyệt đối không nên dùng các loại dung dịch vệ sinh thụt rửa sâu vào vùng kín vì có thể đưa vi khuẩn vào sâu bên trong âm đạo.
Lưu ý khi sử dụng thuốc đặt âm đạo cho bà bầu
Nếu không sử dụng thuốc đặt phụ khoa thì tình trạng viêm nhiễm ở mẹ bầu sẽ không thể khắc phục. Điều này còn gây nguy hiểm hơn cho sức khỏe của mẹ và bé. Do đó, các bác sĩ sẽ chỉ định cho thai phụ sử dụng thuốc đặt âm đạo và hướng dẫn cách đặt đúng cách để không gây ảnh hưởng tới mẹ và bé.
- Một liệu trình đặt thuốc âm đạo thường kéo dài từ 7-10 ngày nên sau khi đã tiến hành thăm khám bà bầu cần sử dụng thuốc đặt âm đạo theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không bỏ dở thuốc hoặc dùng quá liều lượng có thể giảm hiệu quả điều trị
- Chị em cần tuyệt đối kiêng sinh hoạt tình dục trong thời gian đặt thuốc âm đạo
- Ngoài việc sử dụng thuốc đặt và kem bôi tại chỗ, mẹ bầu nên giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô thoáng để bệnh tiến triển nhanh và khỏi sớm
- Nếu không có điều kiện đến cơ sở y tế để đặt thuốc hàng ngày, chị em có thể tự đặt thuốc tại nhà. Thời điểm đặt thuốc tốt nhất là buổi tối trước khi đi ngủ để tránh vận động làm rơi thuốc. Cần chú ý rửa sạch tay và vệ sinh vùng kín rồi mới đặt thuốc
- Trong quá trình dùng thuốc đặt âm đạo nếu thấy có bất cứ vấn đề gì bất thường mẹ cần ngưng điều trị và hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn kịp thời
- Tái khám ngay khi kết thúc lộ trình điều trị kể cả khi các triệu chứng đã được khắc phục hoàn toàn
Thay lời kết
Thai kỳ là khoảng thời gian đặc biệt nhạy cảm ở phụ nữ. Lúc này, hệ miễn dịch thường suy giảm nên mẹ rất dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Viêm nhiễm phụ khoa khi mang bầu dù ở mức độ nào nếu không được điều trị đúng cách cũng có thể gây ảnh hưởng tới cả mẹ và thai nhi trong bụng. Việc dùng thuốc cho thai phụ không thực sự được khuyến khích nhưng thực tế là có một số loại thuốc đặt âm đạo cho bà bầu có thể cân nhắc chỉ định, phù hợp cho từng loại bệnh và từng giai đoạn của thai kỳ. Ngoài ra các chị em đang bầu bí cũng có thể tham khảo và áp dụng một số mẹo nhỏ trong chế độ ăn uống và sinh hoạt giúp phòng và điều trị các bệnh lý phụ khoa.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!