Triệu chứng phổ biến nhất của thai chết lưu là khi bạn cảm thấy đột nhiên hết nghén, không cảm nhận được thai máy, chuột rút, đau lưng dữ dội,… Ngoài ra, mẹ có thể nhận biết được qua dấu hiệu nào khác? Thai lưu bao lâu thì biết? Các biện pháp nào giúp mẹ vơi đi nỗi đau này, chuẩn bị cho lần mang thai khỏe mạnh kế tiếp?
Dấu hiệu nhận biết thai lưu
Nếu không được xử lý kịp thời, thai lưu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho mẹ. Ví dụ như rối loạn đông máu, nhiễm trùng máu,… Những biến chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người mẹ.
Nắm được những dấu hiệu nhận biết thai lưu, mẹ có thể tự bảo vệ mình. Điển hình như:
- Thai lưu khi tuổi thai còn nhỏ, dưới 12 tuần có khi không có triệu chứng gì rõ. Thậm chí nhiều mẹ không biết mình đã mang thai. Nếu thai lưu tự thoát ra ngoài, mẹ chỉ cảm thấy như chậm kinh mà thôi.
- Nếu mẹ đã có triệu chứng nghén như mệt mỏi, nôn ọe, chán ăn,… thì khi thai lưu, các triệu chứng ốm nghén trên sẽ mất. Đến khi thai lưu sảy, người mẹ cũng thấy ra máu, đau bụng giống dọa sảy thai.
- Khi tuổi thai lớn hơn, các dấu hiệu thai lưu rõ rệt hơn. Mẹ không thấy bụng to thêm. Nếu thai chết đã lâu thì bụng còn nhỏ lại, không thấy thai máy, có hiện tượng tiết sữa non.
Thai lưu bao lâu thì biết?
Ssau khi chết, thai thường lưu lại trong tử cung khoảng 48 giờ rồi tự đào thải ra ngoài. Quá trình này sẽ khiến sản phụ bị ra máu âm đạo kèm theo một số biểu hiện khác. Ví dụ như đau bụng dưới, sốt nhẹ…
Máu thai lưu giống máu của chu kỳ kinh nguyệt: Đỏ thẫm, ra nhiều mấy ngày đầu, sau đó giảm dần rồi hết hẳn. Tình trạng ra máu sẽ kéo dài khoảng 5-7 ngày, hoặc có thể 10 ngày.
Nếu thai đã ngừng phát triển trên 2 tuần mà không tự thoát ra ngoài và nhau bám chắc vào thành tử cung thì hút thai cũng có nguy cơ sót nhau. Mặc khác, thai lưu càng lâu cũng có nguy cơ rối loạn đông máu.
Đừng để thai lưu lâu ngày bên trong tử cung, bạn nên đến bác sĩ để được lấy thai ra. Nếu thai đã ra sạch và bạn có kinh nguyệt lại bình thường, khả năng mang thai lại lần sau thuận lợi hơn.
Đôi khi, thời gian từ khi thai chết đến khi thai thoát ra có thể kéo dài hàng tháng. Khi thai chết lâu, ngấm chất vôi trở nên cứng như hòn sỏi. Trường hợp thai chết lưu muộn (từ 7 tháng trở lên), trong vòng 3 ngày đầu, xác thai giống như một trẻ mới đẻ ra bị chết ngạt…
Như vậy, trong rất nhiều trường hợp, thai lưu bao lâu thì biết là một câu hỏi khó. Khi có các dấu hiệu bất thường như ra huyết, giảm hoặc mất cử động thai, tiếp xúc với môi trường độc hại, phóng xạ, hóa chất,… mẹ bầu cần đi khám ngay.
Nếu phát hiện thai lưu, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ và gia đình ổn định tâm lý. Đồng thời, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết như nhóm máu, chức năng đông máu,… trước khi đưa thai ra ngoài.
Có thể sinh con khỏe mạnh nếu từng bị thai lưu?
Lưu thai một lần, có thể mang thai tiếp hay không?
Đối với hầu hết phụ nữ, khả năng có thêm một thai chết lưu là rất thấp. Dưới 1% mẹ đã từng bị thai chết lưu tiếp tục bị thai chết lưu một lần nữa.
Tuy nhiên, mẹ đừng vội nghĩ đến việc sinh thêm con sau lưu thai! Hãy cho bản thân thời gian để chữa lành về thể chất và cảm xúc. Bác sĩ thể đề nghị bạn làm các xét nghiệm y tế để tìm ra về nguyên nhân lưu thai của bạn. Để tránh rủi ro, bạn cần đợi có kết quả xét nghiệm này trước khi mang thai lại.
Nếu bạn bị thai chết lưu do di truyền, chuyên gia tư vấn di truyền sẽ giúp bạn hiểu tình trạng bệnh và khả năng bạn tiếp tục bị lưu thai. Chuyên gia tư vấn di truyền là người có chuyên môn về cách thức hoạt động của gen, dị tật bẩm sinh. Bạn cũng sẽ biết được ảnh hưởng các bệnh khác trong gia đình đến sức khỏe và thai nhi của bạn.
Mẹ nên làm gì để thai kỳ kế tiếp khỏe mạnh sau chết lưu?
Để giảm nguy cơ bị thai chết lưu trong một lần mang thai tiếp theo, bạn nên:
- Kiểm tra sức khỏe tiền sản, đảm bảo bạn hoàn toàn khỏe mạnh trước khi mang thai.
- Điều trị bất cứ bệnh nào bạn đang mắc phải.
- Có cân nặng phù hợp trước khi mang thai.
- Không hút thuốc, uống rượu. Tuyệt đối sử dụng chất kích thích hoặc các loại thuốc khác có thể gây hại cho thai kỳ.
- Nếu bạn bị đau hoặc chảy máu âm đạo khi mang thai, hãy gọi cho bác sĩ ngay.
Nếu bạn mang thai lần nữa, bác sĩ sẽ theo dõi bạn và con bạn chặt chẽ. Vào khoảng tuần thứ 32 của thai kỳ, bạn cần đếm cú đạp để theo dõi sức khỏe của bé. Bác sĩ cũng có thể làm các xét nghiệm để kiểm tra nhịp tim và chuyển động của bé.
Đau buồn là cảm giác không thể tránh khỏi khi một người thân trong gia đình của bạn qua đời. Mất đi một em bé mà bạn hằng mong mỏi có thể kiến bạn sụp đổ ngay lập tức. Thế nhưng, bạn cần nhớ là phải chăm sóc thật tốt bản thân mình.
Không có khoảng thời gian nhất định để chắc chắn bạn sẽ nguôi ngoai nỗi đau này. Tuy nhiên, một lần thai lưu không có nghĩa bạn sẽ không thể sinh ra bé khỏe mạnh khác. Hãy nghỉ ngơi thật nhiều, bồi bổ cơ thể, tìm đến sự giúp đỡ của người thân, gia đình và cộng đồng,… Đừng quên chuẩn bị tinh thần và thể lực thật tốt để chờ đón em bé tiếp theo!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!