Thai đạp nhiều bất thường có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như tư thế nằm của mẹ hoặc do những kích thích từ môi trường bên ngoài, … Nhưng mẹ cần kết hợp quan sát cử động thai máy trong một thời gian nhất định và xem xét các dấu hiệu bất thường để được can thiệp kịp thời.
Mẹ có thể cảm nhận mức độ thai đạp qua các tuần như thế nào?
Từ tuần thứ 16 trở đi, hầu hết các mẹ đã có thể cảm thấy những cú đạp đầu tiên của em bé, báo hiệu thai nhi đang lớn lên và phát triển khỏe mạnh. Với các mẹ mang thai con rạ, thậm chí mẹ sẽ được cảm nhận con máy sớm hơn rất nhiều.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì với người mẹ đang mang thai, những cái đạp của con luôn mang một ý nghĩa tuyệt vời. Bởi mỗi lần chuyển động của con, thai nhi như thầm báo với mẹ rằng “Con đang rất khỏe và phát triển tốt đó mẹ ơi”.
Sự chuyển động của thai nhi có tần suất từ ít đến nhiều qua từng tuần thai. Trước 15 tuần, mẹ sẽ chỉ cảm thấy những cú máy rất nhẹ.
Sang tuần 16-27, số lần mẹ có thấy cảm nhận con chuyển động cũng nhiều hơn. Và từ tuần 28 thì bé thực sự đạp rất nhiều do kích thước con đã rất lớn và tử cung trở nên chật chội hơn với thai nhi.
Khi nào thai nhi đạp mạnh và nhiều là điều bình thường?
Con sẽ đạp mạnh và chuyển động thường xuyên hơn từ tuần thứ 28 trở đi. Đây chính là thời điểm mà hầu hết các mẹ đều cảm thấy rất rõ về một sự sống đang tồn tại trong mình.
Theo các chuyên gia, việc thai nhi đạp nhiều sẽ tốt hơn là con đạp ít vì điều này cho thấy bé được cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho hoạt động trong tử cung.
Phần lớn, mẹ sẽ thấy bé đạp nhiều trong các trường hợp này và đây là điều hoàn toàn bình thường:
– Mẹ nằm nghiêng bên trái. Vì khi ở tư thế này, tuần hoàn máu của cơ thể mẹ bầu sẽ tốt hơn, giúp cho thức ăn và oxy đưa đến cho thai nhi cũng được nhiều lên. Nhờ đó mà bé hoạt động cũng hăng hái hơn.
– Sau khi mẹ ăn, đặc biệt là đồ ăn ngọt hoặc uống nước lạnh.
– Bé đạp nhiều về đêm hơn so với ngày. Đây là do ban đêm mẹ nằm ổn định, không gian yên tĩnh nên mẹ cảm nhận bé đạp rõ hơn.
– Khi mẹ ở những nơi có ánh sáng mạnh, âm thanh lớn. Thai nhi hoàn toàn có thể cảm nhận được môi trường bên ngoài nên bé sẽ phản ứng khi có các yếu tố tác động này.
Thai đạp nhiều bất thường báo hiệu tình trạng nguy hiểm của con
Số cử động trung bình mỗi ngày của thai nhi là 16 – 45 lần; khoảng cách tối đa ghi nhận giữa các lần thai máy là 50 – 75 phút. Có thể không cảm nhận được cử động của thai nhi trong khoảng thời gian thai nhi ngủ. Thời gian ngủ kéo dài 20 – 40 phút, hiếm khi quá 90 phút.
Số lần thai máy thường cao nhất ở khoảng tuần 28-32, sau đó giảm chút ít khi sắp sinh. Ở thời điểm chuẩn bị sinh, số lần thai máy trung bình trong 1 giờ khi thai hoạt động là 31.
Tuy nhiên nếu mẹ nhận thấy thai đạp nhiều bất thường (hơn 20 lần liên tục trong một khoảng thời gian ngắn) thì mẹ cần phải thận trọng. Tình trạng căng thẳng của người mẹ hay một số yếu tố kích thích tiêu cực như đồ uống có cồn, thuốc lá, … có thể khiến thai nhi đạp nhiều hơn bình thường.
Do đó, khi có biểu hiện thai đạp nhiều bất thường thì mẹ nên ghi lại số lần máy trong một giờ. Nếu tình trạng thai đạp liên tục không thuyên giảm thì mẹ nên đi khám để được kiểm tra kịp thời.
Cách theo dõi thai đạp để đảm bảo an toàn cho bé yêu
Nhiều thai nhi rất khỏe. Các bé này thường có xu hướng chuyển động nhanh và mạnh như một chú bướm bay lượn trong bụng mẹ vậy. Đây là điều hoàn toàn bình thường.
Nhưng từ tuần thứ 28 trở đi, mẹ bầu nên tự mình thường xuyên kiểm tra hoạt động của bé trong bụng để đánh giá được tình trạng sức khỏe của thai nhi. Cách tính số lần đạp của con mẹ có thể thực hiện như sau:
– Ghi lại thời gian bắt đầu tính số lần con đạp. Ví dụ mẹ bắt đầu đếm lần con đạp mạnh là lúc 8 giờ 20 phút.
– Mỗi lần chuyển động của con (đạp, uốn người, trườn, …) mẹ hãy gạch vào sổ 1 gạch. Khi nào đủ 10 lần thì mẹ ghi lại thời gian của lúc đó.
– Có những lúc bé đạp đủ 10 lần chỉ trong vòng 10-15 phút. Tuy vậy cũng có lúc mẹ sẽ phải đợi lâu hơn thế.
Trường hợp mẹ đếm trong 1 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa đủ 10 lần, mẹ nên:
- Nghỉ ngơi và uống một cốc sữa lạnh hoặc ăn đồ ngọt.
- Mẹ không nên quá lo lắng. Nằm nghỉ một lúc và thực hiện lại việc đếm số lần đạp của con.
Nếu đếm lại mà vẫn phải rất lâu mới đủ 10 lần thoặc bé đạp nhiều kèm theo các dấu hiệu bất thường khác thì tốt nhất là mẹ nên đi khám.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!