Tết Nguyên Đán là gì? Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn, mang nhiều ý nghĩa của người Việt Nam, là ngày mà những người con xa xứ, xa gia đình để chạy theo bộn bề công việc lại có cơ hội quây quần bên người thân, tạm quên đi những lo toan trong cuộc sống, vì thế đây được xem là khoảng thời gian để xum họp gia đình vui vẻ nhất trong năm. Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết qua bài viết này nhé!
- Tết Nguyên Đán là gì?
- Những phong tục trong ngày tết là gì?
Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán là gì? Hai chữ “Nguyên Đán” có nguồn gốc chữ Hán. Nguyên = đầu, Ðán = buổi sớm mai. Nguyên Ðán là buổi sớm mai của đầu năm.
Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản còn gọi là Tết là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa và văn hóa Đông Á.
Nguồn gốc: Văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thừa”) trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Ta.
Nước ta ăn Tết từ bao giờ thì chưa rõ. Nếu căn cứ vào tục ăn bánh chưng ngày Tết và truyền thuyết cha ông ta biết làm bánh chưng từ thời Hùng vương thì ta đã ăn Tết từ đời các vua Hùng, song đấy chỉ là phỏng đoán, không có bằng chứng.
Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như “Tết Táo Quân” (23 tháng chạp âm lịch) và “Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch). Vì Tết tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch.
Tết Nguyên Đán là ngày nào? Tết của Việt Nam được tính theo ngày âm nên muộn hơn Tết Dương lịch. Thông thường ngày đầu năm của Tết Ta chỉ nằm trong khoảng ngày 21 tháng 1 dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 dương lịch do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch.
Toàn bộ dịp Tết âm lịch hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Bạn có thể chưa biết:
10 năm làm dâu ăn Tết với mẹ chồng – Nỗi lòng này biết ngỏ cùng ai?
Ăn Tết văn minh: Hãy ngừng ngay những câu hỏi vô duyên!
Ảnh Báo Lao động
Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, vẫn mong được trở về sum họp cùng gia đình trong 3 ngày Tết.
“Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Từ ngày rằm tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) các gia đình đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị sắm Tết, có rất nhiều phong tục được thực hiện trong suốt khoảng thời gian diễn ra ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt.
Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết. Miền Bắc có hoa Ðào, miền Nam có hoa Mai, hoa Ðào tượng trưng cho phúc lộc đầu xuân của mọi gia đình.
Những phong tục trong ngày Tết là gì?
Tất niên
Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên.
Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, nó được gọi là Giao thừa.
Tết là gì? Là dịp để người thân trong gia đình sum họp và quây quần bên nhau sau 1 năm làm việc
Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà.
Mâm lễ cúng Tất niên tùy theo điều kiện gia đình cũng như phong tục tập quán mỗi vùng có thể thịnh soạn hay thanh đạm, tuy nhiên một số thành phần bắt buộc phải có khi cúng theo phong tục của người Việt Nam gồm: hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng, cỗ mặn được bầy biện đầy đặn, trang nghiêm.
Giao thừa
Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.
Cúng ngày Tết
Ngày mồng Một (tháng Giêng) là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình.
Ngày mồng Hai là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta chúc tết người thân, họ hàng.
Ngày mồng Ba thường là ngày sau cùng cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết. Nhiều gia đình sẽ làm lễ hóa vàng tiễn các cụ trong ngày này. Nhiều người sẽ đi thăm hàng xóm, láng giềng, thăm thầy cô, đồng nghiệp để chúc Tết từ ngày mồng 3.
Bạn có thể chưa biết:
Cha mẹ cần lưu ý những gì khi cho trẻ đi chơi tết?
Xem ngay những bí quyết giúp “hồi sức” sau Tết hiệu quả
Xông đất
Nhiều người quan niệm ngày Mồng Một đại diện cho một năm mới. Vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi.
Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng.
Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tuổi hợp với gia chủ vào năm đó, người khỏe mạnh, vui vẻ, để nhờ xông đất.
Lì xì
Người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay “hồng bao”, gọi là “lì xì” với những lời chúc chóng lớn, ngoan ngoan, giỏi giang. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong “hồng bao” có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu, vì ma sẽ sợ giấy màu đỏ.
Tùy vào mỗi vùng miền, các phong tục sẽ có chút khác biệt. Xã hội ngày càng phát triển, những phong tục truyền thống ít nhiều bị ảnh hưởng và mai một dần.
Tục lệ dựng cây nêu ngày Tết, đi hái lộc, xin câu đối đầu năm giờ không còn phổ biến như trước nữa. Tuy nhiên Tết Nguyên Đán trong tâm thức người Việt vẫn không gì có thể thay thế được.
Cứ dịp Tết đến Xuân về, lòng người lại nô nức, nhất là những người con xa xứ. Cái Tết không chỉ là ngày lễ đơn thuần. Đó là ngày của tình thân, của đoàn viên, của cội nguồn nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!