Tháo vòng tránh thai khi nào, có cần đợi đến khi vòng tránh thai hết hạn sử dụng không? Theo các chuyên gia, trong những trường hợp này cần tháo vòng để đảm bảo an toàn sức khỏe sinh sản cho chị em.
Đặt vòng tránh thai được bao lâu?
Vòng tránh thai là một thiết bị nhỏ có hình chữ T được đưa vào buồng tử cung để ngăn không cho trứng gặp tinh trùng và làm tổ ở tử cung của phụ nữ. Trong số các biện pháp tránh thai phổ biến thì đặt vòng khá hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được chỉ định đối với những phụ nữ đã có ít nhất 1 con và phải đặt sau khi người phụ nữ sinh con khoảng 6 tuần.
Cũng giống như hầu hết các sản phẩm khác, vòng tránh thai cũng có hạn sử dụng. Mỗi nhà sản xuất sẽ đưa ra thời hạn của vòng tránh thai là khác nhau, phổ biến nhất là loại vòng tránh thai có hạn sử dụng 5 năm, 8 năm hoặc 10 năm.
Ngoài ra còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, hiệu quả của vòng tránh thai với từng phụ nữ mà thời gian sử dụng vòng tránh thai có thể thay đổi.
Tháo vòng tránh thai khi nào?
Các chuyên gia sản phụ khoa khuyên phụ nữ nên tháo vòng tránh thai trong những trường hợp sau:
- Vòng hết hạn sử dụng: vòng tránh thai bằng chất dẻo có thời gian sử dụng 5 – 7 năm, vòng làm bằng thép không gỉ có thời hạn sử dụng 10 – 15 năm. Khi hết thời gian này, vòng tránh thai dễ bị gãy, gây ra các bệnh phụ khoa. Việc tháo vòng hết hạn sử dụng là điều cần thiết, đặc biệt với những phụ nữ đã hết tuổi sinh sản.
- Ra máu khi đặt vòng: những phụ nữ liên tục bị ra máu sau khi đặt vòng, kinh nguyệt bất thường kèm theo những triệu chứng khó chịu khác nên tháo vòng tránh thai.
- Có ý định mang thai.
- Chủ động muốn tháo vòng khi vòng bị rộng, đặt lệch, gây thủng tử cung nhưng chưa rơi vào khoang bụng.
- Phụ nữ bị viêm vùng chậu cấp, u ác tính ở tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung nên tháo vòng để điều trị bệnh dễ dàng và hiệu quả hơn.
- Phụ nữ đã mãn kinh 6 tháng vì lúc này tác dụng phòng tránh thai của vòng đã không còn.
Tháo vòng tránh thai khi nào và các bước tháo vòng tránh thai an toàn mẹ nên biết
Để tháo vòng tránh thai an toàn, bác sĩ chuyên khoa cần thực hiện quy trình như sau:
Khám kiểm tra sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tổng quát của phụ nữ
Kiểm tra vùng kín (âm đạo, cổ tử cung…) nhằm xác dịnh tình trạng vùng kín có đang mắc các bệnh phụ khoa hay không.
Việc kiểm tra này là quan trọng và cần thiết nhằm đảm bảo quá trình tháo vòng tránh thai đạt hiệu quả như mong muốn, đồng thời ngăn ngừa hoặc điều trị kịp thời các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
Điều trị viêm nhiễm phụ khoa (nếu có)
Sau khi có kết quả thăm khám, kiểm tra viêm nhiễm phụ khoa, trường hợp nhẹ sẽ được bác sĩ thực hiện điều trị tiêu viêm và tháo vòng song song.
Đối với trường hợp nặng, cần được điều trị tiêu viêm trước sau đó tiếp tục thực hiện tháo vòng để đảm bảo an toàn sức khỏe sinh sản ở chị em.
Thực hiện tháo vòng
Nếu sức khoẻ ổn định, bác sĩ tiến hành đặt mỏ vịt, tìm sợi dây ở cổ tử cung, nhẹ nhàng kéo vòng tránh thai ra ngoài. Trong trường hợp không thấy sợi dây, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị chuyên khoa, kết hợp với siêu âm định vị vòng tránh thai để tháo.
Việc tháo vòng sẽ do bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn giỏi, tay nghề cao trực tiếp thực hiện nhằm đảm bảo việc tháo vòng diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, không để lại các biến chứng, đảm bảo an toàn sức khỏe.
Sau khi tháo vòng tránh thai, chị em nên lưu ý gì để đảm bảo an toàn sức khỏe?
Lời khuyên của các bác sĩ sản khoa dành cho chị em mới tháo vòng là bạn nên đặc biệt chú ý về vấn đề quan hệ tình dục, chăm sóc vùng kín và chế độ dinh dưỡng của bản thân.
- Nên kiêng quan hệ ít nhất từ 7- 10 ngày để đảm bảo sức khỏe cho người phụ nữ. Vì khi quan hệ có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xuất hiện gây nên các bệnh về phụ khoa.
- Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng, xuất huyết âm đạo, âm đạo đau hoặc khí hư bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.
- Không nên sinh con ngay sau khi mới tháo vòng vì vòng tránh thai có thể ảnh hưởng tới tử cung trong quá trình đặt vòng.
- Cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín và đúng cách sau khi tháo vòng
Chị em nên có một chế độ ăn uống đầy đủ, hợp lý để hạn chế tối thiểu tác dụng phụ hoặc biến chứng có thể xảy ra, đồng thời cần hạn chế đi lại nhiều và các công việc nặng để đảm bảo sức khỏe sau khi tháo vòng.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!