Một trong những trải nghiệm thú vị nhất trong thai kỳ đầu tiên là bạn nhận thấy em bé của mình chuyển động. Đột nhiên bạn nhận thức rõ: Có một em bé thực sự trong đó! Thai nhi trườn trong bụng mẹ lúc nhẹ lúc mạnh khiến mẹ không khỏi xúc động!
Thai nhi bắt đầu biết trườn trong bụng mẹ từ khi nào?
Những chuyển động ban đầu này của thai nhi bạn khó nhận thấy. Bụng bạn sẽ rung nhẹ hoặc có thể giống như bong bóng xà phòng vỡ. Thậm chí, một số mẹ còn diễn tả thai máy nhẹ nhàng như cánh bướm chạm nhẹ dưới da.
Dần dà, bạn bắt đầu quen với cảm giác thai nhi di chuyển trong bụng, lúc nhẹ, lúc mạnh. Bạn thậm chí có thể suy đoán rằng mình sẽ sinh ra một ngôi sao bóng đá khi thấy em bé không ngừng đá mạnh vào mạn sườn mình.
Nhưng bạn cũng nên thường xuyên theo dõi chuyển động của em bé trong tử cung – đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba để đề phòng. Nếu bạn nhận thấy cử động của thai nhi đang giảm xuống, bạn có thể thông báo cho bác sĩ.
Bạn có thể bắt đầu cảm thấy em bé của bạn chuyển động từ tuần thứ 16-22. Nếu đó là lần mang thai đầu tiên, bạn có nhiều khả năng bắt đầu nhận thấy muộn hơn, ở tuần 20-22. Nếu bạn đã từng mang thai trước đó, bạn có thể bắt đầu nhận ra thai nhi chuyển động vào khoảng tuần thứ 16.
Tuy nhiên, không có thời gian “chính xác” để cảm nhận chuyển động của thai nhi. Bạn có thể cảm thấy em bé trườn trong bụng lần đầu sớm hơn 16 tuần hoặc muộn hơn 22 tuần.
Chuyển động của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ hai
Tam cá nguyệt thứ hai là những ngày tháng tuyệt vời nhất của thai kỳ. Các cơn ốm nghén dần biến mất. Bạn cũng chưa quá nặng nề hay vụng về khi di chuyển.
Chuyển động của bé trong tam cá nguyệt thứ hai ban đầu chưa rõ ràng. Nhưng khi càng lớn hơn, bé sẽ chuyển động thường xuyên hơn và mạnh dần lên. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy bụng căng ra, thay đổi hình dáng. Thậm chí, bạn có thể bị đấm và đá. Bạn có thể đặt tay lên bụng bạn và cảm thấy em bé của bạn đang trườn bên dưới.
Chuyển động của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ ba
Lúc này, bạn có thể bắt đầu nhận thấy một số kiểu chuyển động của con. Em bé sẽ hoạt động nhiều hơn vào những thời điểm nhất định trong ngày.
Các chuyển động này càng lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Bạn có thể sẽ thấy đau khi bé chuyển động mạnh. Đôi lúc, bạn cũng có thể cảm nhận thai nhi trườn trong bụng mẹ qua lớp áo.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thai nhi bắt đầu không có đủ chỗ để ngọ nguậy trong tử cung. Tin tốt là em bé của bạn đang lớn hơn, tăng cân và dần có da có thịt hơn. Bù lại em bé của bạn không thể co duỗi và cử động một cách tự do như trước nữa. Bị ép vào một không gian ngày càng nhỏ hơn khiến em bé của bạn có thể không di chuyển nhiều.
Đó là lý do các bác sĩ khuyên bạn nên dành thời gian để đếm số lần thai máy mỗi ngày.
Tại sao bạn cần theo dõi chuyển động của thai nhi?
Theo dõi chuyển động của em bé trong bụng sẽ giúp bạn kiểm tra có gì bất thường với bé hay không. Thông thường, bạn nên thực hiện đếm cử động thai vào cùng một thời điểm mỗi ngày để có sự so sánh tốt nhất.
Nguyên nhân thai nhi giảm vận động
Có thể có những nguyên nhân lành tính (vô hại) gây giảm vận động. Ví dụ, bạn có thể đã vô tình chọn thời điểm theo dõi trong khi con bạn đang ngủ. Bạn có thể thử vào một thời điểm khác khi bé có vẻ hoạt động nhiều hơn.
Thai nhi trường trong bụng mẹ bị hạn chế có thể vì:
- Sự phát triển của thai nhi có thể đã chậm lại
- Có thể có vấn đề với nhau thai của con bạn hoặc với tử cung của bạn
- Do dây rốn quấn cổ
Làm thế nào để thai nhi vận động nhiều hơn?
Nếu bạn cảm thấy hơi lo lắng và muốn thúc đẩy bé vận động nhiều hơn (và giúp bạn yên tâm hơn một chút), bạn có thể thử:
- Ăn một bữa ăn nhẹ hoặc uống thứ gì đó ngọt như nước cam
- Đứng dậy và di chuyển xung quanh
- Chiếu đèn pin vào bụng
- Nói chuyện với em bé của bạn
- Đẩy nhẹ hoặc chọc nhẹ nhàng vào bụng của bạn
Bạn cần nằm nghỉ và tập trung đếm xem em bé của bạn chuyển động mấy lần trong vòng 1 giờ. Nếu con ít chuyển động, bạn có thể thử ăn nhẹ, thay đổi vị trí, rồi tiếp tục đếm thêm một giờ nữa. Nếu có ít hơn 10 cử động trong 2 giờ, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra thêm.
Các bác sĩ có thể thực hiện một số kiểm tra nếu số lần đá của bạn có dấu hiệu giảm chuyển động. Ví dụ như theo dõi nhịp tim, theo dõi chuyển động, siêu âm ba chiều,… để đảm bảo mọi thứ đi đúng hướng.
Bạn cũng đừng quên rằng mỗi em bé đều khác nhau – ngay cả đối với cùng một phụ nữ. Em bé đầu tiên của bạn có thể trườn trong bụng nhiều hơn – hoặc ít hơn rất nhiều – so với bé thứ hai. Bạn nên theo dõi những cú máy có thể giúp bạn yên tâm hơn.
Nếu bạn đột nhiên cảm thấy lo lắng, đừng ngần ngại gọi cho bác sĩ. Tiến hành thêm một số đánh giá bổ sung sẽ giúp bạn yên tâm hơn. Chúc hành trình mang thai của bạn trọn vẹn hơn nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!