Thai ngôi mông là một trong những ngôi thai không thuận và sẽ mang lại nhiều khó khăn cho mẹ trong quá trình chuyển dạ. Định nghĩa, nguy cơ, hướng xử lý là những câu hỏi thường gặp về vấn đề này.
Thế nào là thai ngôi mông?
Vào tuần thứ 35-36 của thai kỳ, thai nhi có xu hướng xoay đầu xuống để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ của mẹ. Ngoài ngôi thai thuận là vị trí hoàn hảo nhất để con chào đời, thì những ngôi thai nghịch sẽ gây khó khăn cho mẹ nói riêng và ekip y tế nói riêng trong quá trình chuyển dạ.
Thai ngôi mông là vị trí mà mông hoặc chân của em bé sẽ ra trước, phần đầu sẽ ra sau cùng. Hay người ta còn gọi tình huống này là thai nhi không quay đầu. Có ba loại ngôi mông khác nhau. Mẹ có thể xem hình bên dưới, sẽ thấy rõ sự khác biệt.
Vị trí ngôi thai này gồm có 3 loại:
- Ngôi mông hoàn toàn (dạng 1 theo hình): mông của bé hướng xuống đường dẫn sinh, hai đầu gối gập lại như đang ngồi bắt chéo chân.
- Không hoàn toàn – kiểu mông (dạng 2 theo hình): mông của bé hướng xuống đường dẫn sinh, hai chân duỗi thẳng ở ngay trước mặt bé, hai bàn chân rất gần nhau.
- Ngôi mông không hoàn toàn – kiểu bàn chân (dạng 3 theo hình): một hoặc cả hai bàn chân của bé hướng xuống đường dẫn sinh.
Vào khoảng tuần 18-20 thai kỳ, qua siêu âm, bác sĩ sẽ thông báo cho mẹ bầu về vị trí thai trong bụng.
Nguyên nhân vì sao con lại nằm ở vị trí ngôi thai này?
Có thể nói khá khó để có thể xác định chính xác được lý do.Nhưng có một số yếu tố có thể ảnh hưởng nhiều đến vị trí ngôi thai như:
- Nhiều khả năng xảy ra ở những thai phụ mang đa thai, sinh non hoặc thai nhi có vấn đề về nhau thai.
- Nước ối trong tử cung quá ít hay quá nhiều cũng có thể là nguyên nhân.
- Tử cung của người mẹ có hình dạng bất thường hoặc u xơ tử cung, và điều này có thể gây khó khăn cho em bé trong việc xoay đầu xuống dưới những tháng cuối.
Sinh thường hay sinh mổ?
Sinh mổ thường được chỉ định nếu con ở vị trí ngôi thai mông và nhất định không xoay đầu lại. Tuy nhiên, cũng tuỳ trường hợp thì quyết định của bác sĩ sẽ khác vì sự an toàn của cả mẹ và con.
Những trường hợp có thể thai phụ vẫn được sinh thường:
- Ngôi mông đủ và mông thiếu kiểu mông.
- Khung chậu của người mẹ rộng, cổ tử cung mở lớn.
- Sự xoay trở của thai nhi trong quá trình chuyển dạ và đầu thai nhi cúi tốt.
- Thai nhi có cân nặng nhỏ hơn hoặc bằng 3.200g.
- Tình trạng sức khoẻ cuả thai phụ cho phép.
Trong trường hợp kèm theo các bất thường như sau thì các bác sĩ buộc phải tiến hành mổ lấy thai:
- Trường hợp thai nhi ngôi mông thiếu kiểu chân.
- Quá trình chuyển dạ kéo dài.
- Khung chậu của thai phụ hẹp.
- Đầu thai nhi cúi không tốt.
- Có vết mổ cũ trên tử cung.
- Sinh con lần đầu và trọng lượng thai nhi lớn hơn 3.200g.
Xử lý theo biện pháp y tế
Kỹ thuật ECV, hay còn gọi là can thiệp “ngoại xoay thai” là thủ thuật y tế. Bác sĩ có tay nghề cao sẽ dùng tay nâng và xoay thai nhi từ bên ngoài thành bụng của mẹ bầu, để xoay em bé về ngôi thuận.
Để tiến hành thủ thuật này, bác sĩ cần kiểm tra và đánh giá sức khỏe, tình trạng thai, cũng như theo dõi chặt chẽ suốt quá trình thực hiện. Thủ thuật này có thể sẽ không được thực hiện nếu như:
- Mẹ mang thai đôi hay đa thai
- Tử cung mẹ có bất thường
- Nhau tiền đạo
- Bé có một số vấn đề về sức khỏe
Trước khi thực hiện, các bác sĩ sẽ thực hiện nonstress test để đảm bảo rằng nhịp tim của em bé là bình thường. Hiện tại, thủ thuật này ít được thực hiện tại Việt Nam vì tỷ lệ thành công còn chưa cao, cùng với nguy cơ nhau bong thai và vỡ tử cung.
Nếu thủ thuật này không thành công, bác sĩ sẽ giải thích về khả năng sinh ngả âm đạo hoặc mổ lấy thai ngay lập tức. Bác sĩ cũng có thể đề nghị lặp lại thủ thuật ngoại xoay thai những ngày gần cuối thai kỳ.
Có mẹo nào thai phụ có thể áp dụng để tự cải thiện tình trạng ngôi thai mông?
Một số bí quyết được mách để giúp mẹ bầu có thể thực hiện tại nhà với hy vọng giúp mẹ xoay đầu. Nhưng mẹo này không bảo đảm hiệu quả 100% và đều không có bằng chứng khoa học rõ ràng đối với việc xoay trở ngôi thai. Thai phụ tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử.
- Chống hai tay và đầu gối xuống đất trong tư thế như đang bò, sau đó từ từ di chuyển tiến lên và lùi lại. Việc xương chậu chuyển động có thể khuyến khích bé xoay đầu.
- Bà bầu nên nằm xuống, nâng cao hông lên khoảng 3-4 cm so với sàn nhà và sử dụng gối êm để hỗ trợ phía dưới mông.
- Nếu biết bơi, hãy thử đi bơi.
- Dùng tai nghe có phát nhạc hoặc giọng nói của bạn và đặt phía bụng dưới, điều này có thể làm bé quay đầu về hướng có âm thanh.
- Châm cứu cũng được cho là giúp con xoay đầu hướng xuống.
Hầu hết các trường hợp thai nhi ngôi thai mông đều được hạ sinh rất an toàn và bình yên. Do đó, mẹ không nên lo lắng quá nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!