Có nên tập thể dục 3 tháng đầu mang thai hay không và nên tập với mức độ như thế nào cho hợp lý là thắc mắc chung của rất nhiều bà mẹ. Cùng tìm hiểu những thông tin xoay quanh việc tập thể dục trong 3 tháng đầu thai kỳ qua bài viết dưới đây để có một sức khỏe và tinh thần thật tốt trong suốt quá trình mang thai các mẹ nhé!
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
3 tháng đầu mang thai có được tập thể dục không?
Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, cơ thể người mẹ diễn ra nhiều thay đổi đặc biệt khiến mẹ cảm thấy toàn thân mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn,… và không muốn tập thể dục. Nhiều người cũng cho rằng phụ nữ mang thai cần ít vận động và di chuyển để tránh bị động thai.
Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi mẹ bầu gặp phải một số những biến chứng đặc biệt trong thai kì. Còn đối với các mẹ có sức khỏe bình thường, các bác sĩ còn khuyến khích mẹ nên dành thời gian tập thể dục 3 tháng đầu mang thai vì nó rất có lợi và an toàn cho sức khỏe. Ít vận động khi mang thai sẽ khiến mẹ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Tập thể dục trong 3 tháng đầu thai kì đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe mẹ bầu, khiến mẹ bầu cải thiện giấc ngủ, giảm tình trạng đau lưng, táo bón, đem lại tâm trạng vui vẻ, giúp mẹ bầu dễ sinh thường hơn và nhanh hồi phục, dễ lấy lại vóc dáng sau sinh.
Những lợi ích khi tập thể dục trong 3 tháng đầu mang thai
Tăng cường sức khỏe
Tập thể dục trong 3 tháng đầu thai kỳ với những bài tập nhẹ nhàng và đều đặn giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe, giảm bớt các triệu chứng đau nhức cơ lưng, vai và cột sống khi mang thai.
Duy trì việc tập luyện lâu dần sẽ giúp cơ thể mẹ dẻo dai, vận động linh hoạt và xương khớp chắc khỏe. Vì vậy, dù mang bụng bầu nặng nề như nhau, nhưng nhiều mẹ vẫn di chuyển nhanh nhẹn và hoạt bát vì có tập thể dục.
Giúp quá trình “vượt cạn” suôn sẻ
Khi luyện tập một cách khoa học và bài bản, hệ tuần hoàn của cơ thể mẹ sẽ được lưu thông dễ dàng hơn, giúp mẹ cải thiện được khả năng chịu đựng và hỗ trợ cho quá trình “vượt cạn” sau này diễn ra suôn sẻ thuận lợi hơn.
Duy trì mức cân nặng hợp lý
Để tránh bị tăng cân quá nhiều trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu nên siêng năng tập thể dục. Duy trì cơ thể ở mức cân nặng ổn định giúp mẹ bầu giảm thiểu được những rủi ro về sức khỏe có liên quan đến cân nặng như tiểu đường, béo phì,…
Giảm khả năng bị trầm cảm
Tập thể dục khi mang thai giúp mẹ bầu thư thái đầu óc và cải thiện tâm trạng rất tốt. Các bài tập hít thở nhịp nhàng và giải phóng năng lượng giúp mẹ giải tỏa hết những mệt mỏi, căng thẳng và lo âu trong cuộc sống. Từ đó giúp mẹ giảm khả năng bị trầm cảm.
Khoa học đã chứng minh những người mẹ có tập thể dục khi mang thai thường có tinh thần thoải mái và tự tin để chờ đón ngày lâm bồn hơn những mẹ không tập.
Một tinh thần thoải mái khi mang thai có tác động rất lớn đến sự phát triển toàn diện của thai nhi, giúp giảm các nguy cơ mắc bệnh về rối loạn tâm lý và chậm phát triển ngay từ trong bụng mẹ.
Những lưu ý cho mẹ bầu khi tập thể dục giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, để có được chế độ tập luyện phù hợp, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu hoặc khi muốn thay đổi một bài tập nào.
- Mẹ bầu nên chọn bài tập an toàn, tránh những môn đòi hỏi tốc độ di chuyển nhanh và thay đổi hướng đột ngột như cầu lông, đá cầu,…
- Môi trường tập luyện cũng cần tránh nơi có nhiệt độ cao hoặc độ ẩm lớn.
- Việc chọn quần áo rộng và thoáng khí sẽ giúp mẹ bầu thoải mái hơn khi tập luyện.
- Trước khi bắt đầu, mẹ bầu cần khởi động khoảng 5-10 phút để cơ bắp sẵn sàng cho việc tập thể dục
- Trong suốt quá trình tập, mẹ bầu cần lắng nghe cơ thể, không nên tập đến khi kiệt sức, cần dừng lại ngay khi cảm thấy không ổn.
- Kết thúc bài tập, mẹ bầu nên đi bộ nhẹ nhàng, thực hiện một số động tác kéo giãn cơ giúp nhịp tim ổn định.
- Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể trước, trong và sau khi tập cần được chú trọng, mẹ bầu bị mất nước sẽ dẫn đến giảm lượng máu đến nhau thai, tăng nguy cơ tăng nhiệt và nghiêm trọng hơn là gây ra các cơn co thắt.
- Bên cạnh chế độ tập luyện, mẹ bầu cũng cần lưu ý đến thực đơn dinh dưỡng để bù lại năng lượng đã mất, đảm bảo sự phát triển phù hợp của thai.
Bài tập thể dục 3 tháng đầu mang thai cho mẹ bầu
Đi bộ
Không nhất thiết phải đến phòng tập hay tập những bài tập phức tạp. Bạn có thể chọn cách đi bộ mỗi sáng khi đi chợ, đi dạo tại những nơi có đồi dốc, leo cầu thang trong nhà mỗi ngày và tự chủ động đi lấy một thứ gì đó thay vì nhờ người giúp,… Đi bộ giúp tim của bạn làm việc hiệu quả hơn trong việc tuần hoàn máu đi khắp cơ thể và qua nhau thai.
Việc tập luyện từng chút một nhưng diễn ra thường xuyên trong cả ngày đặc biệt tốt cho mẹ bầu hơn là tập trung tập luyện nhiều trong một thời điểm.
Bơi lội
Một trong những môn thể thao giúp tăng sức mạnh cơ bắp và giúp cơ thể hô hấp tốt hơn chính là bơi lội. Sức nổi của nước cực kỳ tốt cho bụng của bạn khi mang thai. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên thực hiện những động tác quá mạnh như rướn người nhiều khi bơi vì có thể gây ảnh hưởng đến vùng bụng. Bơi ngửa hay thả người nổi trên nước, chân tay nhẹ nhàng đạp nước đều là tư thế tốt cho mẹ đang mang thai vì có thể làm giảm đau lưng.
Đạp xe đạp
Đa số các mẹ có thể đạp xe trong 6 tháng đầu khi mang thai. Đạp xe nhẹ nhàng rất tốt cho vùng xương chậy được săn chắc và linh hoạt hơn.
Bài tập Kegel
Kegel là một bài tập nổi tiếng dành cho vùng sàn chậu. Bài tập này khá đơn giản và chỉ mất vài phút mỗi lần thực hiện nhưng hiệu mà nó mang lại cho mẹ bầu là cực kỳ tốt. Chăm chỉ luyện tập Kegel mỗi ngày giúp củng cố phần sàn khung xương chậu thêm chắc khỏe. Hãy tham khảo các video hoặc bài viết hướng dẫn bài tập Kegel dành cho mẹ bầu trên mạng để tập luyện mỗi ngày.
Yoga
Một trong những bài tập thể dục hoàn hảo cho bà bầu khi mang thai chính là Yoga. Yoga bầu giúp cơ thể linh hoạt và khiến bạn tĩnh tâm, giảm thiểu khả năng trầm cảm.
Tập thể dục 3 tháng đầu mang thai là hoàn toàn tốt cho sức khỏe mẹ và bé nếu như bạn tập luyện đúng cách và đều đặn. Tuy nhiên, vì cơ thể khi mang thai yếu hơn bình thường nên trước khi tập, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước để được tư vấn bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!