Tâm trạng sau sảy thai diễn ra rất phức tạp bởi sảy thai là một trong những trải nghiệm khó khăn nhất trong đời người phụ nữ. Cảm giác tiếc thương, đau khổ và rối bời là những vết thương lòng khó chữa, hơn cả những nỗi đau về mặt thể chất mà họ phải chịu đựng. Thực sự, sảy thai là một điều rất kinh khủng đối với phụ nữ.
Cảm giác cô đơn trống trải thường trực là tâm trạng sau sảy thai
Thật không may, nhiều phụ nữ cảm thấy rằng khi họ cảm thấy đau khổ nhất, họ không nhận được sự giúp đỡ về mặt tinh thần nào từ đội ngũ bác sĩ – y tá chăm sóc họ.
Trong khi họ rất khao khát có ai đó đồng cảm với họ vào những thời khắc đó. Cảm giác cô đơn như làm cho khó khăn tăng lên gấp bội phần.
Sảy thai tự nhiên chiếm 15% số trường hợp mang thai ở Mỹ
Ở Mỹ, số ca sảy thai tự nhiên chiếm đến 15% trong tổng số các trường hợp mang thai. Các nhân viên y tế gặp tình trạng này rất thường xuyên và dần dần họ sẽ giảm bớt cảm giác quá thương xót cho những trường hợp đó.
Tuy nhiên, cũng có lý do cho việc họ trở nên như vậy: Nếu dành quá nhiều tình cảm và cảm xúc cho những ca sảy thai như thế, họ sẽ dần kiệt sức và không thể tiếp tục làm việc được nữa.
Thực tế cho họ thấy là cần lý trí hơn, kìm nén cảm xúc bản thân lại sẽ tốt hơn cho công việc.
Tuy nhiên, cách làm này có thể khiến cho đội ngũ nhân viên y tế trở nên vô cảm với những trường hợp sảy thai. Đối với họ, đó có thể là ca sảy thai thứ ba mà họ tiếp nhận trong ngày; nhưng đối với người phụ nữ không may rơi vào tình huống đó, cả bầu trời như sụp xuống chân người đó. Những con số thống kê không có ý nghĩa gì với một người đang phải trải qua bi kịch như thế.
Nhân viên y tế cần có tâm trạng tốt để trợ giúp tâm lý bệnh nhân
Có nhiều cách để nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý bệnh nhân trong khi vẫn duy trì được tâm trạng ổn định của mình. Họ cần tự chăm sóc cho bản thân mình thật tốt vì họ còn có trọng trách chăm sóc sức khoẻ người khác. Nhưng phải thừa nhận rằng họ cũng là con người và tâm trạng có tốt hay không cũng tuỳ từng hôm.
Sẽ có những hôm họ cảm thấy không đủ sức khoẻ/tinh thần để làm việc/trợ giúp tâm lý cho bệnh nhân; hoặc cũng có khi họ cần giúp đồng nghiệp khi đồng nghiệp cũng có tình trạng tương tự như vậy.
“Nhà tôi hôm nay xảy ra chuyện lớn nên tôi cảm thấy rằng tôi không có đủ tinh thần để trợ giúp tâm lý cho bệnh nhân bị sảy thai ngày hôm nay. Bạn có thể giúp tôi làm việc này với cô ấy được không?”. Câu hỏi này là hợp lý khi một nhân viên y tế cảm thấy không đủ sức hoàn thành công việc có ý nghĩa to lớn với bệnh nhân như mọi khi.
Phụ nữ với tâm trạng sau sảy thai cần có sự quan tâm nhất định
Đôi khi bệnh nhân cảm thấy như đội ngũ y tế không quan tâm đến cảm xúc của họ. Việc sảy thai của họ là việc đã rồi, và điều duy nhất họ đối mặt sau sự việc đó là cảm xúc tồi tệ, và rất cần sự giúp đỡ của đội ngũ y tế để có thể cảm thấy thoải mái và an toàn.
Mấu chốt của việc chăm sóc tinh thần cho phụ nữ sảy thai ở đây là việc giao tiếp. Ví dụ như y tá có thể hỏi họ một câu như: “ Tôi sẽ để chị nghỉ ngơi một lát và làm một chút công việc khác và tôi sẽ trở lại với chị sau khoảng 20 phút nhé” thay vì lẳng lặng biến mất cuối hành lang.
Làm như vậy sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy không bị bỏ rơi sau biến cố họ vừa phải trải qua.
Áp lực công việc khiến đội ngũ y tế khó lòng ở bên bệnh nhân quá lâu
Công việc bận rộn khiến đội ngũ chăm sóc bệnh nhân gặp khó khăn với việc chia sẻ nỗi buồn với bệnh nhân của họ. Áp lực khiến họ trở nên vội vã và cảm giác như mình phải đi xử lý mọi việc cùng một lúc.
Họ thường hỏi thăm một vài câu cơ bản đối với bệnh nhân rồi phải đi xử lý ca khác nên việc ngồi một chỗ để động viên tinh thần với mỗi bệnh nhân thực sự là một điều rất xa xỉ đối với họ.
Với mong muốn giảm thiểu tối đa nỗi đau buồn của bệnh nhân, nhân viên chăm sóc có thể nói những câu mang lại cảm giác không thoải mái cho họ.
Ví dụ như: “Không phải lỗi của chị mà”; “Chắc em bé đã đến một nơi tốt hơn rồi”; hay “Ít nhất là chị có thể tiếp tục mang thai tiếp, đừng lo”.
Hoặc “Thai mới có 5 tuần thôi, chẳng may mới thế, chị đừng buồn quá”… Những lời nói này có thể như xát thêm muối vào nỗi đau của người mẹ mất con.
Hãy cố gắng ở bên cạnh khi họ cảm thấy cô đơn nhất
Thực ra, điều người phụ nữ cần nhất lúc này là có ai ở bên cạnh cô ấy. Có một số người phụ nữ không đi cùng người thân, hoặc người thân lúc đó bận, không ở bên cạnh cô ấy được.
Lúc này, cô ấy thực sự rất cô đơn và nếu có ai ngồi bên cạnh cô ấy, sẽ là điều tốt nhất. Người chăm sóc có thể hỏi ý kiến bệnh nhân xem ngồi cạnh cô ấy được không, và nếu bệnh nhân chấp nhận, thì việc cần làm chỉ là ngồi bên cạnh bệnh nhân mà thôi.
Không cần nói nhiều, không cần đụng chạm, chỉ cần ngồi bên cạnh bệnh nhân để họ đủ hiểu rằng họ không đơn độc trong cuộc đời này. Điều đó sẽ làm nên điều khác biệt!
Người nhà của bệnh nhân cũng có tâm trạng sau sảy thai tương tự
Không chỉ người phụ nữ bị sảy thai mới có cảm giác tồi tệ. Những người đi cùng họ vào bệnh viện (chồng/ bạn trai, người thân…) đều cùng có cảm giác shock và bàng hoàng với tin dữ này.
Trong lúc này, ai ai trong họ cũng mang một nỗi buồn và cần được sẻ chia. Đội ngũ chăm sóc cũng cần để tâm và chia sẻ nỗi cảm thông với họ.
- “Anh/chị cảm thấy thế nào rồi?”
- “Nếu được, anh/chị có thể để tôi giúp gì không? Tôi có thể gợi ý một số điều và nếu thấy phương án nào giúp được anh/chị, cứ nói với tôi nhé!”
- “Anh/chị cần ở một mình, hay có cần tôi ngồi cùng anh/chị không?”
- “Chúng tôi đang có chuyên gia tâm lý/mục sư/thầy tu… ở đây. Anh/chị có cần tâm sự với họ một lát không?”
Nhân vật chính – người phụ nữ bị sảy thai là trọng tâm của việc chia sẻ
Và đối với người phụ nữ không may bị sảy thai. Trước tiên, người chăm sóc y tế có thể nói rằng: “Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện đã xảy ra với chị. Tuy nhiên, bản thân chị giờ là người quan trọng nhất ở đây.
Hãy nói với chúng tôi bất cứ những gì chị cần, và những gì chị thấy có thể để chúng tôi làm, giúp chị vượt qua giai đoạn này. Chúng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ chị.”
Người phụ nữ sau khi mất con dù chủ ý hay không chủ ý đều có cú shock rất nặng về tâm lý. Khoảng thời gian sau khi làm thủ thuật để hút/nạo nốt phần rau còn bám ở tử cung xong, tâm trạng sau sảy thai vừa đau đớn về thể xác lại vừa đau khổ về tinh thần.
Đội ngũ y tế cũng như người thân nên thường xuyên ở bên cạnh họ để giúp họ vượt qua nỗi mất mát này một cách nhanh chóng, sớm nhìn cuộc sống với khía cạnh tích cực trở lại!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!