Thai nhi 30 tuần tuổi đã quay đầu chưa là thắc mắc của nhiều mẹ bầu, nhất là những mẹ lần đầu được lên chức còn khá hồi hộp và chưa có kinh nghiệm. Thông thường, ở các tháng gần cuối thai kỳ, thai nhi sẽ tự động quay đầu để chuẩn bị cho việc ra đời được thuận lợi và suôn sẻ.
Tuy vậy, không phải em bé nào cũng quay đầu vào đúng thời điểm như nhau, thậm chí có trường hợp thai còn không quay đầu khiến việc sinh thường gặp chút khó khăn. Vì thế mà việc xác định thời điểm quay đầu cũng như ngôi thai là vô cùng quan trọng để giúp mẹ có thể có sự điều chỉnh kịp thời và chuẩn bị tốt nhất cho quá trình lâm bồn cũng như lựa chọn được phương pháp sinh phù hợp.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Khi nào thì thai nhi quay đầu?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Ở giai đoạn đầu của thai kỳ ( dưới 28 tuần) ngôi thai thường không cố định và được gọi là ngôi di động. Khi thai càng lớn ngôi thai sẽ có sự điều chỉnh tốt hơn. Thai nhi quay đầu là giai đoạn quan trọng, khi thai nhi có tư thế quay đầu chúc xuống dưới, gáy quay về phía bụng mẹ, mông hướng về phía ngực mẹ, tạo áp lực lên tử cung, giúp mẹ chuyển dạ dễ dàng hơn.
Thai nhi thường sẽ bắt đầu quay đầu ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, khác nhau giữa mỗi thai nhi và phụ thuộc khá nhiều vào số lần mẹ đã mang thai. Thông thường, nếu mẹ mang thai lần đầu thì thai sẽ quay đầu vào tuần thai thứ 34 đến 35. Đối với những mẹ bầu mang thai lần 2, thời điểm này có thể muộn hơn một chút, rơi vào khoảng tuần thứ 36, 37 của thai kỳ.
Trong một số trường hợp thai nhi có thể quay đầu sớm từ tuần thứ 28 của thai kỳ.
Một số trường hợp thai nhi quay đầu sớm từ tuần 28
Thai nhi 30 tuần tuổi đã quay đầu chưa?
Bác sĩ Nam cho biết tuần thai thứ 30 chưa phải là thời điểm quay đầu của thai nhi nên mẹ không cần quá lo lắng khi chưa thấy dấu hiệu thai quay đầu. Mẹ cần giữ gìn sức khỏe, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lí, khi đến giai đoạn phù hợp sẽ thấy dấu hiệu thai quay đầu.
Nếu thấy thai nhi 30 tuần tuổi vẫn chưa quay đầu thì mẹ có thể đợi thêm 3-4 tuần và theo dõi, nắm rõ quá trình quan trọng này của con. Nhưng để biết được chính xác thai 30 tuần tuổi đã quay đầu chưa thì mẹ nên đi siêu âm cụ thể. Bên cạnh đó, một số yếu tố như vị trí thai máy, cử động của tay chân em bé cũng có thể phần nào giúp dự đoán điều này.
Các kiểu ngôi thai khi quay đầu
Một số thai nhi còn có ngôi ngang hay ngôi xiên không thể sinh thường
Thời điểm thai nhi quay đầu là giai đoạn quan trọng, đồng thời, tư thế quay đầu, hay ngôi thai cũng nên được chú ý. Ngôi thai ảnh hưởng đến việc chào đời thuận lợi và giúp mẹ lựa chọn được phương pháp sinh đẻ phù hợp nhất, đảm bảo sự an toàn của mẹ và con khi lâm bồn. Khi thai quay đầu sẽ có các kiểu ngôi thai như:
- Ngôi đầu: thai nhi có tư thế quay đầu chúc xuống dưới, mông hướng về ngực mẹ, gáy quay về phía thành bụng bầu tạo áp lực lên tử cung. Đây là tư thế thuận lợi nhất để mẹ sinh thường nếu bé không quá nặng cân, đầu bé sẽ ra ngoài trước, vào lúc tử cung được mở rộng.
- Ngôi mông: là tình trạng ngôi thai ngược (hay dân gian gọi là đẻ ngược), đầu em bé hướng lên trên, còn mông hướng về âm đạo. Trường hợp này, thai nhi sẽ khó sinh hơn là ngôi đầu, và tùy theo kiểu ngôi mông mà bác sỹ sẽ khuyên mẹ chọn phương pháp sinh mổ hay sinh thường.
- Ngôi xiên hoặc ngôi ngang: là tư thế mà lưng của thai nhi hướng xuống phía dưới, 1 bên bả vai có thể chạm cửa âm đạo của mẹ. Với ngôi thai này, nếu bác sỹ khám sẽ có thể sờ vào vai của bé, và trường hợp này mẹ chỉ có thể sinh mổ vì tư thế này rất khó đưa ra theo cửa tử cung.
Làm gì để thai nhi 30 tuần tuổi quay đầu thuận lợi hơn?
Mẹ bầu nên hạn chế nằm ngồi quá lâu
Tuy rằng 30 tuần thai vẫn chưa quay đầu không đáng lo ngại, nhưng để thai nhi có thể quay đầu đúng thời điểm và đúng tư thế để giúp mẹ bầu sinh thường dễ nhất, mẹ có thể áp dụng một số lưu ý sau trong sinh hoạt:
- Hạn chế nằm, ngồi quá nhiều. Thay vì ngồi lì quá lâu hay lười, mẹ bầu nên thường xuyên đi lại, giải lao, vận động nhẹ nhàng để cơ thể thoải mái và thai dễ quay đầu hơn.
- Ngồi đặt đầu gối thấp hơn mông. Tư thế ngồi kê mông lên cao hơn bằng đệm hay gối nhỏ, rũ chân để đầu gối thấp hơn hông và mông giúp con quay đúng ngôi hơn.
- Nằm nghiêng. Bà bầu nằm nghiêng vừa giúp áp lực lên ngực và cơ thể, còn giúp lưu thông máu, oxy dễ dàng hơn, đồng thời cũng giúp bé cũng dễ dàng xoay chuyển hơn.
Hi vọng mẹ bầu lần đầu lên chức có thể thoải mái tâm lý và bớt lo lắng hơn khi đã nắm rõ được vấn đề thai nhi 30 tuần tuổi đã quay đầu chưa.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!