Thai nhi đạp nhiều có ảnh hưởng gì không? Theo các chuyên gia, một em bé khỏe mạnh có ít nhất 4 lần cử động trong 30 phút, ếu không đủ số này có thể bé đang ngủ. Vì vậy mẹ bầu thường theo dõi cử động thai đạp nhiều hay ít để phán đoán tình trạng sức khỏe bé. Đây là một thói quen cần thiết mà mẹ bầu nên thực hiện thường xuyên mỗi ngày. Vậy thai máy như thế nào là phù hợp với từng mốc phát triển của thai? Bài viết sau sẽ cung cấp cho mẹ bầu những kiến thức chính xác về hiện tượng này:
- Thai nhi đạp như thế nào là bình thường?
- Thai nhi đạp nhiều có ảnh hưởng gì không?
- Hướng dẫn các bà mẹ đếm cử động thai mỗi ngày
Thai nhi đạp như thế nào là bình thường?
Khi mang thai và bắt đầu cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của sinh linh nhỏ bé trong bụng chắc chắn ba mẹ sẽ rất vui. Tuy nhiên ngoài cảm giác hạnh phúc khi thấy thai nhi bắt đầu cử động, các mẹ cần học cách theo dõi sức khoẻ thai nhi qua theo dõi cử động thai. Đây là cách để ba mẹ cùng bác sĩ theo dõi tình hình phát triển của thai nhi một cách dễ dàng nhất.
Thai máy hay cử động thai là biểu hiện cho tình trạng sức khoẻ của thai nhi. Khi số lần thai máy giảm đó là dấu hiệu báo động tình trạng sức khoẻ kém của thai nhi. Khi thai nhi không máy hay máy yếu có thể thai suy hay thai đã chết rồi.
Theo đó, từ tuần thai thứ 22 đến 26 là thời gian thích hợp để mẹ bắt đầu theo dõi cử động của bé. Những cử động lúc này đã khá mạnh mẽ, đều đặn và dễ dàng nhận ra. Các cử động đặc biệt rõ nét sau tuần 28 của thai kỳ. Trong từng giai đoạn, bé sẽ gửi các “tín hiệu” khác nhau qua cách cử động của mình. Cùng tìm hiểu thai máy như thế nào là bình thường qua từng giai đoạn nhé!
Mẹ cảm nhận cử động của con rõ ràng hơn khi bước vào tam cá nguyệt thứ hai và ba (Ảnh: istock)
Giai đoạn thai máy đầu tiên (Tuần 7 – 8 thai kỳ):
Mẹ có thể chưa cảm nhận rõ rệt cử động của bé vì những lần thai máy rất nhẹ. Có ngày thai máy thường xuyên nhưng lại có những ngày gián đoạn. Trong giai đoạn này, mẹ không nên quá lo lắng vì mỗi em bé có thời gian biểu và cách vận động riêng. Đôi khi những cử động đó chưa đủ mạnh để mẹ có thể cảm nhận được.
Giai đoạn thai máy rõ ràng (Tuần 16 – 22 thai kỳ):
Đây là giai đoạn thai máy bắt đầu biểu hiện rõ ràng. Mẹ có thể cảm nhận những cử động đa dạng và đều đặn hơn. Lúc này, mẹ nên theo dõi thai máy vào buổi sáng, trưa, tối. Nếu quá bận rộn mẹ nên theo dõi tối thiểu 1 lần trong ngày. Mẹ chỉ cần dành 30 phút liên tục để đếm được số lần thai cử động.
Thai đạp nhiều từ tuần 30 – 38 của thai kỳ:
Mẹ sẽ cảm nhận rõ rệt từng cơn quẫy đạp, xoay trở mình, tay chân hay cử động toàn thân của con. Mẹ cũng cần phân biệt giữa thai máy với cơn gò tử cung. Gò tử cung làm nguyên vùng bụng cứng lên, gây đau. Trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng mà thôi.
Bên cạnh sự thay đổi cử động của thai theo giai đoạn phát triển của bé, mẹ cũng nên nắm rõ tần suất thai đạp để có một mức chuẩn so sánh.
Bài viết liên quan:
Thai nhi đạp nhiều có ảnh hưởng gì không?
Vậy thai cử động nhiều có phải dấu hiệu bất thường? Một em bé khỏe mạnh có ít nhất 4 lần cử động trong 30 phút. Nếu không đủ số này, có thể bé đang ngủ. Thời gian ngủ của bé có thể kéo dài từ 20 phút đến 2 giờ. Trong trường hợp không thấy cử động thai, mẹ nên tiếp tục đếm đến 1-2 giờ nữa.
Theo chia sẻ từ BS CKI Lê Hồng Liên – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park: “Những mẹ bầu có thành bụng dày sẽ có cảm nhận được thai máy hơn người có thành bụng mỏng. Bên cạnh đó thì lượng nước ối nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đển khả năng cảm nhận của mẹ bầu. Ban đầu, thai nhi thường đạp nhẹ hay nhút ních nhẹ nhàng trong bụng. Dần dần, khi thai càng phát triển mẹ sẽ cảm nhận rõ thai đạp nhiều hơn, cử động nhiều hơn. Đến những tháng cuối thai kỳ mẹ cần phân biệt rõ giữ thai đạp và các cơn gò tử cung. Khi thai cử động, co đạp mẹ chỉ cảm nhận ở một vùng, một phần của bụng. Còn các cơn gò sẽ làm toàn bộ bụng căng cứng, mức độ đau khác nhau.”
Thai nhi đạp nhiều có thể do bé hiếu động một chút (Ảnh: istock)
Nếu trong 1 giờ có trên 4 cử động thai, mẹ có thể yên tâm về sức khỏe của bé. Còn nếu thai chỉ cử động dưới 4 lần, mẹ cần đếm thêm 1 giờ nữa vì có thể là lúc thai đang ngủ. Nên nằm nghỉ ngơi hoàn toàn để dễ theo dõi cử động thai.
Trong 1 giờ kế tiếp đếm số lần thai máy vẫn là 3 lần hay ít hơn. Đây là dấu hiệu báo động thai nhi yếu. Hoặc nếu mẹ không cảm nhận 10 cú đá sau hai giờ, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Trường hợp thai đạp nhiều hơn 20 lần là dấu hiệu cảnh báo thai máy bất thường. Nguy cơ thai nhi đang bị stress. Bản thân người mẹ đang gặp những vấn đề căng thẳng cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Lúc này bà mẹ cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, sẽ thấy thai có cử động nhẹ nhàng lại. Nếu thai máy vẫn tăng nhanh, dồn dập, nên đến bệnh viện kiểm tra.
Bài viết liên quan:
Hướng dẫn các bà mẹ đếm cử động thai mỗi ngày
Chọn thời điểm thai đạp nhiều
Mẹ nên cố gắng sắp xếp thời gian để đếm cử động thai vào thời điểm bé cử động nhiều nhất trong ngày. Thông thường, mẹ cảm nhận bé cử động tích cực nhất là sau mỗi bữa ăn hoặc sau khi ăn đồ ngọt, uống đồ lạnh hoặc tập thể dục. Buổi tối cũng là thời điểm thai nhi hoạt động nhiều nhất. Bạn có thể ghi nhận các cử động trong ba hoặc bốn giờ, nếu cần. Bạn nên ghi lại các cử động thai vào cùng thời điểm mỗi ngày.
Nên lập sổ theo dõi
Một cuốn sổ theo dõi để ghi lại thời gian sẽ giúp mẹ bầu theo dõi quá trình phát triển thai nhi. Bằng cách ghi nhận mỗi ngày, mẹ bầu sẽ phát hiện ngay thay đổi của thai nhi để đưa ra phán đoán chính xác.
Theo khuyến cáo của Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ, sản phụ nên tính thời gian để cảm nhận hết 10 cú đá, cú huých, cựa quậy, hoặc cuộn tròn. Lý tưởng nhất lả sản phụ nên cảm nhận được ít nhất 10 cử động trong vòng hai giờ hoặc trong thời gian ngắn hơn.
Đánh dấu “X” cho mỗi cử động mà bạn cảm nhận được cho đến khi đạt được 10 lần. Sau đó ghi lại thời gian của cử động thứ 10. Điều này sẽ giúp bạn theo dõi và xác định thông thường bé cử động 10 lần trong bao lâu.
Mẹ nên lập sổ theo dõi để phát hiện ngay những cử động bất thường của bé nhé (Ảnh: istock)
Tư thế của mẹ bầu
Cách đếm thai máy chính xác nhất là mẹ hãy tìm cho mình một vị trí thoải mái. Một số người mẹ thích ngồi ở tư thế tựa lưng và đặt tay lên bụng. Một số khác thì thích nằm nghiêng sang trái. Việc nằm nghiêng sang trái còn giúp cho máu lưu thông tốt nhất để bé hoạt động tích cực hơn.
Tạm kết:
Chắc hẳn không có kỳ diệu hơn khoảnh khắc lần đầu tiên mẹ có thể cảm nhận những cử động đầu tiên của bé cưng. Không chỉ thể hiện sự gắn kết thiêng liêng của tình mẫu tử, đây còn cách để bé giao tiếp, nói chuyện với mẹ nữa đấy! Và đừng quên chia sẻ khoảnh khắc này với người bạn đời của mình để tăng sự gắn kết giữa bố và em bé sắp chào đời bạn nhé!
Nguồn tham khảo: Thai máy như thế nào là bình thường, thế nào là bất thường? – Vinmec
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!