“Đi bơi có mang bầu được không?” là nỗi băn khoăn của rất nhiều chị em nói riêng và mọi người nói chung. Bài viết sau đây cho chúng ta thấy câu trả lời chính xác cho câu hỏi này.
Indonesia dậy sóng vì phát biểu phụ nữ có thể mang bầu khi đi bơi chung bể với đàn ông
Từ trước đến nay, những tin đồn về chuyện khả năng phụ nữ có thể mang bầu nếu bơi chung bể với đàn ông không còn xa lạ với mọi người. Nhiều người đã không còn tin vào điều đó, tuy nhiên một quan chức chính phủ Indonesia thì cho rằng ngược lại.
Trong một cuộc phỏng vấn kéo dài 8 phút trên trang Tribunnews.com được đăng vào thứ 7, ngày 22 tháng 2, Sitti Hikmawatty – giáo sư đại học đồng thời là ủy viên của Ủy ban bảo vệ trẻ em Indonesia (KPAI) tuyên bố rằng “tinh trùng cực kỳ khỏe mạnh” vẫn có thể làm phụ nữ mang thai trong bể bơi.
Tờ Jakarta Post đưa tin rằng theo giáo sư Sitti, có một loại tinh trùng nam đặc biệt mạnh mẽ có thể làm phụ nữ có thai ngay cả khi không xâm nhập. Cô ấy nói rằng “không một ai có thể biết chắc rằng đàn ông phản ứng thế nào khi nhìn thấy phụ nữ ở trong bể bơi”.
Cộng đồng mạng phản ứng ra sao?
Bài phát biểu của giáo sư Sitti đã gây hoang mang và làm dậy sóng dư luận. Người Indonesia hiện đang kêu gọi loại bà khỏi KPAI. Đến cuối tuần, hastag #PecatSittiHikmawatty (sa thải Sitty Hikmawatty) là chủ đề thịnh hành trên Twitter ở Indonesia.
Cư dân mạng Indonesia đã tranh thủ cơ hội để hình thành một số trào lưu Internet vui nhộn, đơn cử như hình vẽ được lấy cảm hứng từ bộ phim bất hủ “Hàm cá mập”, có tựa đề “AWAS”(coi chừng) để châm biếm lời tuyên bố trên.
Theo tờ Jakarta Post, KPAI đã nhanh chóng làm rõ quan điểm của tổ chức và quan điểm cá nhân của Sitti. Vào thứ bảy, ngày 22 tháng 2, chủ tịch KPAI đưa ra tuyên bố rằng “Những thông tin được đăng tải không đại diện cho nhận thức và thái độ của KPAI”. Trong một động thái tiếp theo, Sitti đưa ra lời xin lỗi về phát biểu gây hoang mang của mình. “Đó là phát ngôn cá nhân và không phải từ KPAI”. Cô ấy cũng thừa nhận đó là một tuyên bố không chính xác.
Tin đồn không chỉ xuất hiện ở Indonesia mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới
Trong những năm qua, rất nhiều các tin tức được lan truyền về việc nhiều phụ nữ dính bầu từ tinh trùng “đi lạc” khi bơi chung với đàn ông trong bể bơi.
Vào năm 2009, một người phụ nữ Ba Lan đã kiện một khách sạn ở Ai Cập vì đã cho rằng cô con gái 13 tuổi của cô ấy đã dính bầu từ tinh trùng “đi lạc” trong bể bơi.
Một câu chuyện lố bịch khác kể rằng một cậu bé đã làm 16 bạn gái khác có thai trong một bữa tiệc ở bể bơi vào năm 2016. Điều này cuối cùng được tiết lộ là chuyện bịa đặt được viết trên các website tin tức giả.
Ở Việt Nam, cũng có rất nhiều các thông tin mập mờ liên quan đến vấn đề này. Phần lớn bắt nguồn từ các lời chia sẻ, tâm sự không rõ thực hư của một số cá nhân và từ đó được phát tán rộng rãi trên các trang báo không được kiểm duyệt gắt gao về nội dung.
Vì vấn đề này có sức thu hút và lan tỏa rất lớn nên nó dễ gây những hoang mang, ảnh hưởng tâm lý không tốt đặc biệt với những bạn gái tuổi mới lớn.
Vậy đi bơi có mang bầu được không?
Hãy làm sáng tỏ chuyện này, để những cô gái có thể có những giờ phút bơi lội thoải mái mà không phải lo lắng khi bơi gần những người đàn ông “dâm dê” hay những cậu bé phát triển sớm. Theo Hiệp hội mang thai Hoa Kỳ, bạn không thể có thai từ tinh trùng trong bể bơi, vì tinh trùng sẽ bị chết do ảnh hưởng của chất hóa học trong bể bơi chỉ trong vài giây.
Hiệp hội bác sĩ Indonesia cũng nói trên CNN rằng “không có chuyện tinh trùng có thể tồn tại ở bể bơi đầy Clo và các hóa chất khác”.
Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ – giám đốc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết: Việc có thai do đi bơi là hoàn toàn hoang đường.
Tinh trùng muốn thụ thai được phải thâm nhập vào được âm đạo của nữ giới thì mới có cơ hội để “bò” lên trứng. Còn khi đến môi trường nước, tinh trùng đã chết ngay lập tức và không có cơ hội nào để thụ tinh thành công.
Vì vậy, nói một cách khoa học, đi bơi chung bể với đàn ông không thể làm cho chị em có thai. Nhưng rõ ràng, sự thiếu cơ sở khoa học đã hình thành nên một quan điểm lạc hậu và sai lầm của một quan chức chính phủ Indonesia như bài viết trên.
Lời kết
Hiện nay, có rất nhiều tin đồn gây hoang mang nhằm mục đích kiếm view và câu like trên mạng nhằm vào các chủ đề dễ thu hút bạn đọc. Chị em chúng ta nên cân nhắc tìm hiểu kỹ thông tin, tránh hồ đồ tin vào những điều phi lý, phản khoa học.
Theo Vice
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!