Thai 39 tuần bụng chưa tụt khiến nhiều mẹ bầu lo lắng. Mẹ nên dành thời gian đi bộ nhẹ nhàng 30 – 60 phút mỗi ngày để giúp đầu thai nhi xuống thấp hơn. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Hiện tượng thai nhi tụt xuống
- Lý do thai nhi tụt xuống
- Biểu hiện thai nhi đã tụt xuống
- Thai 39 tuần bụng chưa tụt có sao không?
- Những điều cần lưu ý trong tuần thai thứ 39
Hiện tượng thai nhi tụt xuống
Mỗi mẹ bầu sẽ có một thai kỳ cùng những trải nghiệm khác nhau. Chính vì thế mà không có một công thức chung nào để dự đoán chính xác ngày thai nhi sẽ tụt xuống. Tuy nhiên, nó thường xảy ra vào những tuần cuối của thai kỳ.
Theo đó, đối với những chị em mang thai lần đầu, thai nhi có thể tụt xuống trước 2 – 4 tuần so với ngày dự sinh. Còn những mẹ đã trải qua nhiều lần sinh nở thì có thể nhận thấy hiện tượng này ngay trước ngày lâm bồn.
Mẹ đã biết chưa?
Lý do thai nhi tụt xuống
Trong suốt các giai đoạn thai kỳ, cơ thể người mẹ liên tục có những thay đổi để tạo điều kiện tốt nhất cho thai nhi lớn lên từng ngày đến khi chào đời. Vào những tuần cuối, bé phải di chuyển xuống phía dưới vùng xương chậu, đây cũng chính là cách cơ thể chuẩn bị để sinh con.
Quá trình này giúp làm kéo dài các cơ, khiến cho việc sinh nở trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy mà thai 39 tuần bụng chưa tụt là tình trạng khiến các mẹ cảm thấy hoang mang và lo lắng.
Biểu hiện thai nhi đã tụt xuống
Có khá nhiều dấu hiệu cho biết bé đã sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình rời khỏi bụng mẹ ấm áp để đến với thế giới bên ngoài. Chỉ cần chú ý một chút, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những biểu hiện sau:
- Thay đổi bên ngoài bụng bầu: Bụng của bạn sẽ tụt sâu xuống dưới, cách xa chân ngực. Chắc chắn rằng không chỉ bạn, những người xung quanh cũng có thể nhận ra sự thay đổi rõ ràng này.
- Đi tiểu thường xuyên hơn: Thai nhi khi đã di chuyển xuống dưới sẽ gây áp lực lên bàng quang của mẹ nặng nề hơn, khiến mẹ phải đi tiểu thường xuyên hơn. Tuy nhiên cần lưu ý, một số mẹ bầu bị nhiễm trùng đường niệu cũng có thể gây ra triệu chứng này.
- Cảm thấy dễ thở: Lúc này, phổi của mẹ sẽ có nhiều không gian hơn nên việc hít thở sẽ trở nên dễ dàng hơn.
- Tăng áp lực lên xương chậu: Vì khi tụt xuống, thai nhi sẽ nằm gần xương chậu của mẹ, nên mẹ sẽ cảm thấy không thoải mái ở bộ phận này. Cảm giác đó sẽ càng rõ rệt hơn khi mẹ đi bộ và gần đến ngày chuyển dạ.
- Cảm giác ăn ngon miệng: Vào 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu sẽ ăn phải ăn uống khá khó khăn do chứng ợ nóng. Việc bé tụt xuống xương chậu sẽ trả lại không gian cho dạ dày của mẹ, giúp cơn ợ nóng không còn và cảm giác ăn ngon miệng quay trở lại.
Thai 39 tuần bụng chưa tụt có sao không?
Thực tế, thai 39 tuần tuổi đã đủ điều kiện để chào đời, theo đó bụng của mẹ của sẽ tụt xuống thấp. Tuy nhiên vẫn có khá nhiều trường hợp bụng tụt muộn hơn, thậm chí là đến khi chuyển dạ mới bắt đầu tụt. Theo ý kiến của các bác sĩ, đây cũng chỉ là một trong những yếu tố đánh giá quá trình sinh con diễn ra có dễ hay không.
Theo đó, khi chuẩn bị sinh, các thai phụ sẽ có những dấu hiệu chuyển dạ đẻ. Nếu cổ tử cung mở tốt, đầu thai cúi tốt, ngôi thai thuận, thai nhi khỏe mạnh và mẹ bầu có sức khỏe tốt thì việc sinh con vẫn sẽ diễn ra hoàn toàn bình thường. Mẹ bầu nên dành thời gian đi bộ nhẹ nhàng 30 – 60 phút mỗi ngày để giúp đầu thai nhi xuống thấp hơn.
Tốt nhất, mẹ vẫn nên kiên nhẫn chờ đợi và nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ. Trong trường hợp đến tuần thai cuối cùng mà bụng vẫn chưa tụt thì các bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sức khỏe của mẹ. Nếu thuận lợi, mẹ có thể sinh thường, còn nếu thấy khó khăn, bác sĩ sẽ thực hiện sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Mẹ đã biết chưa?
Những điều cần lưu ý trong tuần thai thứ 39
Dấu hiệu sắp chuyển dạ
Như vậy, mẹ không cần phải quá lo lắng khi thai 39 tuần bụng chưa tụt. Bên cạnh tụt bụng thì cơ thể mẹ sẽ xuất hiện rất nhiều biểu hiện báo hiệu thời điểm sinh nở chính bắt đầu. Mẹ bầu cần đến bệnh viện kiểm tra khi nhận thấy một trong 4 dấu hiệu phổ biến sau đây:
- Cảm giác đau lưng và áp lực đè ngày càng nặng lên vùng xương chậu.
- Xảy ra hiện tượng rò rỉ nước ối, vỡ ối bất chợt hoặc chỉ rỉ ra một lượng nhỏ nhưng kéo dài nhiều giờ.
- Xương chậu căng ra hết cỡ, có thể cảm nhận được đầu của thai nhi đang thúc vào vùng sinh nở của mình.
- Đau co thắt vùng bụng dưới và cơ gò tử cung khiến mẹ không thể đứng hoặc ngồi thẳng. Tần suất cơn đau thường kéo dài khoảng 5 phút, liên tục trong nhiều giờ và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đồng thời có nhịp điệu riêng.
Những triệu chứng bất thường
Hãy gọi ngay cho bác sĩ khi có những hiện tượng sau:
- Cảm thấy đau đầu, hoa mắt hoặc cơ thể đột nhiên trở nên sưng phù vì đây có thể là triệu chứng của tiền sản giật hay tăng huyết áp thai kỳ.
- Mẹ bị ra máu hoặc dịch âm đạo có lẫn máu tươi.
- Bị vỡ ối, nhất là khi dịch chảy ra có màu nâu hay xanh lá vì đó có thể là phân su của bé. Đây là phân thải đầu tiên trong đời của bé và bé sẽ gặp nguy hiểm khi hít hoặc nuốt phải nó trong quá trình sinh.
Tóm lại, thai 39 tuần bụng chưa tụt là một tình trạng bình thường, có thể là bé yêu của bạn vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng đến với thế giới này mà thôi. Vì thế, mẹ bầu đừng quá lo lắng, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và sức khỏe nhé. Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến gặp các bác sĩ thăm khám để kịp thời có biện pháp xử lý.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!