Trong hành trình mang thai của mỗi bà mẹ, chuyển động của thai nhi là 1 trong những trải nghiệm đặc biệt mà mẹ nào cũng cảm thấy thật tuyệt vời. Những cú trườn người, xoay chuyển ấy không chỉ thể hiện sự sinh tồn mà còn chứa đựng biết bao thông điệp mà thai nhi muốn nhắn nhủ cùng mẹ. Vậy mẹ có biết lý do vì sao có những ngày thai nhi đạp nhiều hơn bình thường hay không? Làm cách nào để biết bé vẫn khỏe mạnh để cùng mẹ về đích an toàn?
Cử động của thai nhi trong bụng mẹ thể hiện điều gì?
Thai máy hay thai đạp là những cử động của thai nhi như xoay mình, đạp chân, vươn vai, nấc nhẹ… trong suốt quá trình con sống trong bụng mẹ. Thực tế là các bạn bé đã bắt đầu cử động từ rất sớm, khoảng tuần thứ 7–8 của thai kỳ nhưng do bào thai còn quá nhỏ nên những cử động rất nhẹ này khó có thể được mẹ nhận ra. Tuy nhiên, kể từ những tín hiệu đầu tiên ấy, bé sẽ ngày càng phát triển hơn nên hầu hết các mẹ sẽ cảm nhận được lời chào của con vào khoảng tuần 14-20.
Chị em cũng đừng quá lo lắng khi thời điểm cảm nhận được thai máy ở mỗi mẹ là khác nhau vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
- Với những chị em lần đầu làm mẹ, thời gian nhận biết những thay đổi từ bên trong sẽ xuất hiện chậm hơn
- Lượng nước ối quá nhiều hay quá ít và thành bụng dày hay mỏng cũng làm ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận chuyển động của thai nhi
- Vị trí của nhau thai cũng liên quan đến việc mẹ thấy thai máy sớm hay muộn. Nếu nhau bám mặt trước, chuyển động của thai nhi đến với mẹ sẽ chậm hơn 1 chút
Vì sao thai nhi đạp nhiều hơn bình thường?
Sống trong bụng mẹ, hầu hết các bé sẽ trải qua 1 ngày thật sôi động với rất nhiều dạng hoạt động khác nhau như nhào lộn, đấm, đá, nấc cụt…. Có những thời điểm nhất định trong ngày mẹ sẽ thấy thai nhi đạp nhiều hơn bình thường. Vậy đó là những thời điểm nào và tại sao bé lại hành động như vậy?
Bé đạp nhiều về đêm
Khá nhiều mẹ đều chia sẻ rằng, vào ban đêm dường như các bé có xu hướng quậy nhiều hơn bình thường. Trên thực tế không có quá nhiều sự khác nhau giữa tần suất chuyển động của bé vào ban ngày hay ban đêm. Tuy vậy, vào thời điểm cuối ngày nhất là trước khi đi ngủ, mẹ nằm xuống nghỉ ngơi thì các cơ bụng cũng giãn ra, con có nhiều khoảng trống để di chuyển hơn đồng thời trong không gian yên tĩnh, cảm nhận những tín hiệu từ em bé cũng dễ dàng và rõ rệt hơn.
Con bất ngờ đạp mạnh khi đang nấc cụt hoặc giật mình
Đôi khi mẹ sẽ cảm thấy lo lắng khi thai bỗng nhiên đạp nhiều hơn bình thường và những cú đạp cũng trở nên rất mạnh và bất ngờ. Tuy nhiên, phản ứng dữ dội này có thể là vì con đang bị nấc cụt do uống nước ối hoặc giật mình vì tiếng động lớn mà thôi. Hiện tượng này cho thấy thai nhi đang có hệ tiêu hóa khỏe mạnh và phát triển bình thường nên mẹ hãy an tâm đi nhé!
Không gian chật chội cũng khiến cử động thai nhiều hơn
Từ sau tuần thai thứ 18 – 19, thai nhi càng lớn thì tần suất và cường độ của những cú đạp sẽ ngày càng trở nên liên tục và mạnh mẽ. Sự phát triển của con yêu đồng nghĩa với không gian tử cung ngày càng trở nên chật hẹp và bé khó lòng có thể cựa quậy thoải mái được như trước. Con sẽ tìm cách để xoay chuyển, vặn mình cho dễ chịu và làm thay đổi cả chiếc bụng tròn xoe của mẹ.
Bé đạp để thể hiện sở thích
Khi mẹ ăn, lúc tắm hay đang nghe nhạc là thời gian mẹ được thư giãn nhiều nhất trong ngày và bé cũng vậy. Khi cảm nhận được sự thoải mái này, con sẽ có xu hướng chuyển động nhiều hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng, sau khi mẹ bầu ăn no, năng lượng của mẹ tăng lên và được chuyển 1 phần cho các hoạt động của bé.
Ngoài ra, thính giác của bào thai đã bắt đầu phát triển từ tháng thứ 4 của thai kỳ và dần dần bé sẽ nghe được âm thanh từ bên ngoài tử cung mẹ. Đó là lý do vì sao, rất nhiều bạn bé sẽ chuyển động nhiều hơn hẳn để thể hiện sự thích thú với âm nhạc.
Những cú đạp là cách mà con đang nói chuyện cùng mẹ đấy
Đạp là cách giao tiếp đầu đời của thai nhi với mẹ. Các bác sĩ Nhi khoa cho biết giọng nói của mẹ là âm thanh thân thuộc nhất đối với bé nên khi con được trò chuyện hàng ngày cùng người thân, nhịp tim của thai nhi trở nên chậm lại và dịu hơn đồng thời bé cũng tỏ ra phấn khích và đáp trả lại lời âu yếm của mẹ bằng cách đạp liên tục vào thành bụng. Mẹ hãy tiếp tục duy trì thói quen này để nuôi dưỡng tình yêu với bé con nhé.
Mẹ thường thấy con cựa quậy hơn hẳn khi nằm nghiêng bên trái
Trong số các tư thế nghỉ ngơi của mẹ bầu thì lúc mẹ nằm nghiêng trái, chắc chắn rằng thai nhi đạp nhiều hơn bình thường. Tư thế nằm này sẽ giúp gia tăng lượng máu và chất dinh dưỡng đến bào thai và con sẽ phải hoạt động tích cực để thích ứng với sự trao đổi chất này.
Con phản ứng với môi trường bên ngoài bằng cách đạp nhiều hơn
Khi mẹ di chuyển từ trong nhà ra ngoài trời, nhất là vào những thời điểm có sự thay đổi mạnh về cường độ ánh sáng, mẹ sẽ thấy bỗng nhiên thai nhi đạp nhiều hơn bình thường. Đó là do con bị chói mắt nên phản ứng lại với sự thay đổi. Khi còn trong bụng mẹ, mắt của bé chưa thực sự phát triển đầy đủ nên khi tiếp xúc với ánh sáng con sẽ tìm cách thông báo cho mẹ biết đồng thời thay đổi tư thế để không còn chịu sự tác động này nữa. Mẹ hãy lưu ý về tín hiệu này của con nhé!
Khi nào những chuyển động của bé là tín hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm của thai kỳ?
Những bất ngờ thú vị về chuyển động của em bé đã giúp mẹ biết được vì sao có những thời điểm thai nhi đạp nhiều hơn bình thường rồi phải không? Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng vui vẻ như vậy. Việc thai máy tăng hay giảm cũng là dấu hiệu nhận biết rõ nhất sức khỏe của con yêu và trong 1 số trường hợp, những chuyển động của bé là tín hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm của thai kỳ.
- Tần suất thai máy giảm có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang thiếu oxy. Thai máy ngày càng giảm liên tục trong ngày là dấu hiệu suy thai
- Nếu thai nhi bỗng nhiên cử động quá nhiều, hơn 20 lần/tiếng thì nguyên nhân có thể do con đang ngạt thở hoặc bị thiếu oxy vì dây rốn quấn cổ …
Từ sau tuần thai thứ 28 nếu mẹ thực hiện đếm số lần thai máy theo hướng dẫn của bác sĩ mà nhận thấy bất kì dấu hiệu bất thường nào thì hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và có kết quả chính xác nhất về tình trạng của em bé bên trong bụng mẹ.
Đôi lời dành cho mẹ
Từ tháng thứ 5 trở đi, thai nhi bắt đầu có những chuyển động ổn định và theo chu kỳ. Khi những cử động thai trở nên rõ ràng cũng là lúc mẹ bầu có nhiều cảm xúc hơn về sự hiện hữu của 1 sinh linh bé bỏng đang từng ngày lớn lên bên trong cơ thể mình. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào em bé cũng đạp và nhào lộn trong bụng mẹ. Sẽ có thời điểm bé thức, bị nấc, bé mỏi người, muốn duỗi chân và sẽ đạp liên tục, nhưng cũng có lúc bé ngủ, hoặc nằm im lắng nghe bản nhạc du dương.
Có thể có nhiều lý do dẫn đến việc thai nhi thay đổi tần suất chuyển động, tuy nhiên không hẳn tất cả những thay đổi đó đều xuất phát từ những nguyên nhân đáng lo ngại. Điều quan trọng là mẹ hãy chăm sóc thai kỳ thật tốt và đừng quên lưu lại những khoảnh khắc con yêu chuyển động “nhiệt tình” như 1 dấu ấn đặc biệt của hành trình mang nặng đẻ đau!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!