Bầu mấy tháng thì uống sắt? Ngay từ khi biết đã có thai và nhất là 6 tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ chất sắt và các dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ.
- Đâu là nguyên nhân gây thiếu sắt khi mang thai ở bà bầu
- Dấu hiệu mẹ bầu đang thiếu sắt cần bổ sung
- Điều trị thiếu máu khi mang thai bằng cách nào để an toàn cho mẹ và thai nhi
- Những lưu ý giúp mẹ bầu hấp thụ sắt một cách tốt nhất
Đâu là nguyên nhân gây thiếu sắt khi mang thai ở bà bầu
Đâu là nguyên nhân gây thiếu sắt khi mang thai ở bà bầu (Nguồn ảnh: unsplash)
PGS TS Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết. Thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng tại nhiều quốc gia.
Theo thống kê của WHO, 42 % phụ nữ mang thai bị thiếu máu trên toàn thế giới, 90 % trong số họ đến từ các nước đang phát triển. Điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy 36,8 % phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu và 75 % thiếu máu ở phụ nữ có thai là do thiếu sắt.
PGS Quyết cho biết nguyên nhân của thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là do nhu cầu sắt cần nhiều hơn để cung cấp cho thai nhi. Nhu cầu sắt tăng nhiều nhất ở quý 2 và quý 3 của thai kỳ, tăng lên 5 – 7 lần.
Nồng độ huyết sắc tố trong máu ở mẹ có thể giảm rất đột ngột do nhu cầu tăng trưởng của bé. Sự gia tăng thể tích máu trong thai kì cũng gây thiếu máu vì nồng độ huyết sắc tố giảm do bị pha loãng so với bình thường. Nguy cơ thiếu máu cao hơn nếu mang đa thai.
Mẹ có thể quan tâm:
Mẹ bầu nên uống Sắt và Canxi lúc nào để hiệu quả nhất cho thai nhi?
Dấu hiệu mẹ bầu đang thiếu sắt cần bổ sung
Thiếu sắt khi mang thai thường không có những dấu hiệu rõ ràng. Đặc biệt là khi chỉ bị thiếu ở mức độ nhẹ. Vì vậy, thai phụ phải qua xét nghiệm máu mới có thể xác định được.
Dấu hiệu thường thấy nhất của thiếu máu ở nhiều phụ nữ gặp phải khi mang thai là:
- Mệt mỏi
- Cảm giác người yếu, làm việc khó tập trung
- Chóng mặt, nhức đầu
- Người xanh xao (đặc biệt ở các đầu ngón tay, dưới mi mắt, môi…)
- Cảm thấy tim đập nhanh, thở gấp, khó tập trung…
Nếu thấy biểu hiện trên thì chị em cần đi khám, xét nghiệm máu để được chẩn đoán xác định và có hướng can thiệp kịp thời. Các xét nghiệm này sẽ đo lượng hồng cầu để xác định tỉ lệ hồng cầu trong huyết tương. Xét nghiệm còn lại (hemoglobin) xác định số gram hemoglobin trong máu.
Điều trị thiếu máu khi mang thai bằng cách nào để an toàn cho mẹ và thai nhi
Bầu mấy tháng thì uống sắt? (Nguồn ảnh: unsplash)
Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng “Khi mang thai, nhu cầu về dưỡng chất của thai phụ tăng cao để nuôi dưỡng thai nhi và bảo vệ sức khỏe. Trong đó chất sắt đóng vai trò rất quan trọng, thông thường thai phụ cần khoảng 30mg/ngày. Thai phụ khi phát hiện mang thai nên sử dụng viên sắt 60mg mỗi ngày và kéo dài đến sau khi sinh 1 tháng để tránh tình trạng thai phụ mắc chứng thiếu máu”.
Phụ nữ có thai cần ăn các thực phẩm giàu sắt như:
- Các loại thịt đỏ (thịt bò)
- Cá
- Gan
- Lòng đỏ trứng
- Đậu đỗ
- Rau xanh
- Các loại quả chín giàu vitamin C hỗ trợ hấp thu sắt (cam, quýt, xoài, ổi…).
Do nhu cầu sắt phụ nữ mang thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó đáp ứng đủ nên WHO khuyến cáo: Phụ nữ mang thai cần uống bổ sung sắt trong 6 tháng cuối của thai kỳ, ở vùng tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ có thai trên 40 % thì phải bổ sung tiếp tục 3 tháng sau khi sinh. PGS Quyết cho biết nên lựa chọn sắt III dạng phức hợp dễ hấp thu hơn là dạng sắt sunfat. Thai phụ nên tuân thủ đúng liều lượng, không nên bổ sung lượng sắt nhiều hơn liều được chỉ định.
Sau khoảng một tháng điều trị có thể sẽ hết tình trạng thiếu máu khi mang thai. Tuy nhiên, thai phụ vẫn cần bổ sung sắt trong vài tháng tiếp theo để tăng cường lượng sắt lưu trữ cho quá trình sinh nở sắp tới.
Mẹ có thể quan tâm:
Tại sao bà bầu cần chất sắt? Đâu là thực phẩm bổ sung sắt an toàn và hiệu quả?
Những lưu ý giúp mẹ bầu hấp thụ sắt một cách tốt nhất
Bầu mấy tháng thì uống sắt? Thiếu máu thiếu sắt làm gia tăng nguy cơ sinh non (Nguồn ảnh: unsplash)
– Để hấp thụ sắt tốt nhất bạn nên uống sắt khi đói.
– Vitamin C trong nước cam giúp hấp thụ sắt tốt hơn.
– Lưu ý trước và sau khi uống sắt bạn không nên uống trà, cà phê hoặc sữa bởi nó sẽ cản trở sự hấp thụ sắt.
Sắt được bổ sung với mức độ cao có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa. Thông thường nó sẽ dẫn đến táo bón. Giải pháp tốt nhất lúc này dành cho bạn là uống nước ép mận. Nước ép mận vừa cung cấp sắt vừa giúp bạn giải quyết vấn đề táo bón.
Thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ sinh non và sinh thiếu cân, nghiêm trọng hơn thì có thể khiến thai chết lưu hoặc trẻ sơ sinh bị tử vong. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị mất nhiều máu khi sinh hoặc bị trầm cảm sau sinh.
Không nên ăn gan để bổ sung sắt. Gan tốt nhất là nên tránh trong thời gian mang thai vì nó có chứa một lượng vitamin A không an toàn, có thể gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Nguồn tham khảo: Hướng dẫn bổ sung sắt cho bà bầu trong suốt thai kỳ – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!